Ông, bà và cháu đích tôn

20/02/2012 10:22



Tôi trở về nhà sau ba năm đi nước ngoài làm ăn biệt tăm biệt tích. Không thể kể hết nỗi vui mừng của dòng họ, gia đình khi nhìn thấy tôi vác ba lô lóc cóc phía đầu làng. Mẹ tôi gào khóc như trong nhà có tang, mẹ thắp hương khấn vái khắp nơi, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hương khói. Mẹ than:

- Ối bố ơi! Bố về mà xem, cuối cùng thì cháu nó cũng về nhà rồi. Thôi thì ông thương con thương cháu, ông về ông bảo ban các cháu giúp vợ chồng con. Không phải tại chúng con không biết thương ông mà cũng chỉ vì giời bắt chúng con nghèo khó không có tiền đi tìm mộ ông về được. Thôi thì con sẽ đi chiêu hồn nhập mộ cho ông. Mong ông phù hộ độ trì cho các con, các cháu.

Tôi ngồi lặng cuối giường, mọi suy nghĩ đang rơi vào khoảng không trống rỗng. Tôi tiều tuỵ như thế này đây sau cái bồng bột của tuổi trẻ muốn được đổi đời, muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Ba năm đủ để  đời làm dập nát cuộc đời tôi, tôi trở về thấy quê mình đổi thay nhiều quá, tôi soi mình vào mảnh gương vỡ bé bằng bàn tay mà không còn nhận ra mình nữa. Tôi cũng đổi thay quá nhiều, không còn là thằng trai tơ đôi mươi chưa va vấp cuộc đời như ba năm về trước. Mẹ tôi tóc đã bạc đi nhiều, đôi mắt trũng sâu hơn còn cha tôi thì ngày càng im lặng. Ngày tôi về cha không nói câu gì ngoài lúc ngồi trong bữa cơm có đông đủ anh em, họ hàng, cha không nhìn mà chỉ giục tôi “ăn đi” rồi ngồi tu rượu. Đứa em gái tôi đã lấy chồng, đứa cháu nhìn thấy tôi râu tóc để dài nó sợ, nó khóc thét lên rồi đái cả ra quần. Người ta thì cười, còn tôi thấy cay cay sống mũi.

Ba năm. Thằng cháu đích tôn là tôi trở về nhìn lên ban thờ ông mà rơi nước mắt. Vẫn bức ảnh của ông từ rất lâu rồi bà tôi thuê người ta vẽ truyền thần, bây giờ trên ban thờ bám đầy mạng nhện và những hạt thóc lép từ hướng gió thổi vào, tôi thấy di ảnh ông gián đã nhấm mòn một mắt. Mắt bên phải, vết nhấm nhôm nhoam như vết đạn bắn toang hoác trên khuôn mặt của ông. Trong bữa cơm sum họp gia đình đứa cháu tôi nghịch ngợm, mẹ nó chỉ lên ảnh ông, thằng bé sợ tái mặt. Tôi hỏi:

- Sao mà cháu sợ?
Nó úp mặt vào ngực tôi bảo:
- Ngáo ộp đấy!

Tôi cay lòng ôm đứa cháu nhỏ bé đang thút thít khóc, tôi muốn vùng dậy và đập phá. Đập phá bất cứ thứ gì để giải toả cơn ức chế đang dồn nén trong tôi. Tôi đang tức giận ai? Tôi đang giận em tôi? Hay giận đứa cháu bé bỏng của tôi? Hay tôi đang giận chính tôi, người con trai cả trong gia đình, người có trách nhiệm phải lo chuyện hương hoả tổ tiên sau này? Chỉ ba năm sau khi tôi rời bỏ quê hương ra đi mọi thứ trong căn nhà này đều trở nên hoang lạnh, sự hoang lạnh khiến con người ta xa rời nhau hơn, lảng tránh nhau hơn.

Đêm.

