Ở lớp học hạnh phúc

01/03/2020 20:05

“Lớp học Ong nhỏ” lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương của các giáo viên dành cho trẻ.


Các cô giáo ở "Lớp học Ong nhỏ" luôn kiên trì, dạy trẻ tiến bộ từng chút một

Giáo viên ở đây chưa một ngày được đứng trên bục giảng, cũng chưa từng mặc một bộ váy điệu đà lên lớp. Họ dành thời gian, tâm sức để hỗ trợ tối đa những học sinh đặc biệt với mong muốn các em có thể “hoà nhập”.

Dạy bằng cả trái tim

“Lớp học Ong nhỏ” ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương của các giáo viên dành cho trẻ. Lớp học do một nhóm giáo viên thành lập từ năm 2016 với mục đích chữa trị cho những trẻ tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ và những trẻ học tập khó khăn. Lớp học hiện có khoảng 10 trẻ, em lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất hơn 2 tuổi. Lớp có 6 phòng học cá nhân, 1 phòng vận động. 

Đối với những trẻ đặc biệt này phải có một chương trình giáo dục riêng, đòi hỏi giáo viên tâm huyết, đầu tư thời gian và công sức. Với họ, thành tích giảng dạy đôi khi là không em nào còn tự làm đau mình hay các em tự đi vệ sinh, không ném đồ đạc lung tung... Ở đây, các cô giáo luôn nhẫn nại, ân cần và tỉ mỉ để bình tĩnh xử lý các tình huống bất ngờ. Mỗi giờ can thiệp cá nhân hay can thiệp nhóm (thực hiện các biện pháp chữa trị cho trẻ), mỗi cô sẽ hỗ trợ một học sinh. Ngoài quan sát biểu hiện của trẻ, giáo viên còn phải kiên nhẫn chờ đợi, lắng nghe để hoà mình cùng chơi với các em, giúp trẻ tập trung chú ý, tạo nên sự tương tác giữa cô và trò.

Cô giáo Vũ Thị Thắm đã dạy ở "Lớp học Ong nhỏ" được gần 3 năm chia sẻ: “Tôi phụ trách mảng tiền tiểu học và tiểu học. Nhớ những ngày đầu dạy các em, tôi thấy khá vất vả. Nhiều em học lớp 2 rồi nhưng mới nói được từ đơn, khả năng nghe hiểu còn hạn chế. Có em thời gian đầu đến lớp cứ không vừa ý là đập đầu vào tường ăn vạ, có em còn chưa tự chủ đi vệ sinh, chưa biết đánh răng rửa mặt... nên phải dạy từng chút một để các em có kỹ năng tự phục vụ bản thân. Dạy trẻ đặc biệt nếu không đam mê, kiên trì và đủ yêu thương sẽ không làm được”.

Trẻ đến đây không chỉ ở TP Hải Dương mà còn các huyện, thậm chí ở một số tỉnh lân cận. Ngoài những giờ can thiệp ở đây, các em còn đi học hòa nhập tại các cơ sở mầm non hoặc tiểu học nên giáo viên còn phối hợp với các cô tại những lớp này để quá trình can thiệp đạt hiệu quả cao. Nhiều giáo viên cũng hỗ trợ, giúp đỡ một số em ở xa về TP Hải Dương chữa trị. Một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm học phí.

Nỗ lực để hòa nhập

Để hỗ trợ trẻ tối đa, lớp học hiện có 4 cô giáo và một số tình nguyện viên đã được tập huấn kỹ năng, chuyên môn can thiệp. 

Chị P.T.D. ở đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi rất mừng vì đã tìm được lớp học ưng ý cho con. Ở đây các cô đều quan tâm đến cháu. Cháu đã biết đọc, biết viết và làm toán. Tuy kết quả học tập của con không thể bằng các bạn ở lớp nhưng đó cũng là niềm vui lớn đối với gia đình tôi”.

Nhiều trẻ dù đã học đến hết kỳ 2 lớp 1 những vẫn chưa biết đọc, biết viết hay tính toán thì sau một thời gian can thiệp tại "Lớp học Ong nhỏ" đã tiến bộ rõ rệt. Học sinh được học theo giờ, thời gian can thiệp phụ thuộc vào mức độ của từng em. Những học sinh bị rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói lắp hay những em học tập khó khăn thì chỉ can thiệp vài tháng đã tiến bộ. Với những em mắc hội chứng tự kỷ ở mức độ nặng kèm theo rối loạn giác quan, chậm phát triển trí tuệ... thì quá trình can thiệp kéo dài nhiều năm. “Trước đây, vợ chồng tôi rơi vào tuyệt vọng, nghĩ con mình bị câm điếc bẩm sinh nhưng sau khi đi khám và can thiệp, giờ cháu đã nói được. Tháng 9 này, tôi có thể yên tâm cho cháu đi học lớp 1”, anh V.D.T. ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) có con 6 tuổi vui mừng nói.

Tiến sĩ tâm lý học Đồng Thị Yến, phụ trách chuyên môn "Lớp học Ong nhỏ" cho biết: “Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng tâm lý khác nhau của trẻ. Sự phát triển giao tiếp và tương tác xã hội bị ngưng trệ, kể cả những trẻ có trí tuệ phi ngôn ngữ bình thường thì những khó khăn này ngày càng trầm trọng thêm bởi cách ứng xử cứng nhắc”. Những hành vi cứng nhắc và lặp đi lặp lại cản trở đến việc học tập và giao tiếp của trẻ. Cha mẹ, người thân trong gia đình có thể giúp trẻ học các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ tốt hơn bằng các kỹ thuật dạy đặc biệt. 


MINH NGUYỆT


(0) Bình luận
Ở lớp học hạnh phúc