Ông Lập từ thiện

27/02/2017 09:07

Gần 40 năm qua, ông Phạm Văn Lập (sinh năm 1954) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) luôn nhiệt tình với công tác từ thiện.



Ông Phạm Văn Lập tặng quà Tết Đinh Dậu cho gia đình bà Nguyễn Thị Bé có hoàn cảnh
 khó khăn tại khu dân cư 12, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)


Tri ân cuộc đời

Trên đường hỏi thăm về Công ty CP Đông dược Á Châu 27-7, chúng tôi được người dân ở khu dân cư số 12, phường Ngọc Châu cho biết vẫn thường gọi ông Giám đốc Phạm Văn Lập bằng cái tên trìu mến "ông Lập từ thiện".

Giản dị và đầy tâm huyết, đó là những ấn tượng khi chúng tôi tiếp xúc với thương binh Phạm Văn Lập. Trong mỗi câu chuyện kể, đôi mắt đã điểm vết chân chim của ông lại ngời sáng. Ông chia sẻ: “Mỗi ngày tôi cố gắng làm một việc thiện giúp ích cho đời. Tôi làm việc này không phải vì danh lợi. Đó là sự tri ân với cuộc đời, với những điều tốt đẹp mà tôi đã gặp trong suốt thời gian qua và là tình cảm chân thành với đồng đội, bạn bè”. Ý nghĩ mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác là còn được trở về quê hương và có cơ hội phát triển kinh tế gia đình đã thôi thúc ông làm từ thiện để giúp đỡ những đồng đội không gặp may và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hằng ngày, ông Lập dậy từ rất sớm. 5 giờ sáng, căn nhà nhỏ của gia đình ông ở phường Ngọc Châu đã sáng đèn. Công việc đầu tiên trong ngày của ông là lật giở từng trang nhật ký công việc, trong đó ghi rõ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều nơi. Bàn tay phải chỉ còn 2 ngón nhưng ông vẫn cố gắng ghi thêm từng địa chỉ, từng cái tên sẽ được giúp đỡ trong thời gian tới. “Việc này đã trở thành thói quen của tôi gần 40 năm qua. Ngày nào không làm như vậy, tôi cảm thấy không yên tâm”, ông tâm sự.

"Tôi làm việc này không phải vì danh lợi. Đó là sự tri ân với cuộc đời, với những điều tốt đẹp mà tôi đã gặp trong suốt thời gian qua và là tình cảm chân thành với đồng đội, bạn bè."


Những ngày sau Tết Đinh Dậu, công việc của ông càng bận rộn hơn. Bên cạnh việc điều hành kinh doanh, ngày nào ông cũng đi xe máy đến cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng miễn phí cho người khuyết tật ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng). Cơ sở này được ông thành lập từ trước Tết để nuôi dưỡng trẻ bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trên diện tích gần 2.000m2, ông đã cho cải tạo lại toàn bộ phòng ốc, khu điều trị, nhà ăn, khu vệ sinh, sân vườn để chuẩn bị đón các cháu, trong đó có nhiều cháu là con em đồng đội cũ. Dự kiến gần 20 cháu khuyết tật dưới 16 tuổi sẽ được nuôi dưỡng, điều trị bệnh tại đây. Toàn bộ kinh phí hoạt động của cơ sở sẽ được trích từ nguồn phúc lợi của công ty, một phần được lấy từ nguồn vận động của các doanh nghiệp khác do ông tổ chức quyên góp. Dù đã lớn tuổi, sức khỏe cũng giảm sút nhiều nhưng cố làm được việc gì ông đều tự tay mình làm. Từ việc đóng lại từng chiếc giường một cách chắc chắn cho các cháu đến mắc hệ thống điện, nước, sắp xếp khu vực vệ sinh để thuận tiện cho người khuyết tật...

Thấy ông đã có tuổi nhưng còn tham công, tiếc việc, tôi hỏi: “Ngày nào cũng đi như vậy, ông không bị gia đình phản đối gì sao? Đã bao giờ vì sức khỏe mà ông nản chí chưa?”. Ông quả quyết: “Tôi chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn. Điều này đã được rèn giũa trong quãng thời gian khoác trên mình tấm áo lính cho đến tận bây giờ. Gia đình cũng rất thấu hiểu và luôn ủng hộ, hỗ trợ công việc của tôi”.

Có lẽ vì vậy nên năm nào ông cũng ưu tiên dành thời gian và một khoản kinh phí để tổ chức các hoạt động từ thiện. Hằng năm ông thường trao tặng từ 30-50 chiếc xe lăn; tặng gần 100 suất quà cho các thương binh, bệnh binh, trẻ em khuyết tật, người già cô đơn. Giá trị của mỗi suất quà tuy không lớn (từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng) nhưng đầy ắp tình cảm của người thương binh già. Mỗi khi nghe tin ở đâu có gia đình gặp khó khăn, ông lại tìm đến để tìm hiểu xem họ cần giúp đỡ những gì. Nếu ốm đau, ông sẽ hỗ trợ họ đi bệnh viện. Nếu họ chưa có công việc thì ông nhận vào công ty của mình để làm các công việc phù hợp. Với những người già, hết tuổi lao động thì ông nhận giúp đỡ thường xuyên...

