Ông chủ nhiệm miệng nói tay làm

24/01/2016 05:20

Ông Lê Đình Đoan, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Thái (Ninh Giang) có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã.



Ông Đoan kiểm tra thóc giống trước khi bán cho xã viên

Gần 30 năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Lê Đình Đoan, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Thái (Ninh Giang) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã.

Không nói suông

Chiều cuối năm, trụ sở HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thái (Ninh Giang) khá nhộn nhịp. Khi chúng tôi tới, ông Đoan đang cùng một số nhân viên HTX bán thóc giống cho nông dân. Câu chuyện của chúng tôi với ông Đoan còn chưa bắt đầu thì ông Bùi Đình Gùa, xã viên xóm 6 mang bịch thóc giống vừa mua tới xin đổi sang loại thóc khác. Thấy một thành viên trong Ban Quản trị HTX ngập ngừng, chưa đồng ý đổi ngay, ông Gùa to tiếng: "Các cô đổi cho tôi đi. Thóc đây, các cô cân lại đi, tôi không bớt đi đâu mà không cho đổi. Tôi đã bảo mua loại khác, các chị lại cứ bảo tôi mua loại này. Giờ về bà nhà tôi và các con không đồng ý đâu". Nghe thấy vậy, ông Đoan liền đi ra và nhẹ nhàng: "Bác cứ bình tĩnh, chúng tôi sẽ đổi cho bác. Mà sao bác không lấy loại này. Loại này vừa ngon cơm, năng suất lại cao. Bác về nói lại cho bác gái và các cháu xem sao". Ông Gùa vừa cười vừa nói: "Vừa nãy chủ nhiệm không ở đây nên tôi không biết thế nào, nhưng giờ chủ nhiệm đã nói vậy thì tôi nghe chủ nhiệm, bởi chủ nhiệm chưa nói sai bao giờ".

Bà Nguyễn Thị La, xã viên thôn Triền cũng bảo: "Tôi chưa thấy Chủ nhiệm Đoan nói suông bao giờ. Chú ấy luôn nói đi đôi với làm".

Có trực tiếp nghe những người xã viên nhận xét về chủ nhiệm của mình, tôi mới hiểu vì sao ông Đoan được bình chọn là điển hình dân vận khéo giai đoạn 2011-2015, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Qua câu chuyện với cán bộ, xã viên HTX Hưng Thái, tôi được biết, chính sự gương mẫu của chủ nhiệm Đoan đã giúp cho các chủ trương của HTX được toàn thể xã viên đồng tình hưởng ứng. Từ đó, họ sẵn lòng đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất… để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nội đồng.

Gắn bó với ruộng đồng

Hưng Thái là vùng chiêm trũng, đồng đất không bằng phẳng nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích chỉ cấy được một vụ, còn một vụ bỏ ruộng hoang. Người dân Hưng Thái từ lâu quen với tập quán canh tác cấy mạ dược nên năng suất lúa bình quân hằng năm chỉ đạt 110 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân của một số xã lân cận. Vì vậy, ông Đoan luôn đau đáu, trăn trở làm sao để tăng năng suất lúa cho nông dân trong xã.

Ông Đoan tâm sự: "Qua sách vở, báo đài cộng với kinh nghiệm thực tế tích lũy trong mấy chục năm công tác, tôi nhận thấy phương thức cấy mạ sân tiên tiến hơn nhiều so với cấy mạ dược. Vì vậy, năm 2011, tôi quyết định gieo mạ trên sân để cấy một phần diện tích của gia đình mình. Cấy mạ trên sân lúa phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh, năng suất cũng cao hơn. Kết quả khả quan này là cơ sở để tôi tiếp tục nhân rộng việc cấy mạ sân trên hơn 1 mẫu ruộng của gia đình”.

Từ kết quả ấy, ông Đoan đã mạnh dạn tham mưu với Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền, vận động nhân dân chỉ gieo cấy bằng mạ sân. Ban đầu do tập quán canh tác lâu đời nên bà con ngại thay đổi. Năm 2013, số hộ cấy mạ sân chỉ chiếm 20% tổng số hộ xã viên trong toàn xã. Không nản chí, ông Đoan tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con, lấy kết quả cụ thể của gia đình để thuyết phục. Đồng thời ông cũng đứng ra hứa trước nhân dân sẽ bảo đảm khâu tưới tiêu phù hợp cho việc gieo cấy bằng mạ sân. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, xã thực hiện không chia dược mạ cho người dân. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã khoanh vùng để điều tiết nước, tuyên truyền nông dân đồng bộ xuống giống và thực hiện gieo cấy "một vùng, một giống, một thời gian", chỉ đạo gieo cấy từ chân cao xuống chân vàn và chân trũng. Nhờ những biện pháp tích cực đó, hiện tất cả các hộ dân trong xã đã chuyển hẳn sang gieo cấy bằng mạ sân. Ông Đoan phấn khởi: "Vụ mùa năm 2015, năng suất lúa tăng 9,76 tạ/ha so với năm 2014. Thứ nữa là tiết kiệm. Qua tính toán, gieo cấy bằng mạ sân giúp người dân giảm được từ 12-14 kg thóc giống/ha so với gieo mạ dược. Mỗi năm nông dân trong xã giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/ngày công nhổ mạ, làm và dọn dược mạ; tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng tiền mua ni lông, khung tre để che chắn những ngày rét đậm, rét hại".

Năm 2014, xã Hưng Thái thực hiện đề án dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Sau khi dồn dịch bình quân mỗi hộ có 1,7 thửa. Diện tích ruộng lớn, hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng được cải tạo, chỉnh trang nên việc áp dụng cấy mạ sân càng thuận lợi, năng suất lúa cao. Ông Đoan tích cực tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền, vận động bà con xã viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Toàn xã đã hình thành được 7 tiểu vùng sản xuất tập trung. Nhiều năm gần đây, trong xã không có hộ dân nào bỏ ruộng hoang. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã tăng trưởng bình quân 10,9%/năm.
Không chỉ làm tốt vai trò của một chủ nhiệm HTX, ông Đoan cùng HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương, trở thành tấm gương để các xã viên, hội viên noi theo.

HOÀNG NGÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông chủ nhiệm miệng nói tay làm