Mô hình nuôi thỏ New Zealand được thực hiện tại TP Hải Dương, Chí Linh và các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, Nam Sách của tỉnh Hải Dương.
Mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Cẩm ở Đại Sơn (Tứ Kỳ) cho hiệu quả kinh tế cao
Sau hơn 1 năm triển khai Dự án “Nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi thỏ New Zealand theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hải Dương”, Trung tâm Khuyến nông, đơn vị chủ trì dự án đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả của mô hình.
Đàn thỏ sinh sản có quy mô 3.600 con thỏ bố mẹ, được nuôi theo phương thức bán công nghiệp. Tất cả đàn thỏ bố mẹ đều được tiêm phòng vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết truyền nhiễm nên bảo đảm sức khỏe. Qua theo dõi, với mô hình thỏ sinh sản, tỷ lệ thụ thai thỏ bố mẹ trung bình đạt 98%, mỗi lứa được 6 thỏ con, bảo đảm đủ số lượng thỏ chọn xây dựng mô hình thỏ thương phẩm. Khối lượng thỏ sơ sinh đạt 0,025 kg/con, tỷ lệ sống đạt từ 95 – 98%. Ở thời điểm xuất bán với giá 100.000 đồng/kg, mỗi lứa thỏ sinh sản cho thu lãi từ 10 – 13 triệu đồng/100 con thỏ.
Ở mô hình nuôi thỏ thương phẩm New Zealand, năm 2022, Ban chủ nhiệm đề tài đã chọn 5.000 con thỏ con và năm 2023 tăng lên 15.000 con được chọn lựa từ 3.600 con thỏ bố mẹ. Toàn bộ đàn thỏ thương phẩm được nuôi theo hình thức công nghiệp hoàn toàn. Qua theo dõi, tỷ lệ sống trung bình của toàn đàn đạt 97%. Thỏ tăng 0,16 kg/tuần và sau 4 tháng tuổi đạt trọng lượng 2,6 kg/con. Với giá 90.000 đồng/kg, trung bình 100 con thỏ người nuôi lãi từ 6,2 – 6,3 triệu đồng.
Ban Chủ nhiệm dự án khẳng định nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ trên thị trường rất lớn nên các trang trại, gia trại nuôi thỏ có cơ hội mở rộng quy mô nuôi trong những năm tới. Chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp cần quan tâm hơn nữa để phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi thỏ sinh sản, thỏ thương phẩm thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn giống vật nuôi mới, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân.
PV