Trò chuyện với tôi, ông nhắc đến một kỷ niệm đáng nhớ. Năm 2014, trong một chuyến đi tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) để tìm vùng đất trồng cây dược liệu, ông bất ngờ gặp gia đình thương binh Nguyễn Văn Hùng, cùng quê ở Hải Dương. Gia đình ông Hùng lên đây lập nghiệp được 20 năm nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn. Thấy vậy, ông đã hướng dẫn gia đình ông Hùng cách trồng dược liệu. Hơn 1 tháng ròng rã, ông cùng một số nhân viên kỹ thuật cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để giúp gia đình ông Hùng. Đến nay, với hơn 2 ha trồng cây xạ đen và đinh lăng, gia đình ông Hùng đã có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Nghị lực vươn lên



Nỗ lực làm việc thiện là lẽ sống của thương binh Phạm Văn Lập (bên trái)


Năm 1971, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, ông Lập đã tình nguyện đăng ký lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau những trận đánh ác liệt, một phần máu thịt của ông đã nằm lại nơi chiến trường. Năm 1976, ông trở về quê hương với thương tật 81%, là thương binh hạng 1/4. Đôi tay không còn lành lặn, sức khỏe giảm sút nhưng ông luôn suy nghĩ phải đóng góp sức mình để xây dựng quê hương, thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế”. Bằng nghị lực của bản thân, ông bắt đầu xây dựng nền móng cho sự nghiệp của mình. Trong bối cảnh kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, gia đình ông cũng phải vất vả vật lộn để có miếng cơm, manh áo. Đầu thập kỷ 90, ông huy động thêm vốn của gia đình và bạn bè để xây dựng cơ sở sản xuất gạch, đào ao thả cá. Từ đó, cuộc sống của gia đình ổn định hơn.

Nhưng cuộc đời một lần nữa lại thử thách bản lĩnh của người thương binh ấy. Năm 2000, người vợ hiền tần tảo sớm tối của ông không may bị tai nạn giao thông. Ba năm sau thì bà qua đời. Nhớ về thời điểm ấy, đôi mắt ông rưng rưng: “Đột ngột mất đi người vợ hiền khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Công việc vì vậy cũng đình trệ. Nhưng rồi ý thức rằng nếu ta buồn mà gục ngã là ta đã tự sát nên tôi quyết tâm vượt qua nỗi đau để tiếp tục làm những công việc mà mình yêu thích”.

Trong giai đoạn đất nước có nhiều đổi mới, ông Lập quyết tâm tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Ông đã đi nhiều địa phương, tham khảo nhiều mô hình kinh doanh. Cuối cùng, ông quyết định chọn sản xuất và kinh doanh dược liệu. Năm 2014, ông thành lập Công ty CP Đông dược Á Châu 27-7, chuyên trồng và cung cấp các loại cây dược liệu như: xạ đen, đinh lăng… Trong những ngày đầu thành lập, công ty cũng gặp không ít khó khăn. Song bản lĩnh của người lính Cụ Hồ năm xưa đã giúp ông có được sự tự tin, quyết đoán, nhạy bén với cơ chế thị trường. Hiện nay, công ty có hàng trăm ha dược liệu ở trong và ngoài tỉnh. Công ty không ngừng mở rộng thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường cung ứng dược liệu. Doanh nghiệp hiện có hơn 20 cán bộ, nhân viên kỹ thuật, trong đó 2/3 là các thương binh, bệnh binh, đồng đội của ông. Đội ngũ này có thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Văn Bình ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là thương binh hạng 2/4, bị cụt mất chân trái. Trước đây ông chỉ biết đến công việc đồng áng và phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa. Từ khi về làm tại công ty, ông được ông Lập hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dược liệu. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức mới, ông đã hướng dẫn các hộ dân khác trồng giống cây dược liệu. “Hơn 60 tuổi, lại mang nhiều thương tật, tôi cứ nghĩ không còn giúp được gì cho xã hội. Nhưng kể từ khi về làm cùng ông Lập, tôi đã có một công việc ổn định để giúp đỡ gia đình và nhiều người dân khác có hoàn cảnh khó khăn như tôi", ông Bình chia sẻ.

Có vẻ như ý chí "tàn nhưng không phế" của ông Lập đang lan tỏa, lan tỏa không chỉ trong những người đồng đội là thương binh, bệnh binh mà rồi đây, những đứa trẻ khuyết tật được ông giúp đỡ hẳn sẽ noi gương ông mà sống, mà vươn lên.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Ông Lập từ thiện