Ô nhiễm nguồn nước sản xuất nước sạch

14/09/2019 09:05

Do nhiều yếu tố tác động nên nguồn nước đầu vào của một số nhà máy sản xuất nước sạch có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước thương phẩm cung cấp cho người dân.


Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nước nguyên liệu. Trong ảnh: Xử lý nước thải tại khu công nghiệp Đại An mở rộng

Nhiều nguồn gây ô nhiễm

Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Luộc và các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình cho thấy tùy từng thời điểm, một số chỉ tiêu đã vượt quy chuẩn cho phép như cặn lơ lửng (TSS), NO2- -N, NH4+ -N, DO, PO43--P... Mức độ ô nhiễm nặng nhất thuộc hệ thống sông nội đồng khi hầu hết các thông số cơ bản đều vượt quy chuẩn, mức độ ô nhiễm diễn ra thường xuyên, duy trì qua nhiều năm.

Ông Bùi Quang Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh cho biết hệ thống sông Bắc Hưng Hải có nhiều thông số vượt quy chuẩn do phải tiếp nhận quá nhiều nguồn ô nhiễm như nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của TP Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên.

Mức độ ô nhiễm trên hệ thống này thực sự nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Chất lượng nước sông nội đồng, sông ngoài bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu, nuôi thủy sản, nguồn nước nguyên liệu cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Theo phản ánh của Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương (Kim Thành), thỉnh thoảng nhà máy nước sạch của họ lại phải dừng sản xuất do chất lượng nguồn nước đầu vào không ổn định. Ngay cửa cống sông An Kim Hải thông với sông Rạng, một bãi chứa vật liệu xây dựng hoạt động tấp nập.

Mỗi lần bơm cát từ tàu lên, nước trên bãi xối xuống sông đục ngầu. Ông Nguyễn Hồng Nam, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương cho biết mỗi lần chủ tàu bơm cát lên bãi, nhà máy lại phải dừng hoạt động để chờ nước trong trở lại mới dám bơm lên để sản xuất.

Ngoài ra, kênh thủy lợi nội đồng của xã Kim Đính tiếp nhận nước sản xuất nông nghiệp, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi của các hộ dân trong xã rồi đổ ra hệ thống An Kim Hải cũng khiến chất lượng nước đầu vào không bảo đảm.

Là doanh nghiệp sản xuất nước sạch lớn nhất tỉnh, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương thường xuyên phải giám sát chặt chẽ chất lượng nước đầu vào do lo ngại các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước.

Ông Vũ Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết theo quy định việc kiểm tra chất lượng nước đầu vào thực hiện 6 tháng/lần nhưng công ty luôn phải kiểm tra, xét nghiệm hằng ngày vì vùng bảo vệ nguồn nước nguyên liệu thường xuyên bị vi phạm. Phổ biến nhất là các hoạt động bến bãi, neo đậu tàu, thuyền, nuôi cá lồng, xả nước thải trái phép… trong vùng bảo vệ nguồn nước nguyên liệu.

Dọc bãi sông gần cửa hút nước nguyên liệu, hàng chục bến bãi chứa vật liệu xây dựng, xưởng sản xuất gạch không nung, trạm trộn bê tông hoạt động tấp nập. Dưới sông lúc nào cũng có vài chục tàu, thuyền cỡ lớn neo đậu.

Một phần nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của TP Hải Dương cũng đổ ra khu vực này khiến chất lượng nước nguyên liệu luôn đối mặt với nguy cơ ô nhiễm.


Một phần nước thải chưa qua xử lý của TP Hải Dương xả thẳng ra sông Thái Bình

Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải

Vừa qua, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình trạng vi phạm vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước mặt phục vụ sinh hoạt tại các chi nhánh sản xuất nước sạch do đơn vị này quản lý.

Tại các chi nhánh của công ty ở các huyện Kinh Môn, Ninh Giang và TP Hải Dương, TP Chí Linh, rất nhiều hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước như giết mổ gia súc, gia cầm, thau rửa vật liệu xây dựng, neo đậu tàu thuyền, nuôi thả cá lồng... chưa được quản lý chặt chẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước khai thác phục vụ sản xuất nước sạch.

Ông Bùi Quang Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương cho biết hiện tại toàn tỉnh vẫn còn 4 trạm cấp nước sạch sử dụng nước sông nội đồng làm nguyên liệu đầu vào là các trạm Hà Thanh, Hà Kỳ, Tiên Động (Tứ Kỳ) và Trùng Khánh (Gia Lộc).

Từ lâu, nước sông nội đồng, nhất là nước thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, không đủ điều kiện làm nguyên liệu để sản xuất nước sạch. Vì vậy, việc chuyển nguồn nước đối với các trạm này là điều bắt buộc.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, bảo đảm chất lượng nguồn nước nguyên liệu sản xuất nước sạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước mặt. Tích cực ngăn chặn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, thị trấn có phương án di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng, neo đậu tàu thuyền ra khỏi hành lang vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác nước mặt, bảo đảm chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân.

Các doanh nghiệp sản xuất nước sạch nhanh chóng khoanh vùng, cắm mốc, đặt biển báo vùng bảo hộ nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đặc biệt, UBND tỉnh nên tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố lưu vực sông Cầu ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.

VỊ THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm nguồn nước sản xuất nước sạch