Sự phát triển của các làng nghề ở Nam Sách không những tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mà còn làm tăng giá trị sản xuất của huyện. Tuy nhiên, các làng nghề cũng đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nước thải ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn đen ngòm, bốc mùi hôi thối |
Trong những năm qua, sự phát triển của các làng nghề ở huyện Nam Sách không những tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mà còn góp phần không nhỏ làm tăng giá trị sản xuất chung của huyện. Tuy nhiên, các làng nghề cũng đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thôn Lang Khê (xã An Lâm) nổi tiếng bởi nghề làm bún truyền thống. Nhờ nghề trên, nhiều gia đình đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Vương Văn Tác, Trưởng thôn Lang Khê cho biết: Thôn hiện có 236 hộ với hơn 900 nhân khẩu, nghề làm bún có từ hàng trăm năm nay. Những năm trước đây, cả làng có đến 70% số hộ làm nghề, hằng ngày sản phẩm bún Lang Khê được giao bán trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, những năm trước đây Lang Khê còn “nổi tiếng” bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều gia đình làm nghề nên hằng ngày khối lượng nước thải ra kênh mương, ao hồ rất lớn. Vào những ngày trời nắng nóng, nước làm bún phân hủy, bốc mùi rất khó chịu. Những năm qua, mặc dù đã có một số biện pháp khắc phục, song tình trạng ô nhiễm chỉ giảm đi một phần. Gia đình anh Vương Văn Bền đầu tư hơn 50 triệu đồng mua máy liên hoàn về làm bún, mỗi ngày bán ra thị trường gần 1 tấn bún, tiêu thụ chủ yếu trong huyện. Để xử lý nước thải, anh đã xây hầm bi-ô-ga. Tuy nhiên, theo ông Tác, ở thôn Lang Khê những hộ làm nghề có hầm bi-ô-ga để xử lý nước thải như gia đình anh Bền rất ít. Gặp chúng tôi ngay bên đường, ông Vương Công Thành, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Lang Khê bức xúc cho biết: “Một số gia đình làm bún với quy mô lớn hằng ngày vẫn thải trực tiếp nước thải ra cống rãnh, trong khi cống rãnh thường xuyên bị tắc khiến nước ứ đọng, rất mất vệ sinh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với địa phương nhưng tình trạng trên vẫn không chấm dứt”. Chỉ cho chúng tôi cái ao nước đã đen ngòm, bốc lên mùi hôi thối, ông Thành nói: “Cái ao này của nhà tôi trước đây còn có thể thả cá, mỗi năm thu lãi gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay do một số nhà làm bún thải nước xuống nên nước ao bị ô nhiễm nặng, không thả cá được nữa”. Trao đổi với chúng tôi, ông Tác cho biết, năm 2009, huyện đã đầu tư xây dựng hơn 100 mét đường dẫn nước thải cho làng nghề, tuy nhiên, đường dẫn nước này cũng chỉ giải quyết được một phần nước thải hằng ngày của những hộ làm nghề nơi đây.
Đến thôn Mạn Đê, xã Nam Trung vào một buổi trưa nắng nóng, mùi sấy hành tỏi, gừng… khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt. Những năm qua, thôn Mạn Đê được nhiều người biết đến bởi nghề sấy hàng nông sản. Trưởng thôn Phạm Văn Phú cho biết: “Thôn có 679 hộ, trong đó có 312 hộ làm nghề chế biến hàng nông sản, chiếm 46% số hộ. Nhờ có nghề mới này nên đời sống người dân quê tôi ngày càng được nâng cao. Những ngôi nhà cao tầng được mọc lên từ chính nghề này đấy”. Tuy nhiên, ông Phú cũng thừa nhận, bên cạnh sự phát triển kinh tế chung đó, thôn Mạn Đê hiện đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng, chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước. Chỉ vào khu ao trước mặt, hiện đang có màu đen ngòm, ông Phú lắc đầu: “Mặc dù địa phương đã rất cố gắng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng do số dân làm nghề quá lớn, nước thải ra môi trường ngày càng nhiều nên xử lý không xuể. Vào thời điểm chính vụ, nước thải chẳng biết chảy đi đâu cho hết”. Ông Phú cho biết thêm, thôn Mạn Đê có 5 tổ sản xuất, mỗi tổ có một đội chuyên đi thu gom rác, một tuần hai buổi. Tuy nhiên, các đội thu gom rác này chủ yếu thu gom rác thải và vệ sinh đường làng chứ không thể xử lý được nước thải do những hộ làm nghề thải ra. Nước thải ứ đọng tại các ao hồ, ngấm xuống đất ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Cùng tâm trạng với ông Phú, anh Trần Văn Mễ, chủ một cơ sở chế biến nông sản, cho biết: “Nhà tôi hằng ngày chỉ biết thải nước trực tiếp ra ao, hồ xung quanh nhà chứ có cách gì xử lý đâu. Nước ao bị ô nhiễm, đến rửa chân tay cũng không dám”. Nhìn vào khu ao sau nhà đen ngòm, anh Mễ cho biết thêm: “Hầu hết các ao, hồ ở làng này đều bị ô nhiễm nặng. Đến nước giếng khoan, nhiều gia đình hiện nay còn bỏ. Người dân chúng tôi đang làm đơn lên trên xin cấp nước sạch để sử dụng mà đến nay vẫn chưa thấy kết quả”.
Thôn An Xá, xã Quốc Tuấn là làng nghề mây tre đan và làm hương. Nhờ vậy, bộ mặt của thôn được đổi thay từng ngày. Hiện 95% số đường làng đã bê-tông hóa, nhiều nhà cao tầng kiên cố mọc lên. Thôn hiện có 969 hộ, trong đó có hơn 330 hộ làm nghề, chiếm 41%. Tuy nhiên, An Xá cũng đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đến An Xá vào những ngày này, sẽ chứng kiến những dòng nước đen ngòm, ứ đọng, đặc quánh dưới rãnh tiêu nước hai bên đường và tại những ao nhỏ trong làng bốc lên mùi hôi thối. Theo ông Trưởng thôn Nguyễn Bá Mỹ, trong thôn có một số gia đình chăn nuôi trâu, bò, lợn và làm nghề thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nên thường xả trực tiếp nước thải ra cống rãnh. Thôn đã thành lập một tổ thu gom rác nhưng không thể xử lý triệt để rác thải hằng ngày.
Huyện Nam Sách hiện có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Phát triển làng nghề đã giúp bộ mặt nông thôn Nam Sách thay đổi từng ngày. Để làng nghề phát triển bền vững, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo vệ môi trường.
P.V