Ở tâm vùng dịch lợn tai xanh

09/04/2010 05:46

Trước diễn biến dịch tai xanh trên đàn lợn phức tạp, các huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; triệt để bao vây, dập dịch ở các xã có dịch và khôi phục nhanh đàn lợn.


Xã Quang Trung (Tứ Kỳ) thành lập 5 chốt kiểm dịch động vật hoạt động 24 giờ trong ngày. Ảnh: TM

Những ngày này, trời vẫn âm u mưa phùn, độ ẩm không khí cao, lại thêm không khí lạnh. Thời tiết này làm cho lợn rất dễ bị nhiễm khuẩn và mắc bệnh, nhất là bệnh tai xanh.

Tại huyện Tứ Kỳ từ ngày 25-3 xuất hiện lợn ốm rải rác ở cả 3 xã Tiên Động, Tây Kỳ và Quang Trung, song người chăn nuôi vẫn chủ quan không báo cán bộ thú y. Mấy ngày sau, khi số lợn ốm tăng quá nhanh, nông dân mới trình báo. Kết quả xác nhận có 14 trong số 15 mẫu dương tính với vi khuẩn gây bệnh tai xanh. Huyện đã yêu cầu các xã trên quản lý chặt chẽ số lợn đang được nuôi trên địa bàn; thông báo diễn biến dịch tai xanh đến tất cả 24 xã, thị trấn còn lại, yêu cầu tăng cường các biện pháp cần thiết phòng dịch. Đến ngày 5-4, toàn huyện có 386 con lợn bị nhiễm bệnh tai xanh, gồm 128 lợn nái và 258 lợn thịt, lợn con theo mẹ. Không phát sinh thêm lợn ốm trong các ngày kế tiếp và chưa lây lan sang các xã khác. Tuy nhiên, đến ngày 7-4, tại 3 xã vùng tâm dịch vẫn có 56 con, chủ yếu là lợn nái, bị chết phải tiêu huỷ. Được biết, 3 xã đều có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin bắt buộc cho lợn đạt tỷ lệ 60% tổng đàn. Riêng lợn nái, tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 80%. Song do giá vắc-xin phòng bệnh tai xanh quá cao (loại do các nước châu Âu sản xuất hiện bán với giá 40 nghìn đồng/liều), lại không nằm trong diện vắc-xin tiêm phòng bắt buộc, nên không hộ chăn nuôi nào bỏ tiền tiêm loại vắc-xin này cho lợn.

Xã Quang Trung có 102 con lợn bị bệnh tai xanh. Theo chỉ đạo của huyện, xã đã thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời và cử lực lượng trực 24 giờ/ ngày, kể từ ngày 2- 4. Ngay đêm hôm đó, có 2 người chăn nuôi trong xã đem 22 lợn sữa xuất chuồng đi bán. Chốt kiểm dịch ở thôn Cầu Xe đã phát hiện ngăn chặn kịp thời.

Xã Tiên Động có 148 con lợn, gồm 77 lợn nái và 71 lợn thịt, lợn con theo mẹ bị nhiễm bệnh. Đến ngày 7- 4, 22 con bị chết. Khi có dịch, một số người chăn nuôi muốn bán lợn, song xã kiên quyết thực hiện chỉ đạo của huyện, ngăn chặn việc đưa lợn ra khỏi địa bàn. Thăm khu chăn nuôi của một gia đình ở thôn Hoà Nhuệ, mặc dù đã được phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng và lợn đã ăn được cám, chúng tôi vẫn thấy chuồng trại quá sơ sài, ẩm thấp. Điều này chứng tỏ việc vệ sinh chuồng trại chưa được quan tâm thường xuyên. Qua các thôn của xã này, vẫn thấy các phản thịt lợn bày bán; người tiêu dùng vẫn thản nhiên mua thịt lợn như chưa hề có dịch xảy ra. Thậm chí, có chủ hộ chăn nuôi mặc lợn bị ốm, bỏ ăn 3 ngày rồi vẫn không mời cán bộ thú y đến điều trị cho lợn.

Hiện tại, ở huyện Bình Giang có 4 xã xuất hiện dịch bệnh là Nhân Quyền, Thái Học, Tân Việt và Hồng Khê, số lợn nhiễm bệnh là 164 con, trong đó 29 con đã chết. Khi phát hiện lợn nhiễm bệnh, người dân đã lập tức báo với cán bộ thú y để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Lợn chết đều được tiêu hủy đúng quy định. Người chăn nuôi chấp hành nghiêm túc quy định cấm vận chuyển lợn ốm ra khỏi vùng dịch. Việc cấm giết mổ lợn ốm được người dân thực hiện nghiêm túc. Không còn hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch vì sợ không bán được lợn. Về xã Nhân Quyền lúc này, không khí phòng, chống dịch bệnh diễn ra rất khẩn trương. Mặc dù xã vừa tiến hành Đại hội Đảng bộ điểm, công việc còn bộn bề, nhưng không vì thế mà việc khoanh vùng dập dịch bị lơ là. Ngày 28-3, dịch tai xanh xuất hiện trong trang trại của ông Vũ Đức Sản, ở thôn Dương Xá. Dù đã được phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại, cách ly lợn ốm và điều trị, nhưng vẫn có 3 con lợn bị chết. Những ngày sau đó, dịch bệnh nhanh chóng lan ra các thôn Bùi Xá và Đan Loan. Đến nay, cả xã có 50 con bị nhiễm bệnh, trong đó 9 con bị chết. Số còn lại đã được điều trị khỏi. Năm 2007, ở Nhân Quyền cũng đã xuất hiện dịch bệnh này nên khi có dịch xảy ra, người chăn nuôi ở đây không bất ngờ. Ngay khi có dịch, UBND xã lập tức giao cho ban thú y phối hợp với đài truyền thanh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, yêu cầu các gia đình phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại; thành lập các chốt kiểm dịch ở đầu các thôn có lợn nhiễm bệnh, không để người dân vận chuyển lợn nhiễm bệnh ra khỏi địa bàn...

Huyện Bình Giang khi có dịch, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn nắm bắt tình hình dịch hằng ngày báo cáo về huyện để có các biện pháp xử lý. Trạm Thú y huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp dập dịch, cung cấp đầy đủ thuốc khử trùng, thuốc chữa bệnh cho các xã có dịch.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn; triệt để bao vây, dập dịch ở các xã có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng và khôi phục nhanh đàn lợn.

CÔNG ĐẠO- VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở tâm vùng dịch lợn tai xanh