Đáp lại các lo ngại và chỉ trích, người phát ngôn của ông Duterte, ông Salvador Panelo khẳng định tổng thống "sẽ không bao giờ" từ bỏ hay đánh đổi chủ quyền đất nước.
Thẩm phán tòa tối cao Philippines, ông Antonio Carpio
Thẩm phán tòa tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, người thường xuyên chỉ trích ông Duterte, tiếp tục lên án phát ngôn của ông Duterte, nhấn mạnh nó ẩn chứa hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.
"Theo luật, 'gạt qua một bên' một phán quyết có nghĩa là từ bỏ, đảo ngược hoặc hủy bỏ phán quyết đó. Theo nghĩa pháp lý như vậy, ông Duterte không có quyền gạt qua một bên phán quyết của tòa The Hague", ông Carpio nhấn mạnh trong một tuyên bố ngày 13.9.
Theo ông Carpio, cho dù ông Duterte không có quyền từ bỏ phán quyết của tòa The Hague, việc ông đơn phương tuyên bố như vậy chẳng khác nào tạo cơ hội để Trung Quốc lợi dụng.
"Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố chấp nhận phát ngôn 'gạt qua một bên' phán quyết Biển Đông của ông Duterte", thẩm phán Carpio cảnh báo.
Tuy nhiên, theo ông Carpio, điều may mắn là Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã kịp thời lên tiếng sau phát ngôn của tổng thống Duterte, nhấn mạnh Manila sẽ không từ bỏ phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc của tòa The Hague.
"Chúng ta nên biết ơn ông Locsin vì sự cảnh giác và ngăn chặn một sự từ bỏ chủ quyền đất nước", tờ Inquirer dẫn lời ông Carpio.
"Bất cứ khi nào Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Philippines đã được bảo vệ bởi phán quyết trên, Manila phải chính thức và nhanh chóng lên tiếng phản đối, tránh việc im lặng có thể bị suy diễn là sự ngầm chấp nhận và đồng ý. Chính quyền và nhân dân Philippines phải luôn cảnh giác để tránh điều này", ông Carpio kêu gọi.
Tuyên bố của Tổng thống Duterte hôm 10.9 về việc có thể gạt sang một bên phán quyết Biển Đông năm 2016 để theo đuổi khai thác dầu khí chung với Trung Quốc đã chọc giận nhiều chính khách Philippines.
Trước ông Carpio, Phó tổng thống Philippines, bà Leni Robredo cho rằng ý định phớt lờ phán quyết Biển Đông là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm. Bà nhấn mạnh việc "bán" phán quyết và tương lai đất nước để lấy một thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc là một sự xấu hổ với các thế hệ sau này.
Đáp lại các lo ngại và chỉ trích, người phát ngôn của ông Duterte, ông Salvador Panelo khẳng định tổng thống "sẽ không bao giờ" từ bỏ hay đánh đổi chủ quyền đất nước.
"Vị thẩm phán tài giỏi kia có thể yên tâm rằng tổng thống sẽ luôn tìm cách giải quyết tranh chấp và sẽ không từ bỏ hay làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của chúng ta trong quá trình đó", ông Panelo trấn an ngày 13.9.
Năm 2016, trong vụ kiện do Philippines thúc đẩy, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố không công nhận và không thực thi phán quyết này đồng thời tìm cách thúc đẩy chiêu bài "gác tranh chấp cùng khai thác" với các nước xung quanh Biển Đông.
Theo Tuổi trẻ