Bà lão mới qua đời lúc nửa đêm, thế mà sáng ra, cả làng đã biết. Bà con đến thăm viếng rất đông.
Chồng bà là ông Tồ, một cựu chiến binh nổi tiếng gương mẫu trong mọi việc, có thưa với mọi người là sẽ đưa đi hỏa táng, chứ không chôn cất như nhiều đám.
Trên đường về, bà Thanh và bà Chuyên lan man bàn về ý kiến của ông Tồ. Bà Thanh nói thẳng: “Làm sao lại nỡ thế? Đang nguyên lành, lại đưa vào lò thiêu. Khổ thân bà lão". Bà Chuyên nghĩ khác: “Bà ơi, đã chết rồi, còn sợ gì đau đớn. Hỏa táng là cách an táng mới, tiện lợi mọi đằng”.
Bà Thanh chưa chịu:
- Tập quán nhân dân ta bao đời nay vẫn quen thế, khi mất thì đưa ma ra đồng chôn, để ba bốn năm, khi chỉ còn bộ xương, bấy giờ mới đào lên, cho vào tiểu…
Bà Chuyên nói ngay:
- Thế có phiền phức không? Chôn xuống, đào lên, mấy lần vất vả, tốn kém, mà lại không giữ được vệ sinh môi trường... Mà bà có nhớ đám bốc bái cụ Lường tháng trước không?
Bà Thanh ngẩn người.
- Tháng trước bốc cụ Lường, tôi lại lên với cháu ở Hà Nội…
- Các con để cụ sáu năm mới bốc, cứ yên chí là “sạch”. Ai ngờ khi mở nắp ván, cụ Lường còn nguyên da thịt... Thế là phải thuê người tìm cách “xử lý” cả tiếng đồng hồ mới xếp được vào tiểu sành…
Bà Chuyên nói tiếp:
- Có thể do nguồn nước và địa chất khu nghĩa địa làng ta nay đã thay đổi theo thời tiết, khí hậu. Vả lại đất đai an táng ngày càng hẹp. Cho nên đưa đi hỏa táng là “nhất cử lưỡng tiện”. Mà gia đình các con cháu vẫn làm ăn tốt, có gì đáng phải suy nghĩ đâu.
Bà Thanh bây giờ mới gật gù:
- Có nhẽ ông Tồ quyết định như thế là đúng.
- Chứ còn gì nữa! - bà Chuyên khẳng định.
NGUYỄN HỮU