Ông Hải và cơ sở sản xuất nghĩa tình

02/12/2014 10:14

Qua một thời gian học nghề, nhiều lao động khuyết tật tại cơ sở của ông Hải đã trở thành những thợ mộc thực thụ, một số lao động có nghề đã về mở cơ sở riêng...



Cơ sở sản xuất của ông Hải đang tạo việc làm và thu nhập khá cho nhiều người khuyết tật và thương, bệnh binh


"Tôi luôn tâm niệm phải tạo được nhiều công việc, thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là các cháu khuyết tật và những thương binh, bệnh binh như tôi”, ông Vũ Minh Hải, 60 tuổi, Giám đốc HTX Công nghiệp CP Mai Hồng mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

HTX Công nghiệp CP Mai Hồng chuyên sản xuất đồ mộc ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) có 12 lao động, trong đó có 2 người khuyết tật, 1 bệnh binh, 1 thương binh và 2 cựu quân nhân. Bản thân ông Hải cũng là bệnh binh, mất 61% sức lao động. Ông Hải cho biết, sở dĩ HTX có  nhiều lao động “đặc biệt” như vậy vì ông rất đồng cảm với những đồng đội đã từng có thời vào sinh ra tử như mình nên luôn mong muốn tạo công ăn việc làm cho họ và con cái họ. Vì vậy, khi được Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Thành giới thiệu một số người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, ông Hải không ngần ngại nhận họ vào đào tạo và làm việc ở cơ sở của mình.  Có thời điểm, cơ sở của ông nhận đào tạo nghề cho vài chục lao động  khuyết tật.

Nghề mộc đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Với người bình thường, học nghề mộc đã khó, với người khuyết tật, khó khăn càng nhân lên gấp nhiều lần. Để có thể truyền nghề thành công cho những lao động khuyết tật, ông Hải mày mò tự học ngôn ngữ ký hiệu. Sau đó, ông được Tổ chức “Mối quan tâm thế giới” (Mỹ) hỗ trợ dạy ngôn ngữ ký hiệu một cách bài bản. Ông Hải chia sẻ: “Việc dạy nghề cho các lao động khuyết tật cần có những bí quyết riêng. Quan trọng nhất là sự kiên trì bởi người khuyết tật thường mang trong mình sự mặc cảm, tự ti. Việc tiếp thu của họ cũng phần nào hạn chế hơn người bình thường nên khi dạy nghề mình không thể nóng vội, mà phải luôn nhẹ nhàng, thực hiện tốt phương châm cầm tay chỉ việc”.

Những cố gắng của ông Hải đã được đền đáp xứng đáng. Qua một thời gian học nghề, nhiều lao động khuyết tật tại cơ sở của ông đã trở thành những thợ mộc thực thụ. Một số lao động có nghề đã về mở cơ sở riêng, có người xin đi làm ở cơ sở khác, có người gắn bó với cơ sở của ông từ năm 2000 đến nay như anh Vũ Văn Tuấn, một cựu quân nhân ở xã Phúc Thành (Kim Thành). Anh Tuấn cho biết: “Tôi vào làm việc ở đây từ năm 2000. Sau đó, tôi nhập ngũ. Năm 2006, khi ra quân với tay nghề vững vàng và chế độ ưu đãi dành cho bộ đội xuất ngũ, tôi dễ dàng tìm được việc ở nơi khác nhưng vẫn quyết định trở về HTX làm việc. Ở đây chúng tôi được quan tâm, bảo đảm quyền lợi. Quan trọng hơn là chúng tôi được đối xử như người thân trong gia đình”.

Hiện lao động làm việc tại HTX Công nghiệp CP Mai Hồng có mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Người lao động được tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hằng năm, HTX tổ chức đi tham quan, du lịch, các dịp lễ, Tết đều được thưởng…

Theo ông Hải, để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua một chặng đường dài đầy vất vả, khó khăn. Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Hải lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, giải phóng Huế - Đà Nẵng và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1978, ông Hải về phục viên. Khi đó, cuộc sống gia đình rất khó khăn, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông quyết định đi học nghề mộc. Năm 1980, ông Hải xin vào làm tại HTX Nông cụ 19-5 của huyện. Năm 1994, ông Hải cùng hai người quen thành lập HTX Công nghiệp CP Mai Hồng. Ban đầu, sản phẩm của HTX tiêu thụ khó khăn do chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ông Hải suy nghĩ, để được người tiêu dùng biết đến thì chỉ có một cách duy nhất nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Hải chịu khó đi khảo sát thị trường đưa ra những mẫu mã phù hợp với tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng. Chủ động tìm các mối hàng, trước hết là những người quen, sau đó mở rộng ra. Đến nay, HTX đã dần khẳng định được thương hiệu với các mặt hàng chủ yếu như giường, tủ, bàn ghế... và có một lượng khách hàng quen đáng kể ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và một số huyện trong tỉnh.

Không chỉ tập trung làm kinh tế, ông Hải còn hăng hái tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo. Hằng năm, ông đều dành hàng chục triệu đồng để ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp, hỗ trợ hoạt động hè cho thiếu nhi, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất của địa phương. Ông Hải và HTX Công nghiệp CP Mai Hồng đã được Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh và Hội Cựu chiến binh các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

HOÀNG NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Hải và cơ sở sản xuất nghĩa tình