Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hậu một mình lao động sản xuất, tự tay nuôi, chăm sóc vợ và chị gái nằm liệt giường từ nhiều năm nay.
Hằng ngày, ông Hậu đều một mình chăm sóc chị và vợ bị bại liệt
Ở thôn Quảng Xuyên, xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) ai cũng biết hoàn cảnh ông Trần Văn Hậu. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông không quản ngại khó khăn, vất vả, vẫn một mình lao động sản xuất, tự tay nuôi, chăm sóc vợ và chị gái nằm liệt giường từ nhiều năm nay.
Ông Hậu năm nay 76 tuổi, gầy gò nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Gia đình ông Hậu thuộc diện hộ nghèo, nhà chỉ có 2 sào ruộng khoán nên cuộc sống vất vả, túng thiếu. Vợ chồng ông sinh được 4 người con. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên học hết cấp 3, các con ông đều phải nghỉ học để đi làm thuê. Hai người con gái đã đi lấy chồng. Hai con trai cũng có gia đình riêng nhưng đều đi làm ăn ở xa. Vợ chồng cả 4 người con đều làm công nhân, lại nuôi con nhỏ nên cuộc sống cũng chẳng mấy nhàn nhã. Nói tới 2 người phụ nữ cao tuổi nằm mỗi người một giường trong nhà, ông Hậu trải lòng: "Một người là chị gái của tôi, năm nay đã 85 tuổi. Chị ấy bị bệnh não và bại liệt từ năm lên 12 tuổi. Trước đây chị ở với bố mẹ tôi. Từ ngày bố mẹ mất vợ chồng tôi đón chị về nhà nuôi, chăm sóc. Từ 2 năm nay chị ấy còn bị mù. Người bên giường đối diện là vợ tôi, 75 tuổi. Năm 2011, vợ tôi cũng bị bệnh não, rồi nằm liệt một chỗ, không nói năng được gì".
Hằng ngày, dù mùa đông hay mùa hè, cứ tờ mờ sáng ông Hậu đã dậy để lo liệu công việc. Trước tiên là vệ sinh cá nhân, sau là vệ sinh cho chị và vợ: từ súc miệng, rửa mặt đến thay quần áo... Tiếp đến ông lo nấu ăn sáng, xúc cho từng người một ăn. Sau đó ông mới có thời gian để quét dọn nhà cửa, giặt, phơi quần áo và cho gà, vịt ăn. Lúc nào nhờ được hàng xóm hoặc các cháu trong họ mạc trông nom chị và vợ, ông lại tranh thủ ra thăm đồng, bón phân hoặc phun thuốc trừ sâu cho lúa. Vào mùa cấy và thu hoạch thì ông phải thuê thêm người làm. Ông Hậu bận nhiều việc đến nỗi chẳng mấy khi tham gia được các hoạt động do địa phương, dòng họ tổ chức. Thậm chí, tiền trợ cấp người khuyết tật hằng tháng của chị và vợ ông cũng phải nhờ người lên UBND xã lĩnh hộ. Thương bố vất vả, nhưng vì còn nhiều khó khăn nên hằng tháng các con ông cũng chỉ gửi về khoản tiền ít ỏi để bố mua thức ăn cho mẹ và bác. Anh em và các cháu trong họ thương cảnh gia đình ông nên thi thoảng cũng cho ông tiền, thức ăn.
Tinh thần, trách nhiệm và cách sống có nghĩa, có tình của ông Hậu được bà con trong làng quý mến, nể phục. Chị Trần Thị Tin, hàng xóm của ông Hậu nói: "Chắc cả xã không có ai được như ông Hậu, đối xử với chị, với vợ có nghĩa, có tình. Vất vả như thế nhưng chưa bao giờ nghe thấy ông kêu ca điều gì. Con người như thế trong xã hội này thật là hiếm".
TIẾN MẠNH