Ô tô

Ông Phạm Nhật Vượng lọt top 50 nhân vật tiêu biểu ngành xe thế giới 2024

TB (theo VnExpress) 07/03/2024 18:40

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp trên Elon Musk trong danh sách 50 tên tuổi ảnh hưởng nhất ngành ô tô thế giới của tạp chí MotorTrend.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, Tổng giám đốc điều hành VinFast. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, Tổng giám đốc điều hành VinFast

Danh sách của MotorTrend - tạp chí chuyên ngành ô tô của Mỹ có từ năm 1949 - vinh danh 50 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất ngành công nghiệp ô tô thế giới, với những tác động không nhỏ với mọi hoạt động đang và sẽ diễn ra trong ngành. Người đứng số 1 là Nhân vật của năm 2024, là lãnh đạo công đoàn Mỹ, Shawn Fain.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, CEO của VinFast ở vị trí thứ 47. Lúc này, thương hiệu xe Việt đang mở rộng ra thị trường toàn cầu, trong đó có Mỹ, với những mẫu xe điện mang logo chữ V đặc trưng. MotorTrend cũng nhận xét rằng sản phẩm của VinFast, như mẫu VF 8, chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng Mỹ.

Từ tháng 1 năm nay, ông Vượng chuyển từ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị VinFast sang đảm nhận chức tổng giám đốc, trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường. Động thái này giúp người sáng lập VinFast tham gia sâu sắc hơn vào các hoạt động của hãng và mang tới kỳ vọng giúp các dòng xe điện tiến nhanh hơn tới khách hàng, đặc biệt là những thay đổi trong quản lý chất lượng.

Mới đây, người đứng đầu tập đoàn VinFast khẳng định các kế hoạch đưa thêm các mẫu SUV, bán tải ra thị trường, đồng thời mở rộng hệ thống đại lý, cũng như một nhà máy đang được xây dựng tại North Carolina, Mỹ, cùng một nhà máy khác ở Ấn Độ.

Trong top 50 có những tên tuổi ít biết với nhiều người, như ngay ở vị trí thứ 2 - Rebecca Tinucci, giám đốc cao cấp về sạc xe điện của Tesla, hay thứ 9 là Kumar Galhotra, COO của hãng Ford. Nhưng có những gương mặt gần đây được nhắc đến nhiều, như Vương Truyền Phúc, chủ tịch của hãng xe BYD đứng ngay vị trí thứ 3, hay Simon Humphries, phụ trách thiết kế toàn cầu kiêm giám đốc thương hiệu của Toyota.

Danh sách vinh danh cả những nhân vật không làm ở các hãng ô tô, như Jensen Huang, CEO của Nvidia. Nhưng Nvidia sản xuất chip cho những công nghệ sử dụng trên xe hơi, cũng như cung cấp phần cứng, phần mềm, và nền tảng cho công nghệ lái tự động. Hoặc Kwang-Mo Koo, chủ tịch tập đoàn LG, đơn vị cung cấp pin và những linh kiện quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô.

Hai nhân vật đặc biệt khác cũng có tên là Max Verstappen - nhà vô địch F1 năm 2021, 2022 và 2023 - ở vị trí thứ 38, và Lewis Hamilton, người 7 lần vô địch F1.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Toyota, Akio Toyoda, đứng thứ 13, hay Lý Thư Phúc, Chủ tịch Geely, đứng thứ 16, với ngay ở vị trí 17 là Chủ tịch kiêm CEO của General Motors, Mary Barra. Trong khi đó, Elon Musk - CEO hãng xe điện Mỹ Tesla - đứng ở vị trí cuối cùng.

Sự phục hồi từ đại dịch và đứt gãy cung ứng vẫn tiếp tục khi lượng xe mới có sẵn tăng lên, nhưng lãi suất cao và giá bán tăng ngăn một lượng khách hàng tiềm năng tiếp cận thị trường. Doanh số xe hạng nhẹ ở Mỹ tăng 12%, đạt 15,6 triệu xe - cao nhất từ năm 2019 - nhưng vẫn kém khoảng 2 triệu xe so với trước đại dịch.

Honda, Tesla, Volkswagen và các hãng Hàn Quốc được hưởng lợi, chỉ Stellantis giảm doanh số. Điều này cho phép tập đoàn Hyundai (gồm Hyundai, Kia, Genesis) vượt Stellantis để trở thành đơn vị bán xe hơi lớn thứ tư Mỹ.

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ đối diện với một loạt hợp đồng thỏa hiệp dưới thời của nhà lãnh đạo mới và cứng rắn của UAW, Shawn Fain - người đã điều hành cuộc đình công 6 tuần của khoảng 146.000 người lao động.

2024 cũng khởi đầu với một loạt công bố các mẫu xe điện mới cũng như các nhà máy pin và sản xuất ô tô mới. Thế giới cũng nhận ra rằng việc tiếp nhận xe điện có thể cần nhiều thời gian hơn so với dự tính. Một số chương trình xe điện phải điều chỉnh giảm và hoãn ra mắt sản phẩm khi các hãng sản xuất cho thấy sự quan tâm cũng như các khoản đầu tư chuyển sang dòng hybrid, hay thậm chí xe động cơ đốt trong.

Những lần giảm giá xe Tesla khơi ngòi cuộc chiến giá xe điện, góp phần tăng 50% doanh số xe điện tại Mỹ, nhưng đổi lại là giảm lợi nhuận mỗi xe bán ra.

Tình trạng thiếu thốn của hạ tầng sạc công cộng dẫn tới sự tiếp nhận đáng ngạc nhiên của nhiều thương hiệu trong ngành đối với hệ thống sạc tiêu chuẩn (NACS) của Tesla. Người tiêu dùng lại bị tác động bởi những quy định thay đổi và gây hoang mang về việc giảm thuế với xe điện dưới thời chính quyền Biden.

Lượng xe mới có sẵn giúp giảm độ khan hiếm, tăng độ cạnh tranh về giá và đưa những chính sách hỗ trợ quay trở lại. Các hãng xe được cho là kiếm được lợi nhuận và tiếp tục đầu tư vào mọi phân khúc cũng như loại động cơ.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Phạm Nhật Vượng lọt top 50 nhân vật tiêu biểu ngành xe thế giới 2024