Sau hơn một năm, chúng tôi cũng hoàn thành được cuốn hồi ký, như một món quà dành cho bố tôi cũng như những người hâm mộ bóng bàn Việt Nam.
Cuốn hồi ký Bóng bàn - Một đời tôi đam mê
Một ngày trước khi giải bóng bàn Cây vợt vàng năm 2019 (lần thứ 33) diễn ra, gia đình ông Nguyễn Trọng Trúc - một trong những người góp công sáng lập ra giải đấu này - đã cho ra mắt cuốn hồi ký của ông mang tên Bóng bàn - Một đời tôi đam mê.
Nói đến vai trò lãnh đạo trong làng bóng bàn Việt Nam, có lẽ ít ai nổi tiếng và giàu kinh nghiệm hơn ông Nguyễn Trọng Trúc - người từng giữ qua hàng loạt chức vụ như HLV tuyển bóng bàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam (VTTF), Trưởng bộ môn bóng bàn TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP Hồ Chí Minh…
Những nguyện vọng dở dang
Tháng 11.2017, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, ông Trúc trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 74 trong sự thương tiếc của người thân và những người hâm mộ bóng bàn Việt Nam.
Mới vài tháng trước đó, Trưởng bộ môn bóng bàn TP Hồ Chí Minh Từ Nhân Luân vẫn thường xuyên lui tới nhà ông để được cố vấn các vấn đề trong việc tổ chức giải Cây vợt vàng (CVV).
Trọn một cuộc đời ông Nguyễn Trọng Trúc đã gắn bó với bóng bàn như thế, vẫn miệt mài đến những giây phút cuối cùng.
Nhưng khi ấy, ông vẫn mang trong mình hai nguyện vọng dở dang. Đầu tiên là cuốn hồi ký về sự nghiệp của chính ông - một thứ gần giống "biên niên sử" bóng bàn Việt Nam.
Nhưng may mắn, vợ ông - NSƯT Thúy Hoa, con gái Nguyễn Hoàng Nguyệt Ánh, con trai Hoàng Anh và những người bạn của ông đã chung tay hoàn tất cuốn hồi ký này.
"Những năm cuối đời, bố tôi bắt đầu biên soạn cuốn hồi ký của ông về bóng bàn Việt Nam. Ông trút toàn bộ tình cảm, kiến thức và những trăn trở của mình vào các trang sách.
Khi ông qua đời, dù các tư liệu đã hoàn thành được khoảng 90% nhưng vẫn cần một người chấp bút để giọng văn thêm phần mượt mà. May mắn là nhà báo và là một người bạn thân của bố tôi - ông Huỳnh Dũng Nhân đã đồng ý giúp đỡ.
Sau hơn một năm, chúng tôi cũng hoàn thành được cuốn hồi ký, như một món quà dành cho bố tôi cũng như những người hâm mộ bóng bàn Việt Nam" - MC Nguyệt Ánh chia sẻ.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với bóng bàn chuyên nghiệp, cuốn hồi ký hơn 300 trang của ông Nguyễn Trọng Trúc chi chít những tư liệu, những con số thống kê về từng danh hiệu của các tay vợt hàng đầu Việt Nam. Và độc giả dễ dàng tìm thấy một phần quan trọng trong đó - chính là giải CVV, cũng là nguyện vọng dang dở thứ hai mà ông Trúc canh cánh những năm cuối đời.
NSƯT Thúy Hoa và con gái Nguyễn Hoàng Nguyệt Ánh trong buổi ra mắt cuốn hồi ký - Ảnh: gia đình cung cấp
Đứa con tinh thần
Năm 1987, giải CVV chính thức ra đời sau một thời gian thai nghén ý tưởng từ lãnh đạo báo Thể Thao TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Trúc cùng các lãnh đạo ngành thể thao lúc bấy giờ như ông Lê Bửu, Phạm Văn Kiết…
Có thể nói, CVV chính là "đứa con tinh thần" rực rỡ nhất trong sự nghiệp quản lý bóng bàn của ông Trúc. Ngay khi vừa ra đời, CVV đã sớm gây được tiếng vang trong khu vực, trở thành một sân chơi mang tầm cỡ quốc tế hiếm hoi mà thể thao Việt Nam gây dựng được.