Tôi ra ngồi ngoài hiên với cha, cha im lặng khá lâu. Cha thở dài đuổi nỗi buồn vào mênh mông bóng tối, nhưng vầng trăng vẫn đổ trên mái tóc hoa râm chút tàn lạnh của đêm dài. Tôi muốn nói với cha thật nhiều rằng vì sao tôi lại quyết ra đi và vì sao trong ba năm ấy tôi biệt tăm biệt tích không một mẩu tin nhắn về nhà. Tôi muốn kể cho người đàn ông, cho chỗ dựa vững chắc của cuộc đời tôi về những tháng năm lưu lạc xứ người hằng ngày chỉ mong kiếm được miếng cơm sống cho qua ngày để tìm đường về với gia đình. Tôi muốn nói với cha tôi rằng tôi nhớ ông nhiều lắm, người mà ba năm về trước vì sự nông nổi của mình mà tôi từng giận dỗi. Tôi còn muốn kể về những giấc mơ dẫn đường tôi trở về đây, giấc mơ có hình bóng một người đàn ông lạ, liệu đó có phải là ông nội tôi, người liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc? Nhưng hình như cha chỉ muốn tôi im lặng và ngồi bên cạnh ông như thế. Đêm ở quê tôi thật dài, dài như những đêm tôi nằm lạnh xứ người ngóng vợi…

* * *


Tôi vẫn gặp một người đàn ông trong giấc mơ của tôi. Người ấy luôn giấu mặt, người ấy bảo tôi rằng:
- Cháu ơi! Sáng mai cháu đừng đi về phía ấy.

Sáng hôm sau tôi không dám mang rượu đi về phía tôi định đi, lũ bạn rừng hỏi: “Tại sao?”, tôi bảo “Thôi đừng đi, tao thấy nóng ruột”. Chúng nó cười: “Chết đói đến đít rồi còn bầy đặt”, bữa rượu hôm ấy bị cảnh sát bắt, những thằng đi bị tống tù. Tôi ngồi ngẩn ngơ góc rừng lòng hoang mang tột độ. Tôi không biết người đàn ông về trong giấc mơ đêm qua là ai? Tôi không biết rồi sẽ phải đi tiếp về hướng nào để sống, để kiếm được chút tiền mang về trang trải nợ nần?

Đêm ấy và còn nhiều đêm sau nữa vẫn là người đàn ông ấy chỉ lối cho tôi đi, thoát ra khỏi hiểm nguy để rồi cuối cùng trở về bên đêm trăng thanh bình bản quán. Có lần trong giấc mơ của mình, tôi nghe thấy có tiếng súng rồi người đàn ông ấy thét lên một tiếng kinh hoàng. Đó là cái đêm trước hôm tôi trở về nước, cái đêm lòng tôi hoang mang cực độ. Đêm. Tôi không còn bấu víu vào được điều gì nữa, kể cả một giọng nói mơ hồ cũng đã biệt tăm. Tôi nhớ đến câu cuối cùng mà người đàn ông ấy nói với tôi:

- Cháu ơi! Mai cháu phải về thôi, cháu cứ thế này rồi sớm muộn gì cũng phải bỏ xác nơi này.
Tôi vội vàng tìm mọi cách trở về bằng số tiền ít ỏi của mình tích cóp được, bỏ lại tất cả, cả nỗi cô đơn nhiều lúc đến cùng quẫn. Tôi đi theo tiếng gọi của người đàn ông lạ. 

* * *


Mấy hôm sau ngày tôi về, mẹ tôi đón thầy cúng về thay bát nhang cho tổ tiên và hỏi chuyện chiêu hồn nhập mộ cho ông. Thầy cúng là một người đàn bà khoảng hơn ba mươi tuổi, người phốp pháp, ăn mặc giản dị nhưng mồm miệng lúc nào cũng nói về cái đại hạn nào đó của loài người sẽ đến vào năm 2010, tôi nghe đau đến điên đầu.

