Ông là tiến sĩ Nguyễn Thời Trung người làng Phong Lâm (còn gọi là làng Trắm), tổng Phạm Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng thời Lê.
Nhà thờ ông Tổ nghề da giầy ở xã Hoàng Diệu
Nguyễn Thời Trung người làng Phong Lâm (còn gọi là làng Trắm), tổng Phạm Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng thời Lê, nay thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.
Năm 45 tuổi ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc năm thứ tư (1565), triều nhà Mạc, làm quan đến chức Thừa chính sứ (theo "Tiến sĩ nho họ Hải Dương" xuất bản bản năm 1999). Thời phong kiến nhà Mạc bị coi là ngụy triều nên tên tuổi ông không được khắc ghi trên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Theo sắc phong và văn tế còn lưu giữ tại địa phương: đầu thời Mạc, tiến sĩ Nguyễn Thời Trung phụng mệnh triều đình đi sứ nhà Minh dâng lễ cống. Khi đi ông xin mang theo ba người cùng quê là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sỹ Bân, người làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm với ước vọng tìm nghề mới mang về truyền dạy cho dân làng.
Trong thời gian lưu lại ở kinh đô Trung Quốc, các ông vẫn ngày ngày làm việc trong sứ quán, tối tối lại dạo khắp kinh thành thăm dò quan sát xem xét nên học nghề gì? Thấy một tiệm chuyên đóng giầy dép cho vua quan, các ông bàn bạc quyết tâm học bằng được nghề này. Nhờ lân la tìm hiểu quan sát, khéo léo ngoại giao, các ông được chủ tiệm giầy quý mến tiếp đón ân cần. Nhờ đó, các ông đã thu lượm được kiến thức về thuộc da và đóng giầy của người Trung Quốc.
Hết thời gian đi sứ, các ông về nước mang theo những bí quyết về nghề da giầy. Các ông cũng tự đóng được một số mẫu giầy đem dâng vua và tâu lên vua ý định truyền bá nghề này cho dân làng. Vua thấy giầy đóng rất đẹp, ngợi khen và chấp nhận lời thỉnh cầu của các ông, sắc phong cho bốn ông là: "Dực bảo trung hưng tôn thần". Sau này triều đình lại sắc phong cho Nguyễn Thời Trung làm Thành hoàng làng kiêm tổ nghề da giầy. Ba ông còn lại, mỗi ông làm Tổ nghề của một trong ba làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm.
Trong thực tế những vị này có thể là đã cải tiến kiến thức về thuộc da và sáng chế những mẫu giầy dép mới. Chứ thực ra nghề da ở nước ta đã có từ lâu đời Trong các ngôi mộ cổ cách nay một, hai nghìn năm đã có những đồ tuỳ táng làm bằng da thuộc. Thời bấy giờ, nhu cầu về da giầy chủ yếu ở chốn thị thành vào dịp hội hè đầu xuân, hầu hết các thợ giầy Tam Lâm phải ra các nơi thị thành hành nghề. Họ tạm biệt quê hương vào cuối thu mang theo đồ nghề ra phố phường - Kẻ Chợ. Ở đây họ mở hiệu, hoạt động sôi nổi suốt mùa đông cho đến giữa mùa xuân khi nhu cầu về giầy dép giảm thì lại trở về quê hương làm ruộng. "Nông vi bản" là thế!
Trong phong trào chung đó, một số người có đầu óc kinh doanh, giàu lên, mở cửa hiệu và xưởng đóng giầy, ở lại chốn đô thành. Họ quây quần thành một phường gọi là phường Hài Tượng (Hà Nội) (hài là giầy dép, tượng là người thợ, phường Hài Tượng là phố phường của những người làm giầy dép). Năm tháng qua đi họ phát triển sang cả ngõ Hàng Hành lập ra một phố mới gọi là phố Hàng Da tồn tại đến ngày nay. Từ một làng nghề truyền thống ở xứ Đông họ đã góp phần tạo nên một trong ba mươi sáu phố phường Hà Nội.
Năm 1804, Thành Đông được khởi lập, tạo tiền đề cho TP Hải Dương phát triển. Những người thợ giầy Tam Lâm cũng lên Hải Dương sinh sống, lập nên một phố Hàng Giầy sầm uất đông vui. Phố Hàng Giầy trước đây san sát cửa hiệu giầy, là một phố cổ của Hải Dương xưa. Thợ đóng giầy Hải Dương khéo tay. Các cửa hàng giầy lớn của Hà Nội, Hải Phòng vẫn về đây cất hàng. Người cầu kỳ còn về đây đo chân đóng giầy.
Công sứ Groleau trong báo cáo viết tay về "Tình hình Hải Dương năm 1899" gửi lên Thống sứ Bắc Kỳ hiện còn lưu giữ được, có nhận xét tinh tế như sau: "Họ (Thợ giầy Tam Lâm) đi kinh doanh khắp nơi song không hề cắt đứt liên hệ với làng xóm quê hương. Hằng năm họ trở về làng ăn giỗ tổ hay dự đình đám (23 tháng 2 và 16 nháng 8 âm lịch.
Những người thợ giầy giỏi của Tam Lâm còn được triệu vào kinh đô Huế để làm các đồ dùng bằng da cho quan lại triều đình như giầy dép, yên ngựa, bành voi, cặp da, gối da... Cuối thế kỷ XIX, các ông Vũ Văn Bình, Vũ Văn Giáp, Vũ Bá Hợp, thợ giầy giỏi của Tam Lâm vào Huế đã được triều đình phong chức Cửu Phẩm.
Nhờ nghề da giầy, những người thợ Tam Lâm có cuộc sống sung túc, trở thành thị dân giàu có song không vì thế mà họ quên ơn các vị Tổ nghề. Tại Trúc Lâm, Văn Lâm có đình thờ bốn vị Tổ nghề. Ở những nơi tụ cư đông đúc như Hà Nội, Hải Phòng họ góp tiền mua đất làm đền thờ các vị. Ngôi nhà số 16 ngõ Hài Tượng (Hà Nội) là do nhân dân Phong Lâm xây dựng để thờ các vị Tổ nghề. Ngôi nhà 90 ngõ Hàng Hành là vọng đình làng Trúc Lâm thờ các vị Tổ nghề.
Ngày nay nhu cầu giầy dép tăng nhanh, đã xuất hiện các công ty lớn sản xuất giầy chẳng những đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Người thợ đóng giầy tài hoa Vũ Văn Trầm ở xã Hoàng Diệu (Tam Lâm xưa) vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp đã trở thành Giám đốc Công ty Vina Giầy có hàng nghìn thợ và nay trở thành Chủ tịch Hiệp hội Da giầy TP Hồ Chí Minh.
Nghề da giầy Tam Lâm được truyền từ đời này sang đời khác, tính từ vị tổ nghề Nguyễn Thời Trung tới nay đã gần năm thế kỷ. Ước tính có khoảng 2.000 thợ giầy Tam Lâm đang hành nghề trên khắp đất nước Việt Nam.
Thực hiện chủ trương "xóa đói giảm nghèo", xã Hoàng Diệu đã xác định quyết tâm phát triển nghề da giầy truyền thống. Một dự án khôi phục làng nghề đã ra đời. Một phố nghề sẽ hình thành theo con đường trục xuyên dọc ba làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm. UBND huyện Gia Lộc đang triển khai quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trong đó có làng nghề đóng giầy với quy mô diện tích 5ha. Đây sẽ là cơ hội vàng để làng nghề thủ công da giầy truyền thống phát triển mạnh hơn.
LƯU ĐỨC Ý