Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không phai

29/11/2015 07:02

Cầm cuốn sách bìa cứng, dày dặn của Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương), ai cũng chú ý đến cái tên Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không phai. Đây là ngôi trường cấp 2 công lập đầu tiên của tỉnh, đến nay đã được 58 năm. Từ mái trường này, thầy và trò lần lượt học tập, rèn luyện trưởng thành. Có tới hơn 30 giáo sư, tiến sĩ. Có đồng chí là lãnh đạo, sĩ quan cao cấp trong quân đội, nhà khoa học, nhà kinh doanh tài giỏi. Một học sinh Trường Trần Phú đã vươn lên giành huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Lớp lớp thầy trò của trường lên đường nhập ngũ và gần 30 người đã nằm lại chiến trường... Tất cả đều góp phần cho Trường Trần Phú từng được Huân chương Lao động hạng ba, cùng với người thầy hiệu trưởng, Nhà giáo Ưu tú Hoàng Văn Nguyện cùng nhiều thầy cô khác...<br>

Với hơn 200 trang viết, cuốn sách đã làm sống lại suốt chặng đường phấn đấu không mệt mỏi của ngôi trường có vinh hạnh mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Trong hoàn cảnh khó khăn mọi mặt, các thầy cô vẫn quyết tâm học hỏi, nâng cao tay nghề, hết lòng vì các em. Thầy Trần Lâm Hương kể lại, trong một tiết "mỗi giờ một chuyện bổ ích và lý thú", thầy kể chuyện của hạt sồi. "Hạt sồi nằm dưới đất, nói với cây sồi cổ thụ: "Ông ơi! ông bế cháu lên cao cho cháu nhìn thấy đường chân trời". Ông nói: "Cháu hãy tự vùi mình xuống đất, nảy mầm..., rồi cháu sẽ cao hơn ông và nhìn thấy tất cả" (58 năm một ngôi trường). Một bài học hết sức sâu sắc chỉ qua vài lời kể chuyện! Thầy Nguyễn Đình Thiêm không quên chuyện một học sinh của thầy, em Trần Ph. vi phạm kỷ luật gì đó, bị đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường, dự định phải đuổi học. "Là giáo viên chủ nhiệm, tôi đã bảo lãnh cho em và hứa sẽ giúp em trở thành học sinh tốt. Quả nhiên sau đó, Ph. đã tiến bộ rõ rệt, nay đang là một doanh nhân giỏi của TP Hồ Chí Minh. Ph. nhiều lần điện thoại hỏi thăm thầy và không quên thêm một câu "Nhờ lòng độ lượng của thầy mà em mới được như ngày nay" (Một số kỷ niệm đẹp). Trường Trần Phú từng được đón đoàn đại biểu giáo dục Liên Xô do một nữ Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học dẫn đầu sang thăm và dự giờ. Cô giáo Đinh Thị Ngọc Dung bồi hồi: "Chiều hôm ấy tôi tự tin lên lớp. Bài dạy thành công. Mọi người đều vui vẻ chúc mừng cô, trò chúng tôi. Bà viện sĩ chia kẹo thưởng các cháu. Sau tiết dạy, đoàn góp ý ngay, nói chung là thống nhất, nhưng vì hai nền giáo dục có khác nhau, có một số điều nhà trường xin trao đổi lại. Sáng hôm sau, chúng tôi được mời đi dự hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy. Trả lời ý kiến của trường, bà viện sĩ nói: "Dạy như thế cũng tốt. Mọi cách dạy đều phát huy được sáng tạo của giáo viên và phù hợp với hoàn cảnh nhà trường, năng lực của học sinh" (Những ký ức không quên). Một sự đánh giá không hề thấp về tầm vóc một ngôi trường cấp 2 thị xã Hải Dương.

Cuốn sách có rất nhiều kỷ niệm xúc động của giáo viên, học sinh, đậm nhất là trong các bài của Nguyễn Huy Khoát, Hoàng Văn Nguyện, Lã Thị Hiền, Nguyễn Đình Bin, Nguyễn Đức Vy, Nguyễn Văn Bang, Nguyễn Đức Cường... Cựu nữ sinh Phạm Thị Càn viết: "Không có trường Trần Phú, chắc chắn đời tôi sẽ rẽ sang một ngả khác". Bởi được nâng bước từ mái trường cấp 2 quê hương, cô đã phấn đấu trở thành giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp. Mã Thiện Đồng, Lương Văn Hồng trở thành nhà văn ở TP Hồ Chí Minh, xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị. Nữ sinh Bùi Thị Hồng Vân sau này tốt nghiệp Đại học Pa-ri, tham gia nhiều lĩnh vực kinh tế - thương mại - ngoại giao ở Pháp, Singapore... Chị đã viết cuốn Ba áng mây phiêu bạt xứ bèo, được giải thưởng văn học của một tổ chức ở Pháp và đã được dịch ra tiếng Việt.

Mái trường Trần Phú luôn níu kéo những con người ra đi từ đây luôn luôn phải hướng về. Một học sinh của trường sau khi được đào tạo phi công ở Liên Xô, về nước đứng trong hàng ngũ phi công chiến đấu chống  không quân Mỹ. "Trong một chuyến bay huấn luyện nhào lộn phức tạp trên không vực Hải Dương, tôi cố ý lấy điểm chuẩn là cầu Phú Lương, đẩy cần lái chiếc Mig 21 sà xuống thật thấp rồi đẩy mạnh tay ga, kéo vọt phi cơ lên cao và lượn vòng nghiêng cánh chào thị xã thân yêu. Phía dưới cánh máy bay là nơi tôi đã được sinh ra, có mái trường Trần Phú với các thầy cô yêu dấu" (Được bay trên bầu trời quê hương của Vũ Như Ngữ). Một cựu giáo chức viết trong bài của mình: Có ai hỏi tôi: "Nếu cuộc sống được lặp lại một lần nữa, anh có chọn nghề dạy học?" Có! Tôi không cần suy nghĩ, trả lời. "Thế anh sẽ về trường nào?". "Trần Phú!". Lại một câu trả lời tức thì, dù tôi chỉ dạy có 3 năm ở Trường Trần Phú trong 36 năm đứng trên bục giảng".

Quả là những phần thưởng xứng đáng dành cho Trường Trần Phú, nơi chứa chan Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không phai...

VƯƠNG BẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không phai