Bà tôi ngồi một mình dưới bếp khóc vụng, tôi xuống thấy bà đang vội lau nước mắt. Tôi hỏi:
- Bà thấy không khoẻ chỗ nào trong người? Sao bà lại ngồi đây khóc?
Bà lắc đầu, bà bảo:

- Mày cứ mặc bà, người già tủi thân thì khóc chứ có lý do gì đâu. Mày cứ lên mà lo việc chiêu hồn nhập mộ cho ông, dù gì mày cũng là cháu trưởng. Nghe bà, cứ lên nhà trên đi.

Tôi định bước đi nhưng nghĩ thế nào tôi mon men lại gần, ngồi thủ thỉ với bà, vì cũng đã lâu lắm rồi tôi không có dịp được gần gũi bà như ngày xưa nữa. Đôi lúc tôi cũng sợ nếu đến một ngày nào đó bà lại ra đi theo ông thì cái thế giới  cổ tích đầy tốt đẹp của ấu thơ tôi sẽ vụt tan đi mất.
- Bà ơi! Lúc cháu đi bà có nhớ cháu không bà?

Bà vỗ vỗ vào vai tôi, từ bé tôi vẫn thường được bà âu yếm theo cách ấy. Rồi bà chửi, bà chửi yêu cái thằng cháu chết vùi, chết dập:

- Mày ác lắm, có phải nhà này để mày đói đâu mà mày phải bỏ đi biệt xứ. Đã thấy khổ chưa cháu? Mày đi ở nhà có bao việc đều đổ tội cho ông nội mày hết. Hễ tí là lại đi xem bói, người ta bảo tại ông mày hy sinh không tìm thấy xác nên về hành con cháu. Ờ đấy! Thế mà cũng đã gần bốn mươi năm sau ngày ông mày hy sinh, bốn mươi năm đâu phải chiến trường hả cháu?
Bà khóc.
Tôi lặng người đi theo từng tiếng nấc của bà, sự tủi thân của người già là vậy đấy sao? Trước kia lúc nào tôi cũng mong muốn rằng sẽ học hành thật tốt rồi sau này có điều kiện sẽ đi vào Nam tìm ông, đưa ông về với quê hương cho toại ước nguyện của bà. Thế mà tôi đã quên điều hứa với chính bản thân mình. Bà tôi thì gần đất xa trời, cha mẹ tôi cũng đổ bóng về phía bên kia con dốc của cuộc đời. Còn tôi, sau ba năm bầm dập dường như vẫn thấy mình ngu ngơ lắm…
Tôi nhớ…

Vào cái ngày chú tôi vác dao cắt máu thề lìa bà và bố tôi rồi đi lên vùng cao theo vợ, còn một chú khác thì rượu chè, cờ bạc suốt ngày rồi về đánh đập vợ con. Cô tôi đi lấy chồng những tưởng được giàu sang, phú quý ai dè bị người ta lừa, người ta đi lấy vợ khác bỏ lại cô cùng đứa con ngỗ ngược không biết đường nào mà dạy bảo. Bà tôi suốt ngày hết tha thẩn ngoài vườn lại vào ngồi trước bàn thờ ông than khóc: “Ối ông ơi là ông, ông chết đi rồi sướng cái phận ông, ông bỏ lại mình tôi gánh cái nỗi đoạ đầy. Ngày xưa tôi bảo ông đẻ một, đẻ hai. Ông cứ muốn sinh năm, đẻ bảy làm gì để bay giờ khổ cái thân tôi. Con không ra đằng con, rể không ra đằng rể”. Những lúc ấy cha tôi ngồi một mình ngoài hiên lau nước mắt. Để đêm về lúc nào tôi cũng mơ thấy có một người đàn ông khóc, người ấy không phải là cha tôi. Có nhiều khi tôi giật mình nhìn di ảnh của ông, tôi sợ tôi đã gặp ông ở đâu đó mà lại không nhận ra ông.

