Giống Việt Nam, Trung Quốc chưa giành điểm nào sau hai trận. Đây có thể xem là trận chung kết ngược của bảng B. Riêng yếu tố này cũng đủ nói lên tính quyết liệt, cũng như những khó khăn mà thầy trò Park Hang-seo sẽ đối mặt.
Tôi tin, Trung quốc đã rút ra nhiều bài học sau hai trận thua. Trận gặp Việt Nam, họ sẽ đặt mục tiêu và quyết tâm rất lớn. Trước một đối thủ như vậy, cộng thêm bất lợi về thể hình, thể lực, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu kiếm điểm có lẽ là hợp lý với đội tuyển lúc này.
- Trước một đối thủ không quá chênh lệch như vậy, ông nghĩ sao về khả năng Việt Nam mạnh dạn tấn công, tạo bất ngờ cho đối thủ, thay vì chơi phòng ngự co cụm như hai trận trước?
Không riêng Trung Quốc, các đội ở vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á đều rất mạnh. So với Australia, Saudi Arabia và Nhật Bản, Trung Quốc thấp hơn về kinh nghiệm thi đấu quốc tế, truyền thống, cũng như lịch sử; nhưng trình độ của họ không thua kém nhiều. Oman từng thắng Nhật Bản, và khiến Saudi Arabia vô cùng vất vả. Trung Quốc cũng chỉ thua sít sao Nhật Bản. Một điểm nữa, là Việt Nam phải đá ở UAE, nơi đang nắng nóng - trái ngược hẳn với khí hậu Hà Nội lúc này.
Có thể Trung Quốc đang có tâm lý không tốt, nhưng họ hoàn toàn có thể biến những áp lực thành động lực để chơi hơn 100% phong độ. Bất ngờ là thứ chúng ta luôn kỳ vọng, dù gặp Trung Quốc hay bất cứ đội nào trên cơ, nhưng ban huấn luyện chắc chắn phải cân nhắc kỹ lưỡng.
- Việt Nam không có Trọng Hoàng ở hai trận sắp tới vì vấn đề sức khoẻ. Theo ông, tuyển thủ nào có thể lấp khoảng trống mà Hoàng để lại?
Thiếu Trọng Hoàng là tổn thất lớn với đội tuyển. Thứ nhất, đây là cầu thủ công thủ toàn diện, chơi tinh tế cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Thứ hai, Trọng Hoàng dày dạn kinh nghiệm, có thể làm chỗ dựa cho đàn em ở những trận cầu quan trọng. Thứ ba, cậu ấy đã "chốt cứng" vị trí trên đội tuyển suốt ba năm qua. Trọng Hoàng quá quen với những yêu cầu chiến thuật, và ngược lại, ông Park cũng dành những tính toán để phát huy hết điểm mạnh của cầu thủ này.
Nguyên nhân cuối cùng, là Trung Quốc có thói quen tấn công ở hai biên. Những quả tạt, căng ngang của họ có sức sát thương cao, rất dễ khiến đối phương lộ ra sơ hở tại hai nách.
Để giải tỏa áp lực ở hai cánh, Việt Nam cần những cầu thủ chơi gắn kết, có khả năng phối hợp, biết cầm bóng và xoay xở trong phạm vi hẹp. Hậu vệ phải hội tụ các yếu tố ấy trên tuyển hiện tại có Vũ Văn Thanh.
Hồ Tấn Tài cũng là một giải pháp. Cậu ấy có thể hình, đeo bám tốt, và leo biên bền bỉ. Tùy vào ý đồ chiến thuật cụ thể, ông Park sẽ đưa ra lựa chọn. Nếu Việt Nam muốn có nhiều pha phản công chớp nhoáng, Văn Thanh tỏ ra phù hợp nhất.
- AFF Cup sẽ diễn ra vào tháng 12, ngay sau các trận đấu vòng loại World Cup. Điều ấy ảnh hưởng như nào đến kế hoạch chuẩn bị của Việt Nam, cũng như việc tính toán điểm rơi phong độ cho cầu thủ?
Hai nhiệm vụ này ít ảnh hưởng đến nhau. Về thời gian, các trận đấu trong năm nay của vòng loại World Cup sẽ kết thúc vào ngày 11.11, trong khi AFF Cup khởi tranh vào ngày 5.12 – muộn hơn ba tuần. Về phong độ, Việt Nam có đủ thời gian tính toán bởi vòng bảng AFF Cup có sự chênh lệch trình độ. Với lực lượng tập trung đông, các cầu thủ sẽ kịp phục hồi thể lực, ngay trước thềm vòng bán kết AFF Cup.
Phải nói thêm rằng, mỗi bảng đấu tại AFF Cup có hai suất đi tiếp. Nếu là vòng knock-out, hoặc đối đầu với những đội năm ăn năm thua như Thái Lan, Việt Nam mới cần giải pháp căn cơ. Trong bối cảnh hiện tại, việc bảo vệ ngôi vương Đông Nam Á chưa cấp bách tới mức bỏ qua vòng loại World Cup.
Đây là lần đầu Việt Nam vào vòng loại cuối cùng của World Cup. Chúng ta được gặp những đội mạnh, đồng thời có cơ hội chứng tỏ đẳng cấp ở đẳng cấp châu lục. Chưa có lý do thỏa đáng nào để đội tuyển lơ là.
Trong tầm nhìn phát triển bóng đá, duy trì thành tích sau khi vượt ngưỡng rất quan trọng. Việt Nam đã chơi tốt trước Saudi Arabia, Australia, và còn phải thể hiện khả năng thêm nữa. Chính cầu thủ cũng khao khát điều này, nhằm tạo tiền đề cho việc dự những trận có tính chất tương tự trong tương lai.
Theo VnExpress