Trong những thời điểm cực thịnh của mình, CVV từng mời về được những tay vợt lừng danh thế giới như Ma Lin (người sau này thống trị bóng bàn đơn nam thế giới một thời gian dài), Liu Guo Zheng (2 lần vô địch đồng đội giải thế giới) hay Tie Ya Na (hạng 3 đơn nữ thế giới)…
Nhưng theo năm tháng, CVV cũng dần sa sút theo chính thực trạng của bóng bàn Việt Nam. Từ chỗ là một giải đấu có tên tuổi trong khu vực, những năm gần đây CVV chỉ được bóng bàn Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc xem như sân chơi cọ xát cho các tay vợt trẻ.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Nhật thường chỉ cử đến giải các tay vợt học sinh, thậm chí không có ý định đi lên chuyên nghiệp. Còn Trung Quốc cũng chỉ đưa sang các đội tuyển cấp tỉnh, thành.
Đoàn Kiến Quốc và Huy Bảo - Ảnh tư liệu CVV
Giấc mơ châu Á
Ông Từ Nhân Luân, Trưởng bộ môn bóng bàn của Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh giải thích: "Thời các tay vợt bóng bàn Việt Nam có thể đối đầu với những đối thủ Hàn, Nhật đã qua lâu rồi. Nếu chúng tôi mời về những tay vợt quá mạnh, các trận đấu sẽ chẳng có chút cạnh tranh nào cả và đó cũng không phải là điều người hâm mộ muốn. Chúng tôi không bao giờ quên giải CVV hùng mạnh một thời mà chú Trúc và những người đi trước từng gây dựng được. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất bây giờ là tìm được một nhà tài trợ lâu dài, chứ không phải "năm nào xào năm ấy" như hiện nay".
Trong những năm cuối đời, ông Trúc vẫn thường tâm sự với cánh phóng viên chúng tôi về ước nguyện dang dở của ông: đưa CVV trở thành một giải đấu chính thức của châu Á. Nhưng ít nhất "đứa con tinh thần" của ông Trúc đến lúc này vẫn duy trì việc tổ chức thường niên. Dù có thăng trầm thế nào đi nữa, CVV vẫn là giải đấu có truyền thống cũng như mang màu sắc quốc tế hiếm hoi ở Việt Nam, được gây dựng từ chính những người cực kỳ tâm huyết với thể thao Việt.
Cần đưa giải Cây vợt vàng vào hệ thống ITTF
Ông Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT chia sẻ: "Cây vợt vàng là giải truyền thống đã đến tuổi thứ 33, do TP Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức. Giải có quy mô lớn, được tổ chức khá bài bản và quy tụ nhiều VĐV hàng đầu Đông Nam Á, châu Á. Nhưng vài năm gần đây do kinh tế khó khăn, ban tổ chức buộc các đơn vị phải đóng phí cho VĐV thi đấu nên số lượng VĐV quốc tế bị hạn chế, các VĐV mạnh giảm hẳn vì vấn đề kinh phí và cũng có nhiều giải chuyên nghiệp trên thế giới để họ lựa chọn.
Theo cá nhân tôi, để duy trì và đưa Cây vợt vàng trở lại thời hoàng kim thu hút nhiều tay vợt hàng đầu thế giới, bóng bàn TP Hồ Chí Minh cần đề nghị Tổng cục TDTT, VTTF hỗ trợ và đưa giải vào hệ thống thi đấu của châu Á hoặc Liên đoàn Bóng bàn quốc tế (ITTF).
Nếu vào hệ thống châu Á, chúng ta sẽ được giúp đỡ trong nhiều vấn đề, châu Á sẽ cử nhiều VĐV mạnh sang đấu. Lúc sinh thời, ông Nguyễn Trọng Trúc và đồng sự từng manh nha ý tưởng này, nhưng đến nay vẫn còn dang dở".
Theo Tuổi trẻ