Mấy năm nay, người Hà Nội trải qua từng đợt ô nhiễm một cách kiên nhẫn khi xếp hạng ô nhiễm không khí của thành phố không ít lần đã vươn lên vị trí số 1 toàn cầu.
"Lại một buổi sáng nâu và tím nữa rồi. Năm 2021 bắt đầu với những buổi sáng ô nhiễm không khí. Lại điệp khúc cũ thôi, mọi người nên chú ý cẩn thận tự bảo vệ mình" - dòng chia sẻ đầy ái ngại của Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam trên Facebook những ngày đầu năm về buổi sáng ô nhiễm ở Thủ đô.
Tím - "rất xấu", nâu - "nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe". Những ký hiệu đậm màu trên bản đồ chất lượng không khí không phải là cảnh báo mơ hồ, vì chỉ cần bước ra khỏi nhà là có cảm giác cay cay mắt.
Mấy năm nay, người Hà Nội trải qua từng đợt ô nhiễm một cách kiên nhẫn khi xếp hạng ô nhiễm không khí của thành phố không ít lần đã vươn lên vị trí số 1 toàn cầu. Và không riêng gì Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh dù khí hậu đỡ hơn với gió mạnh, nắng, nhưng qua đo đạc quan trắc cũng phát hiện một số nơi ô nhiễm.
Còn nhớ vào tháng 9.2019, khi không khí cũng ở mức báo động, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Hà Nội phải có giải pháp, không để ô nhiễm không khí gây bức xúc trong nhân dân. Phải di dời các nhà máy khỏi nội ô, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, kiểm soát xe cũ nát, phát triển cây xanh, đặt trạm quan trắc hợp lý...
Nhưng sau thông điệp quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, từ đó đến nay bản đồ chất lượng không khí vẫn kéo dài những đợt đỏ, tím, nâu...
Gần 5 năm trước, sau một loạt sự cố, đứng trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thốt lên: "Môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa". Nhưng rồi ô nhiễm vẫn gia tăng, môi trường đang phải chịu trên cả mức "không chịu đựng được nữa".
Có vị lãnh đạo ngành môi trường Hà Nội từng nói chất lượng không khí sẽ được cải thiện khi có mưa. Có vẻ đúng, nhưng để giải quyết ô nhiễm không thể chỉ ngồi chờ... ông trời. Phải hình thành được chuẩn mực mới lâu dài cho 50, 100 năm tới. Không để các phương tiện vận tải cá nhân phát triển lộn xộn, không thể cho xe cũ nát vô tư lao ra đường nhả khói. Không để các nhà đầu tư vẫn nhăm nhe tìm đất "vàng" trong trung tâm thành phố để xây thêm cao ốc.
Những dự án giao thông công cộng phải đặt ra thời hạn cuối cùng, nếu không làm được sẽ có người phải chịu trách nhiệm... Thực hiện được những quyết sách ấy, có thể sẽ động đến lợi ích. Nhưng Hà Nội không phải là nơi bằng mọi giá phải phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, mà trước hết phải trở thành thủ đô văn hóa, một nơi đáng sống. Nét văn hóa riêng có mới là điểm hấp dẫn, chứ không phải những công trình cao tầng chỉ để "nhồi" thêm người.
Tại Bangkok (Thái Lan), báo động ở mức tím đã đóng cửa trường học, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, còn ở ta dù tím hay nâu vẫn cứ im ắng đến lạ. Thậm chí người dân Hà Nội phải quen với việc cứ cuối năm, như một thông lệ, lại đào đường, xới vỉa hè...
Mới đây, thành phố có công văn hỏa tốc để cảnh báo và đưa ra giải pháp kiểm soát ô nhiễm, khói bụi, cơ bản trấn an được sự chờ đợi của đại bộ phận người dân. Nhưng cần thiết hơn là phải duy trì được tinh thần "sốt ruột" ấy và quyết liệt thực thi các chế tài.
Ngăn chặn ô nhiễm môi trường dù khó nhưng chắc chắn làm được với quyết tâm chính trị thông suốt, quy trách nhiệm rõ ràng. Chính quyền ý thức thì người dân sẽ có ý thức. Gốc vấn đề là ở đó.
NGỌC HÀ