Ô nhiễm môi trường từ kinh doanh than

28/04/2018 13:02

Hoạt động của một số bến bãi kinh doanh than chưa được quản lý chặt chẽ đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trong khu vực.


Người dân xã Duy Tân (Kinh Môn) chịu khổ vì bụi từ các xe vận chuyển than

Đâu cũng bụi

Tính đến cuối năm 2017, huyện Kinh Môn có tới 46 điểm đang kinh doanh than (KDT), trong đó chỉ có 24 điểm nằm trong quy hoạch. Một thực tế đáng báo động là tất cả các điểm KDT này đều không có hoặc có rất ít biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định. 

Bên cạnh bến đò Duyên Linh ở xã Duy Tân (Kinh Môn), hai bãi than lớn hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Than được tập kết trên bãi sông thành từng đống lớn, không được che chắn cũng như không có hệ thống thu gom nước bề mặt. Bụi phát sinh từ nghiền, sàng theo gió xộc thẳng vào nhà dân. Trên con đường dẫn xuống bến đò, bụi than trải thành từng lớp bám theo bánh xe tải phát tán ra xung quanh. Một người dân thôn Trại Xanh, xã Duy Tân cho biết bụi than bám theo bánh xe vương vãi khắp đường làng, ngõ xóm, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là người già, trẻ em. Mặc dù các doanh nghiệp đã cử người, phương tiện quét dọn, phun nước nhưng hầu như không có tác dụng vì lượng bụi than quá lớn. 

Bãi than của Công ty CP Thương mại sản xuất và vận tải Phúc Ngọc (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn) chất thành đống cao như núi. Theo phản ánh của người dân xóm 12, thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh, đường giao thông trong xóm lúc nào cũng được phủ dầy một lớp bụi than. Mỗi khi có xe chạy qua hoặc gió to, bụi than bay mù mịt cả vùng. Mái nhà, cây cối, hoa màu của người dân đều có bụi than. “Cuộc sống, sức khỏe của người dân trong xóm bị ảnh hưởng rất nặng nề”, ông Nguyễn Văn Tuấn, cư dân xóm 12 than thở. 

Huyện Kim Thành cũng có tới 13 điểm KDT, nhiều thứ 2 sau huyện Kinh Môn nhưng chỉ có 3 điểm nằm trong quy hoạch. Từ nhiều năm nay, người dân khu phố Ga, thị trấn Phú Thái chịu sự hành hạ của bụi than từ các bãi KDT hai bên bờ sông Kinh Môn. Ngay chân cầu Phú Thái, một bãi KDT lớn hoạt động tấp nập ngày đêm. Than được tập kết, nghiền, sàng tuyển ngay trên bãi. Những đống than lớn không được che chắn. Xe tải trọng lớn chạy rầm rập mang bụi than, bụi đất từ trong bãi ra đường. Bên kia sông là bãi than mênh mông của xã Long Xuyên. Hoạt động của bãi than này cũng làm cho người dân thị trấn Phú Thái chịu khổ sở. Các bãi than thi nhau “ném”  bụi vào nhà dân. 

Siết chặt quản lý

Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở kinh doanh, chế biến than nhưng chỉ có 32 điểm KDT được chấp thuận theo quy hoạch. Phần lớn các điểm kinh doanh này có quy mô trung bình và lớn, đều nằm ngoài bãi sông. Hầu hết các cơ sở đều thuê lại mặt bằng kinh doanh bến, bãi của các hộ cá thể đã được UBND cấp xã cho thuê. Vì vậy, rất ít cơ sở bảo đảm điều kiện về BVMT, phòng chống cháy, nổ theo quy định. Kết quả kiểm tra 36 điểm, bãi, cơ sở hoạt động sản xuất, KDT trên địa bàn các huyện Kinh Môn, Kim Thành cho thấy chỉ có 6 cơ sở có cam kết BVMT; 1 cơ sở có giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Đối với những cơ sở đã có cam kết BVMT, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ở mức đáng báo động. Hầu hết các điểm KDT đều sử dụng xe quá tải trọng cho phép, không che phủ bạt làm rơi vãi than trên đường.

Việc nhiều bến bãi KDT hình thành tự phát, không nằm trong quy hoạch, chưa được UBND tỉnh cho phép, không chứng minh được nguồn gốc than, không có các biện pháp BVMT gây bức xúc trong nhân dân, nhưng lại tồn tại trong thời gian dài thể hiện sự yếu kém trong quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ hoạt động của các bến, bãi KDT, kiên quyết đóng cửa các bãi than không chứng minh được nguồn gốc, không bảo đảm các điều kiện BVMT. Các địa phương cần kiên quyết thu hồi đất bãi sử dụng sai mục đích, lợi dụng đất thuê để kinh doanh than trái phép. 

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm môi trường từ kinh doanh than