Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chuyển từ chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ sang nuôi tập trung với số lượng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại chăn nuôi trâu bò thịt của gia đình ông Nguyễn Khắc Phương mang lại giá trị kinh tế cao, an toàn hơn so với nuôi lợn
Những năm gần đây, số lượng đàn trâu bò trong tỉnh liên tục tăng. Các hộ chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung với số lượng lớn. Đây là hướng phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.
Hiệu quả kinh tế
Gắn bó với nghề nuôi bò nhiều năm nên anh Nguyễn Huy Công ở thôn Ấp Kinh Dương, xã Thái Dương (Bình Giang) nhận thấy rõ lợi thế của loại đại gia súc này. Những năm trước, trang trại chỉ nuôi nhỏ lẻ khoảng 20 cặp bò sinh sản. Thời gian sau, số lượng bò tăng lên nhanh chóng. Trang trại của gia đình anh Công đang nuôi 200 con bò sinh sản trên tổng diện tích hơn 1 mẫu. Ngoài diện tích nuôi nhốt, anh Công còn thuê gần 10 mẫu đất để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Đây là trang trại chăn nuôi bò sinh sản có quy mô lớn nhất tỉnh. Mỗi tháng, anh bán hơn 50 bê con, thu lãi hàng chục triệu đồng. Ngoài bê giống, trang trại còn cung cấp khoảng 30 tấn bò thịt/năm. Anh Công cho biết: "Khác với các loại gia súc khác, chăn nuôi bò an toàn, ít dịch bệnh. Các giống bò trang trại đang nuôi đều là bò ngoại có sản lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn cho người nuôi".
Sau khi nuôi lợn bị thua lỗ, năm 2019 ông Nguyễn Khắc Phương ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) chuyển hẳn sang nuôi trâu bò lấy thịt. Dãy chuồng lợn trước kia được cải tạo thành nơi nuôi nhốt trâu bò. Từ chăn thả nhỏ lẻ, ông thu mua trâu bò từ các địa phương khác về vỗ béo. Với diện tích chuồng nuôi gần 500 m2, trang trại thường xuyên duy trì 30 con trâu bò thịt. Tận dụng diện tích đất ngoài bãi sông làm nơi trồng cỏ, cộng với chăn nuôi đúng cách, nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng nên đàn trâu bò của gia đình ông Phương phát triển tốt, ít dịch bệnh. Sau khoảng 3 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con trâu bò cho thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng.
Xã Nam Hưng có truyền thống chăn nuôi trâu bò. Trước đây, các hộ thường tận dụng triền đê làm nơi chăn thả và nuôi nhốt trâu bò. Những năm gần đây thay vì chăn thả, người dân chuyển sang hình thức nuôi nhốt do hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ nuôi hơn 1.000 con trâu bò thịt. Mỗi năm, nghề nuôi trâu bò đã mang lại doanh thu gần 200 tỷ đồng cho địa phương này.
Đàn trâu bò tăng
Hiện nay, nuôi lợn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, giá cả thất thường. Đặc biệt là sau đợt dịch tả lợn châu Phi, số lượng đàn lợn giảm mạnh. Để bù đắp sản lượng thịt lợn bị thiếu hụt, tỉnh có chủ trương khuyến khích đa dạng hóa các loại vật nuôi, trong đó có phát triển mạnh đàn trâu bò. Đây chính là nguyên nhân khiến tổng đàn trâu bò trong tỉnh tăng mạnh. Theo số liệu của Cục Thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 24.000 con trâu bò, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hộ chăn nuôi trâu bò thịt tập trung theo hình thức bán công nghiệp thay vì chăn thả nhỏ lẻ như trước.
Ngành chăn nuôi đang có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu vật nuôi do tác động của nhiều yếu tố như nhu cầu về thực phẩm của người tiêu dùng, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... Hải Dương không có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc bởi diện tích đất eo hẹp. Tuy nhiên, hằng năm số lượng đàn trâu bò đều tăng và đem lại hiệu quả kinh tế. Có được kết quả đó là nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi cũng được nâng lên, phát huy tiềm năng, điều kiện của từng vùng để phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Khi nuôi lợn đang gặp khủng hoảng về giá cả và dịch bệnh thì chăn nuôi đại gia súc là hướng đi đúng đắn. Để chăn nuôi trâu bò hiệu quả hơn nữa, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về con giống, mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, xử lý môi trường, xây dựng chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Khuyến khích các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất. Đặc biệt là cần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương, tạo chuỗi sản phẩm sạch từ nguyên liệu đầu vào, chăn nuôi, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
TRẦN HIỀN