Người dân Bến Tre, đặc biệt là người dân xã Lương Quới luôn lưu giữ hình ảnh về ông Trương Vĩnh Trọng - người cán bộ lãnh đạo có lối sống giản dị, chân thành và luôn hết lòng vì nước, vì dân.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tiếp Đoàn đại biểu gia đình chính sách, gia đình có công với Cách mạng của hai tỉnh Gia Lai và Kiên Giang, ngày 23.5.2007, tại Hà Nội. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)
Được tin ông Hai Nghĩa - tên thân mật của ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, từ trần, người dân xứ dừa Bến Tre bày tỏ tiếc thương vô hạn.
Với người dân Bến Tre nói chung, đặc biệt là người dân xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm (quê hương ông), ông Trương Vĩnh Trọng không chỉ là một người lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, mà còn là một người xóm giềng giàu tình cảm, tốt bụng, luôn chăm lo cho sự phát triển của quê hương, một người cán bộ mẫu mực, luôn vì nước, vì dân.
Ông Hai Nghĩa gần gũi, nghĩa tình
Những ngày này, ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, người dân buồn rầu, tiếc nuối trước sự ra đi của ông Hai Nghĩa. Không giấu được nỗi đau mất mát, bà Hồ Kim Đỉnh, xã Lương Quới, ngấn lệ chia sẻ: "Ông Hai Nghĩa đối với người dân ở đây như người ông, người cha. Ông luôn quan tâm đến đời sống của người dân như cha mẹ lo cho con cái. Để giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ông Hai Nghĩa thường mua những loại cây trồng mới, phù hợp, có giá trị kinh tế, tặng mỗi người vài cây để trồng. Chúng tôi gửi lại tiền nhưng ông nhất quyết không nhận, chỉ nhẹ nhàng nói: Thôi con trồng đi, thấy phù hợp thì con mua thêm để trồng".
Bày tỏ niềm tiếc thương vị lãnh đạo luôn gần gũi, quan tâm đến người dân, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, xã Lương Quới, xúc động nhớ lại, mỗi buổi sáng sau khi tập thể dục, ông Hai thường mời đội thể dục của tổ ghé nhà chơi, uống nước, rồi hỏi chuyện làm ăn. Nghe nói hộ nào trong ấp khó khăn, ông Hai thường hỏi thăm để hỗ trợ.
Bà Tuyết Minh cho hay, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, ông Hai trồng rất nhiều chậu hoa, tặng mọi người trưng Tết, rồi mỗi người một vài đòn bánh tét để ăn Tết sung túc hơn. Sự chân thành, lối sống tình cảm, gần gũi của ông Hai như người thân của mỗi gia đình trong xóm.
Chú Nguyễn Văn Châu, xã Lương Quới cho hay lúc còn sống, ông Hai Nghĩa quan tâm đến đời sống người dân, thấy con đường trong xóm có nhiều cỏ, rác, ông Hai không bảo người dân quét dọn mà tự mình đi làm, người dân thấy vậy cũng ngại nên lúc nào cũng dọn dẹp để con đường luôn xanh, sạch, đẹp. Ông Hai không trực tiếp chỉ bảo, nhưng qua hành động của mình như làm gương để người khác noi theo.
Người cán bộ hết lòng vì dân, vì nước
Theo ông Nguyễn Huỳnh Phụng, Chủ tịch UBND xã Lương Quới, trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, mỗi con đường, cây cầu đều có dấu ấn của bác Hai Nghĩa. Bác tích cực vận động người dân, các "mạnh thường quân" cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Bác Hai Nghĩa là một tấm gương sáng để cán bộ trong xã học tập, noi theo. Tại địa phương, bác Hai Nghĩa thường xuyên quan tâm thăm hỏi, dặn dò cán bộ địa phương cố gắng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước phân công.
Bản thân ông Nguyễn Huỳnh Phụng, qua tiếp xúc, gần gũi, đã học được từ bác Hai để vận dụng trong công tác lãnh đạo, điều hành tại địa phương, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế của người dân, từng bước đưa xã tiến tới hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Đông đảo người dân các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đến viếng Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo tâm sự: "Dù ở bất cứ cương vị nào, anh Hai Nghĩa là mẫu người cán bộ lãnh đạo có cái tâm trong sáng, tầm nhìn chiến lược, hết lòng vì dân, vì nước. Sau chiến tranh, lúc làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, anh Hai Nghĩa cùng cán bộ của huyện đưa ra nhiều sáng kiến, tìm hướng đi cho huyện phát triển kinh tế, khôi phục sau chiến tranh và phát triển Giồng Trôm lúc đó trở thành một trong những địa phương rất năng động của tỉnh.
Sau khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, anh Hai chính là người mở đường cho việc đưa điện lưới quốc gia vượt sông Tiền về Bến Tre, mở hướng đi mới, tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cũng chính anh Hai là người đưa ra ý tưởng xây dựng cầu Bến Tre 2 qua sông Hàm Luông để phá thế độc đạo của các huyện Giồng Trôm, Ba Tri. Anh Hai có tầm nhìn xa và luôn trăn trở lo cho dân. Anh ra đi, chúng ta mất đi người anh cả của tỉnh Bến Tre. Đảng ta mất một người cán bộ lãnh đạo trung kiên, mẫu mực, yêu Đảng, yêu dân".
Nghe tin người bạn "nối khố" ra đi, ông Trần Đông Phong, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương rất bàng hoàng. Ông Phong chia sẻ: Lúc trẻ, hai người học chung lớp với nhau, rồi tham gia cách mạng, cùng nhau phục vụ quê hương, đất nước. Ông học được rất nhiều từ người bạn, người đồng chí của mình (ông Hai Nghĩa gọi ông Phong bằng anh) về đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành với mọi người xung quanh, cả trong cuộc sống cũng như trong điều hành công việc. Trong công việc, ông Hai Nghĩa luôn thuyết phục, động viên anh em cán bộ cấp dưới, việc gì làm sai thì ông hướng dẫn anh em sửa đổi. Đặc biệt, ông Hai Nghĩa luôn lắng nghe, chia sẻ khó khăn, vất vả và tìm cách giúp đỡ bà con để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Ông Phong bộc bạch "Hai Nghĩa mất đi, tôi mất một người bạn trân quý!"
Sự ra đi của ông Hai Nghĩa, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người dân quê hương Đồng khởi Bến Tre nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Nhiều năm qua, trong ký ức của mỗi người, nhất là những người đã từng gặp, từng có dịp làm việc cùng ông, luôn lưu giữ hình ảnh người cán bộ lãnh đạo có lối sống giản dị, chân thành và luôn tận tâm, hết lòng vì nước, vì dân, nhất là với người nghèo, gia đình chính sách.
Theo TTXVN