* * *


Bà tôi kể…
“…Tuần nào ông cũng viết đều đặn một bức thư gửi về, ông hỏi về từng đứa con, từng người thân, từng trận bom nổ trên quê hương, ai còn, ai mất? Rồi ông kể cho bà nghe những con đường ông đi qua, những trận đánh ông từng chiến đấu… Cho đến bức thư cuối cùng bà nhận được của ông thì ông bảo ngày mai ông vào chiến đấu trong đường 9 Nam Lào. Từ đấy bà biệt tin ông. Người đưa thư không bao giờ rẽ vào cổng nhà mình nữa, cho đến một ngày… Người ta vào đưa giấy báo tử của ông”.
Bà bảo ông đã trải qua rất nhiều trận đánh, có những lần bức thư của ông còn dính vệt máu trên nét chữ run run. Nhưng, chưa bao giờ ông kể về những nỗi đau mà ông gánh chịu hay những vết thương ông đang mang trên người. Ông chỉ kể cho bà nghe về chiến thắng, về niềm vui hay nỗi mong mỏi trở về. Bà bảo, khi ông tôi hy sinh, cô út mới vừa tròn hai tuổi, cô chưa một lần được ông bồng bế, chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha mình để kịp lưu lại chút ấn tượng gì. Thế nên lúc nào bà cũng thương cô út nhất. Sau này trong những lần ông trở về trong cơn mơ lúc nào ông cũng bảo ông thương các con các cháu, vì đứa nào cũng lận đận, đứa nào cũng  sống dở chết dở rồi mới nên người được. Bà thương ông, thương cuộc đời mình nên bà chỉ khóc. Ông bảo:

- Bà đừng khóc nữa, con người ta sinh ra có phúc phận cả rồi. Chỉ cần cố gắng hết mình, còn được đến đâu thì hay đến đó. Bà đừng suy nghĩ nhiều mà thêm khổ. Trong chiến tranh, tôi ra chiến trường nhà chỉ còn có mình bà, bà còn thay tôi nuôi mấy đứa con khôn lớn nữa là bây giờ. Thôi! Tôi xin bà, bà đừng khóc nữa.

Mỗi lần nghe bà kể về những giấc mơ cha tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện, cũng có đôi lúc cáu quá cha tôi gắt:
- Người sống còn chẳng ăn ai nữa là người chết. Chết đi rồi thì còn biết gì nữa mà than với khóc. Chết là thành giun, thành đất mà thôi.

Bà tôi khóc vụng, mắng vụng cha tôi: “Cha bố cái quân láo mồm. Bố nó  mà nó còn bảo thế đấy”. Những lúc ấy tôi bảo bà:
- Bà chấp gì bố cháu, lần sau ông về bà đừng kể với bố cháu là được. Bà cứ giữ ông cho riêng bà thôi. Bà nhé!
Bà lại cười:

- Cha bố nhà mày, bà già rồi còn giữ ông làm gì nữa. Mấy năm nữa thì bà cũng về với ông thôi.
Tôi lại bảo:
- Còn lâu. Bà còn sống với cháu lâu lắm, bà cứ để ông sống dưới đó một mình cho thoải mái, thi thoảng ông còn gặp bạn bè, gặp đồng đội nhâm nhi rượu chè một tí. Bà chỉ mong xuống đấy để quản ông cháu chắc. Bà phải sống bên cháu lâu lâu cái đã. 
Không ngờ bà lại khóc, bà bảo:
- Tao mặc xác chúng mày chứ, tao khổ cả đời rồi, bây giờ cũng đã đến lúc tao phải sống cho mình chứ. Tao chỉ muốn nhìn thấy thằng cháu đích tôn lớn khôn rồi lấy vợ mau mau. Lúc ấy tao nhắm mắt cũng được rồi.
Bà lúc nào cũng nói như đang hờn dỗi ai một điều gì đó. Nhiều lúc, tôi nghĩ người già cũng như những đứa trẻ con, lúc nào cũng sẵn sàng bật khóc chẳng biết vì những lý do gì. Người già sao mà mỏng manh, dễ vỡ…

