Niềm đam mê với sản xuất nông nghiệp đã giúp ông Lê Tiến Dũng (SN 1963, ở khu Thị Tứ, thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Bính, Thanh Hà) trở thành triệu phú trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Dũng mạnh dạn không làm theo tập quán canh tác cũ trên cây vải
Ham học hỏi
Sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh em, tuổi thơ của ông Dũng phải trải qua nhiều gian truân, vất vả. Học xong cấp 3, ông Dũng lên đường nhập ngũ. Sau gần 5 năm thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, ông trở về quê hương, mở một tiệm sửa chữa đồng hồ vốn là nghề truyền thống của gia đình.
Ông Dũng kể: “Tôi đến với nghiệp làm vườn rất tình cờ. Năm 1999, em vợ tôi làm ăn thất bát trong miền Nam, trở về quê với hai bàn tay trắng. Thương em, vợ chồng tôi bán chiếc xe máy Dream mà hai vợ chồng dành dụm bấy lâu mới mua được để giúp đỡ em. Bán xe được 37 triệu đồng, tôi dùng 27 triệu mua gần 1 ha vườn tại khu bãi soi Đồng Hạ để hai anh em cùng làm. Số tiền còn lại, tôi thuê người cải tạo lại khu vườn để trồng vải”.
Sau 2 năm cải tạo đất, năm2001, ông mới bắt đầu trồng vải, rồi trồng thêm chuối để lấy ngắn nuôi dài. Những ngày đầu, ông gặp không ít khó khăn vì chưa có chút kiến thức nào về cây vải. Ông đã miệt mài nghiên cứu nhiều tài liệu, sách báo liên quan đến kỹ thuật trồng vải và các cây ăn quả khác.
Theo ông Dũng, là nông dân hiện đại thì chỉ dựa vào kinh nghiệm thôi chưa đủ, cần có sự dày công nghiên cứu, dựa trên căn cứ khoa học để có những phương thức chăm sóc cây trồng hiệu quả nhất. Ông lựa chọn thuốc trừ sâu, phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín. Chỗ nào chưa rõ ông đều gọi điện trực tiếp lên các công ty sản xuất để được tư vấn, giải đáp.
Càng làm nông nghiệp ông lại càng thấy ham, ngày một thêm gắn bó với đồng đất quê hương. Ông đã mạnh dạn không làm theo tập quán canh tác cũ của địa phương mà thực hiện một quy trình sản xuất mới. Chính vì vậy, mẫu mã và chất lượng quả vải của gia đình ông vượt trội hơn hẳn so với những gia đình khác ở đây, được thương lái rất ưa chuộng và trả giá cao hơn.
Cầm tay chỉ việc cho nông dân
Khi đặt chân đến khu bãi soi Đồng Hạ lập nghiệp, ông Dũng có những cách làm khác xa với phương thức trồng vải truyền thống đã có từ lâu đời của địa phương. Ông thuê người đào rãnh sâu và rộng để lấy đất nâng cao mặt vườn lên. Sau khi cải tạo xong, đất không trồng vải ngay mà để phơi ải 1 năm mới mang cây ra trồng, khoảng cách mỗi cây cách nhau gần 10 m.
“Cây vải là cây lâu năm, nên phải để mặt soi rộng và cao, trồng cách xa nhau để sau này cây có điều kiện phát triển. Đối với loại cây trồng này, làm đất là khâu quyết định đến sự sinh trưởng phát triển cũng như năng suất của cây sau này. Tận dụng những khoảng đất trống tôi trồng thêm cam, quất để có thêm thu nhập”, ông Dũng lý giải.
Ban đầu những gia đình trồng vải lâu năm ở đây không tin ông sẽ thành công. Nhưng khi nhìn cây vải phát triển tốt, đến mùa quả sai trĩu cành, mã đẹp, mọi người mới ngỡ ngàng và thán phục. Có những năm thời tiết bất thường, 39 hộ còn lại trong khu Đồng Hạ bị mất mùa thì vườn vải nhà ông Dũng vẫn sai trĩu quả.
Khi được mọi người tin tưởng, ông in cho mỗi gia đình một bộ tài liệu về các kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây vải. Mỗi buổi sáng, ông thường mời mọi người sang nhà uống nước, ai có thắc mắc gì ông đều trả lời cặn kẽ. Với cách hướng dẫn cầm tay chỉ việc, ông làm gì thì mọi người làm theo đó, từ phun thuốc trừ sâu đến bón phân, thu hoạch, ghi chép sổ sách quá trình chăm sóc cây. Ai thiếu vốn thì ông cho vay để các hộ có điều kiện vươn lên.
Nhờ sự tận tình đó mà đến nay tất cả các hộ ở bãi soi Đồng Hạ đều có được những kinh nghiệm quý trong thâm canh cây vải. Ông Dũng quan niệm: “Khi mình thành công thì phải hướng dẫn để tất cả mọi người cùng thành công chứ không nên giữ kiến thức cho riêng mình”.
Sau mỗi vụ vải bội thu, ông lại vận động mọi người đóng góp kinh phí làm đường, mắc điện, xây dựng quỹ để thăm hỏi nhau khi ốm đau, nhờ đó mà tình đoàn kết xóm làng ngày càng tăng lên.
Từ một nơi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, giờ đây đường vào bãi soi Đồng Hạ đã khang trang, rộng rãi, có điện cao thế, bãi đỗ xe, thuận tiện cho các phương tiện đến thu mua vải của bà con.
Hiện nay, ngoài trồng vải, ông Dũng còn trồng xen bưởi, ổi, cam. Mỗi năm ông thu từ 8 - 10 tấn vải, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng. Ông còn thu hàng chục triệu đồng từ các cây trồng khác. Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, ông còn tích cực tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương. Ông ấp ủ ý định sáng tác một bài thơ về quá trình chăm sóc cây vải để mọi người dễ thuộc, dễ nhớ và làm theo.
Ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bính cho biết: Anh Dũng tích cực trong các phong trào của hội và địa phương. Đặc biệt, anh rất năng động trong phát triển kinh tế vườn, nhiệt tình giúp đỡ các hội viên cũng như ở các địa phương khác.
ĐỨC ANH