"Mỹ chiếm 25% kinh tế trên thế giới. Chúng tôi cần đồng chỉnh với các nền dân chủ khác, thêm 25% hoặc hơn thế nữa, để chúng tôi có thể thiết lập các quy tắc thay vì để Trung Quốc và những nước khác quyết định kết quả chỉ bởi họ là lựa chọn duy nhất", Biden cho hay.
Việc ký kết RCEP tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 37 của ASEAN tại Hà Nội hôm 15.11 đã tạo ra hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 30% nền kinh tế và 30% dân số toàn cầu. Đây cũng là hiệp định thương mại đầu tiên có sự tham gia của các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiệp định cũng đánh dấu bước thụt lùi khác đối với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sau khi Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại 12 nước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017, được đàm phán khi Biden là Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama.
Biden cho biết ông đã có kế hoạch thương mại chi tiết sẽ được thảo luận vào ngày 21.1.2021, một ngày sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.
Các thành viên TPP, gồm Nhật Bản, và các nước ủng hộ thương mại tự do, bày tỏ hy vọng Biden sẽ tái gia nhập hiệp định thương mại đó, nhưng ông đề cập rất ít về chủ đề này. Theo các cố vấn của Biden, ông sẽ không lập tức dỡ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Biden cho biết ông đã nói với lãnh đạo các nước Mỹ sẽ tiếp cận thương mại bằng cách nhấn mạnh rằng Washington sẽ "đầu tư vào công nhân Mỹ và làm cho họ cạnh tranh hơn", bảo đảm lợi ích về lao động và môi trường được ưu tiên trong bất kỳ đàm phán thương mại mới nào và ngừng gây khó khăn cho các đồng minh.
Khi được hỏi tại sao không bình luận về kế hoạch cho các hiệp định thương mại khi ông nói sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp định Khí hậu Paris, Biden nói: "Bạn đang hỏi tôi về việc liệu tôi có tham gia một đề xuất cụ thể mà chi tiết hiện mới đang được đàm phán giữa các quốc gia đó. Việc đó sẽ đòi hỏi phải thương lượng".
Theo VnExpress