Với những nỗ lực cống hiến, ông Đang nhận được nhiều Kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y tỉnh...
Tuổi đã cao nhưng ông Đang vẫn đau đáu với việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu
Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng lương y Tăng Văn Đang (69 tuổi) ở thôn Tâng Thượng, xã Liên Hồng (Gia Lộc), Chủ tịch Hội Đông y liên xã Liên Hồng-Thống Nhất-Gia Xuyên vẫn ấp ủ biết bao dự định. Mong muốn của ông là cây thuốc nam ngày càng được sử dụng rộng rãi, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
“Nam dược trị Nam nhân”
Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, năm 1989 ông Đang trở về địa phương. Kể từ đó, ông gắn bó với y học cổ truyền. Câu nói nổi tiếng của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh "Nam dược trị Nam nhân" (lấy thuốc nam chữa bệnh cho người nước Nam) luôn được ông lấy làm kim chỉ nam trong quá trình làm nghề.
Điều khiến ông Đang luôn trăn trở là hiện nay nguồn thuốc nam khá dồi dào trong tự nhiên nhưng vẫn còn ít người biết đến và sử dụng chúng trong quá trình khám, chữa bệnh. Ông bảo không thể phủ nhận những ưu điểm của Tây y song hiệu quả từ thuốc Đông y không hề thua kém. Trong khi thuốc tây có nhiều tác dụng phụ thì Đông dược, đặc biệt là thuốc nam lại lành tính, ít tác dụng phụ và chi phí thấp hơn. Bởi thế, khi gặp bệnh nhân, ông Đang đều tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả, hướng dẫn người dân trồng và sử dụng thuốc nam để chữa một số chứng bệnh thông thường.
Bà Vũ Thị Hồng (65 tuổi) ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) bị viêm da, từng ngược xuôi nhiều nơi để chạy chữa nhưng không khỏi. Sau đó nghe một số người trong thôn, trong xã nói về hiệu quả từ những bài thuốc nam của ông Đang nên bà tìm tới. Sau một thời gian chữa trị, bà đã cảm thấy thay đổi rõ rệt, sức khỏe tốt dần lên. "Ông Đang còn tận tình chỉ ra những dấu hiệu nhận biết và công dụng của những cây thuốc có thể gặp trong vườn nhà. Tôi cũng không ngờ rằng những thứ tưởng chừng là cỏ dại lại có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe đến như vậy", bà Hồng phấn khởi.
Năm 2008, ông Đang đứng ra thành lập HTX Đại Nam có sự tham gia của 16 thành viên với mong muốn có thể sản xuất, phát triển dược liệu và cung ứng ra thị trường. Đó là những tháng ngày ông tự mày mò, học hỏi về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến dược liệu. Mỗi một loại cây thuốc lại có những đặc điểm sinh trưởng và phát triển khác nhau đòi hỏi phải dành nhiều thời gian, tâm sức. Cùng với đó là những khó khăn trong tiếp cận thị trường. Gian khó, vất vả rồi cũng qua đi, sự nỗ lực, quyết tâm cuối cùng cũng thu về trái ngọt. Có những năm, HTX Đại Nam cung ứng ra thị trường hàng chục tấn dược liệu. Mô hình HTX Đại Nam đã từng là điển hình tiêu biểu được Hội Đông y tỉnh báo cáo toàn quốc. Đây là ý tưởng đầy sáng tạo bởi lẽ việc sưu tầm, trồng và phát triển cung ứng dược liệu được thực hiện khá quy mô, bài bản.
Mấy năm gần đây, hoạt động của HTX bắt đầu chững lại. Ông Đang lại dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về thuốc nam, đặc biệt là những vị thuốc quý. Nghe đâu đó có cây thuốc quý, ông lại cử người con trai đi tìm về. Nhiều cây thuốc sống ở nơi rừng sâu, núi cao, khó tìm kiếm. Chưa kể khi tìm được rồi lại phải mày mò tìm cách chăm sóc để cây thuốc thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt ở vườn nhà. Gia đình ông đã thuê 6 sào đất để trồng nhiều loại thuốc nam như lá khôi tía, cây khổ sâm và cả một số loại thuốc quý như cây dạ cẩm, mía dò. Ông cũng vận động 4-5 hộ dân trồng cây thuốc nam trên tổng diện tích khoảng 5 sào. Ông truyền lại kinh nghiệm chăm sóc, thu hái cho các hộ dân và đứng ra thu mua dược liệu. Trung bình mỗi năm cây dược liệu cho thu hoạch 3 vụ, thu về khoảng 11 triệu đồng/sào.
Nỗ lực gìn giữ
Với ông Đang sự học là không ngừng nghỉ. Tuy đã già, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng ông vẫn cần mẫn, mày mò nghiên cứu học chữ Hán, chữ Nôm để hiểu rõ về công dụng cũng như định lượng của vị thuốc còn lưu trong những cuốn sách cổ. Nắm bắt được tâm lý nhiều người muốn lựa chọn phương pháp chữa bệnh bằng thuốc nam nhưng lại không có nhiều thời gian để sắc thuốc uống, ông Đang vừa học hỏi, vừa sáng tạo bằng cách sắc rồi cô thuốc lại thành dạng viên. Nhờ đó người bệnh có thể dễ dàng sử dụng, tiết kiệm thời gian, có thể mang thuốc đi xa trong khi vẫn bảo đảm công dụng. Đôi khi ông học hỏi từ chính những người đến khám bệnh. Nghe người bệnh kể về những bài thuốc mà họ biết, ông thường tỉ mẩn ghi chép lại và dành thời gian dày công tìm hiểu, áp dụng thử. Không ít bài thuốc đã mang lại hiệu quả, góp phần làm dày thêm kho kinh nghiệm của ông. Ngoài ra, trong các cuộc gặp gỡ với những lương y khác, ông không ngừng trao đổi, học hỏi. Với ông, muốn thành công phải dành thời gian đầu tư và tâm huyết, học từ đồng nghiệp, qua sách vở, từ thực tế đến chính người bệnh.
Điều ông trăn trở nhất là giờ đây ít người quan tâm tới y học cổ truyền. Đa số những người gắn bó với y học cổ truyền đều đã bước vào tầm tuổi trung niên hoặc đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Nếu những kiến thức chuyên môn, những bài thuốc nam hiệu quả không được truyền lại cho thế hệ sau rồi sẽ đến một lúc nào đó mất đi khi những người này trở về với tiên tổ. Cũng vì lẽ đó mà ông Đang muốn truyền nghề cho hai người con trai, mong muốn họ sẽ kế nghiệp, thực hiện những dự định mà ông ấp ủ bấy lâu. Ông đang lên kế hoạch để tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, cũng như đưa HTX Đại Nam trở lại với những guồng quay sôi động trước kia. Ông chia sẻ: "Việc bảo tồn và phát triển dược liệu không hề đơn giản, lại càng không thể làm trong một sớm, một chiều, bởi vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn".
Với những nỗ lực cống hiến, ông Đang nhận được nhiều Kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y tỉnh... Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất vẫn chính là ngày càng có nhiều người tin tưởng, sử dụng thuốc nam để chữa bệnh. Ông mong muốn những dự định của mình trong việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
HUYỀN TRANG