Ông Nguyễn Văn Tấn trở thành tân sinh viên ngành luật hệ đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở, với mong muốn mở văn phòng tư vấn giúp người nghèo.
Ông Tấn (ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) là sinh viên lớn tuổi nhất trong số 650 tân sinh viên chương trình cử nhân trực tuyến đào tạo từ xa của Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, khai giảng hồi đầu tuần.
Học luật là dự định nhiều năm nay, nhưng ông chưa thể thực hiện bởi không tìm được chương trình phù hợp. Các lớp văn bằng hai chính quy, vừa làm vừa học dạy ban đêm không thuận tiện. Tình cờ biết được chương trình đào tạo từ xa, ông liền đăng ký và trúng tuyển.
Cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành, ông Tấn muốn học luật để có thể giúp đỡ người nghèo. "Thời bây giờ không am tường luật pháp dễ làm sai, sinh ra chuyện đáng tiếc. Học xong tôi tính sẽ cùng những người bạn là luật sư mở một văn phòng tư vấn cho người nghèo miễn phí. Việc này vừa giúp ích xã hội, tôi lại có việc làm tuổi già", ông chia sẻ.
Sự thấu hiểu và cảm thông người nghèo xuất phát từ gia cảnh khó khăn của ông. Quê ở Tiền Giang, từ nhỏ ông Tấn trải qua nhiều nghề mưu sinh, từ buôn thúng bán bưng đến mót ve chai. Chàng trai đôi mươi khi đó tự nhủ, chỉ có học mới đổi đời. Nhờ học giỏi, ông được nhiều học bổng nên đi học không tốn tiền.
Ông đậu chương trình tú tài một năm 1968, một năm sau đó đậu tú tài hai (tương đương tốt nghiệp THPT). Ông giành học bổng ngành kỹ nghệ mía đường tại Đài Loan theo một chương trình của Liên hợp quốc. Học xong, ông về nước làm việc trong ngành đường tại các xí nghiệp ở Biên Hòa, Bình Dương, Quảng Ngãi rồi về nhà máy Khánh Hội (TP Hồ Chí Minh).
Sau năm 1976, ông Tấn cùng vợ con về Đài Loan sinh sống. Ông làm việc trong một nhà máy điện tử chuyên sản xuất máy tính, tranh thủ học thêm các khóa về quản trị nhân lực, quản lý chất lượng, thương mại... Đến năm 1990, ông trở về nước, ban đầu cùng kinh doanh với bạn bè sau đó tách ra mở công ty riêng.
Hơn 50 năm kinh doanh, ông Tấn nhận mình say mê làm việc, tính toán, không muốn để đầu óc rảnh rỗi ngày nào. Việc đi học với ông không chỉ giúp mở mang trí tuệ mà còn khiến con người trở nên năng động, minh mẫn hơn, nói vui như giới trẻ ngày nay là cơ hội để "tút" lại cái đầu.
"Các bạn cùng lớp với tôi trẻ, khỏe, đi nhanh hơn. Bù lại, tôi có kinh nghiệm hơn nên có thể bù đắp vào sự chậm chạp", ông nở nụ cười nói.
Trải qua hơn nửa đời người, ông Tấn đúc kết, động lực để con người sống mạnh mẽ và vươn lên là không được nản chí, kể cả lúc tuyệt vọng nhất. "Khó khăn trước mắt sẽ luôn là sự thật, không thể khác được hoặc tránh né. Khi đó chỉ có lựa chọn duy nhất là can đam và đương đầu", ông nói.
Theo VnExpress