* * *


Trước cửa nhà tôi người ta bắt đầu san lấp ruộng rừng để đền bù cho những người bị mất đất trong dự án làm đường cao tốc lên biên giới. Máy ủi, máy cẩu chạy ầm ầm suốt ngày, bụi bám trong từng hơi thở, từng bữa ăn. Chưa bao giờ tôi lại thấy không khí ở quê mình trở nên ngột ngạt đến thế, bức bí đến thế. Chiếc mộ giả của ông mẹ mới mời thầy về chiêu hồn nằm đúng vào khoảnh đất trong dự án, cái máy cẩu mấy lần định dùng cái cần cẩu to đoành để múc lên nhưng cha mẹ tôi đã kịp thời can thiệp. Lũ trẻ trâu thấy thế cười hô hố, chúng khua chân múa tay chạy theo mấy cái khối sắt di động khổng lồ, chúng bảo:
- Cứ múc cái mộ đi đi, người chết rồi còn biết gì là đau nữa đâu chú máy cẩu ơi!
Đứa khác lại bảo:
- Mộ giả đấy, mộ thật đếch đâu mà sợ.
Tôi dứ dứ quả đấm về phía lũ trẻ.

Nhưng chiều đó cả nhà tôi đi làm đồng vắng, mẹ tôi bảo làm cố nốt mấy buổi đồng rồi mẹ lại mời thầy về làm lễ di chuyển mộ. Thế mà ở nhà không hiểu lũ trẻ trâu đập phá hay cái máy cẩu đã làm mộ ông tôi vỡ nát. Bà tôi ôm mặt ngồi khóc cả buổi chiều, dỗ thế nào bà cũng không chịu về ăn cơm. Bà ngồi khóc hờ ông, bà bảo:

- Cứ thế này thì ông chết mấy lần hả ông? Còn tôi đau mấy lần hả ông? Đêm nay ông lại ở đâu?
Mấy đứa trẻ trâu đứng xung quanh cười khì khì, tôi cáu sườn tóm được đứa nào bạt tai đứa đấy. Tôi chửi:

- Về hỏi bố mẹ chúng mày xem thế nào là liệt sĩ?
Chúng nghe xong lại cười khì khì, chúng bảo: “Liệt sĩ thì cũng chết quách rồi”. Bà tôi càng khóc to hơn, tôi định dồn quật cho lũ trẻ một trận thì cha tôi ngăn lại. Ông bảo: “Chấp làm gì lũ nhỏ, chúng có biết chiến tranh là gì đâu mà chấp”.
Đêm.

Tôi nằm nghĩ vơ vẩn một mình mà thấy buồn vời vợi, chẳng hiểu vì sao lại buồn. Bỗng nhiên tôi nhớ đến giọng nói người đàn ông trong giấc mơ của tôi ba năm lưu lạc xứ người. Bỗng nhiên tôi thấy giọng nói ấy rất quen, như lẫn giọng của cha tôi và của cả tôi nữa. Bỗng nhiên tôi thấy vừa hoang mang vừa ấm áp đến yên lành. Trăng giữa tháng tròn vành vạnh, tôi ngóng ra ngoài hiên mong trú tạm vào chốn bình yên, tĩnh lặng của bóng đêm. Bỗng nhiên tôi nghe thấy đâu đó có tiếng khóc thút thít lẫn vào tiếng gió vừa chao nghiêng qua vườn chuối trước nhà. Tôi vùng dậy, ngó qua ô cửa sổ, thấy bà tôi ngồi lẫn vào mảng màu tối sáng, bà ôm di ảnh của ông trên ngực. Tôi thấy bên mắt bị gián nhấm của ông có vệt nước đục ngầu.

Tôi nhìn ra cánh đồng trước mặt, nơi mảnh đất đang được san bằng kia rồi sẽ mọc lên những nóc nhà san sát, rồi sẽ che khuất cả tầm nhìn dài rộng. Rồi chẳng biết sẽ có những đêm trăng ngan ngát hương cau bình yên nữa hay không… Lòng tôi chợt gợn những đợt sóng buồn.

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông, bà và cháu đích tôn