Ô nhiễm môi trường “bùng” ra sau thời kỳ tích tụ

07/11/2016 16:06

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã nói vậy khi trao đổi với báo chí bên lề cuộc giao lưu trực tuyến của bộ với người dân và doanh nghiệp sáng 7-11.

Ô nhiễm môi trường “bùng” ra sau thời kỳ tích tụ 

Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay rất nóng
là do ô nhiễm môi trường tích tụ suốt cả thời kỳ trước - Ảnh: Xuân Long

Thứ trưởng Nhân nói: Đúng là vấn đề ô nhiễm môi trường gần đây rất nóng và trở thành vấn đề rất cấp bách. Có thể nói đây là hậu quả của cả một thời kỳ tích tụ ô nhiễm môi trường, giờ “bùng” ra khiến vấn đề càng thêm nóng.

Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường được người dân, chính quyền và doanh nghiệp quan tâm nên những thông tin về ô nhiễm chỗ này chỗ kia đã được phản hồi rất kịp thời...

* Thưa ông, trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở khắp mọi nơi, vấn đề quản lý và trách nhiệm của cơ quan quản lý về môi trường phải trong giai đoạn này phải thể hiện như thế nào?

- Sau những sự cố vừa qua, Chính phủ đã tổ chức những hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ môi trường toàn quốc, đưa ra thông điệp phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường.

Sau hội nghị, Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật cũng như chấn chỉnh công tác quản lý môi trường từ cấp trung ương cho đến địa phương cơ sở.

Thủ tướng cũng nêu rõ trong chỉ thị, người đứng đầu ở địa phương phải chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Nóng ở đâu, ở tỉnh nào thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề quan trọng hiện nay là không chỉ ở khẩu hiệu mà phải ở hành động, từ kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa ô nhiễm đến thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư.

* Nhưng quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế cần phải cụ thể hóa như thế nào trong hành động, thưa ông?

- Trước hết, không thể bất cứ dự án đầu tư nào cũng chấp nhận đưa vào đầu tư. Ví dụ, những dự án tác động xấu đến môi trường như phá rừng, xâm phạm đến khu bảo tồn sinh học... dứt khoát phải xem xét rất kỹ lưỡng.

Thứ hai là những dự án có nguồn nước xả thải lớn vào những vùng nhạy cảm, dự án của các lĩnh vực sắt thép, giấy, dệt nhuộm... 

Thứ ba, việc lựa chọn nhà đầu tư liên quan đến vấn đề công nghệ, phải theo tiêu chí công nghệ tiên tiến, hiện đại. Không thể lấy công nghệ lạc hậu, cũ rách của các nước mang về, biến nước ta thành bãi thải công nghiệp

Thứ tư, quy trình xử lý chất thải nói chung phải bài bản và phải được thẩm định phê duyệt bởi đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của từng đơn vị. Tất cả những cái đó phải trở thành giải pháp tổng hợp mới phòng ngừa và tránh được những sự cố như vừa qua.

* Nhiều ý kiến cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường hiện còn lạc hậu, lỏng lẻo. Vậy theo ông, quy chuẩn, tiêu chuẩn này cần phải sửa đổi, nâng lên thế nào để bắt kịp các nước?

- Đúng là trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa có phát triển hơi nóng, đó là một yếu tố chứ không thể đổ thừa cho công tác quản lý hết.

Thứ hai, chúng ta cũng chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ môi trường như lựa chọn công nghệ, lựa chọn ngành nghề lĩnh vực đầu tư cho phù hợp.

Thứ ba là quy trình quản lý xét duyệt, có những lúc những nơi giải quyết việc làm, tăng thu nhập còn công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ, dẫn đến một quá trình hiển nhiên tích tụ ô nhiễm lại.

* Mới đây Thủ tướng đã nêu rõ địa phương nào để xảy ra ô nhiễm môi trường thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiêm. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng Bộ TNMT cấp phép, rồi thẩm định đánh giá tác động môi trường nên khi sự cố xảy ra có chuyện đùn đẩy trách nhiệm. Trách nhiệm quản lý cần phải phân định rõ như thế nào, thưa ông?

- Luật bảo vệ môi trường đã phân định cấp nào làm gì, luật chính quyền địa phương cũng đã phân định rõ. Chúng ta làm theo luật chứ không phải trung ương cấp phép là trung ương phải quản lý hết. Trung ương cấp phép nhưng địa phương phải quản lý, đó là một tư duy mới.

Trung ương cấp phép nhưng trên địa bàn xã, xã là người đầu tiên phải ứng phó với sự cố, kể cả trong bão lụt cũng như trong sự cố môi trường. Không phải trung ương cấp phép thì trung ương phải giải quyết việc ở xã, ở phường và ở tỉnh.

Tất cả phải là một hệ thống quản lý thống nhất. Tôi cho rằng dù là trung ương cấp phép nhưng địa phương phải xử lý trên địa bàn của mình. Nếu sự cố thuộc hai huyện trở lên thì cấp tỉnh phải vào cuộc, từ hai tỉnh trở lên thì cấp trung ương phải vào cuộc.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm môi trường “bùng” ra sau thời kỳ tích tụ