Nuôi tới chục nghìn con gắn hổ mang, anh nông dân ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Với nhiều người, rắn hổ mang là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Thế nhưng, với anh nông dân Phan Thanh Bình (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đây là loài vật giúp anh thu tiền tỷ mỗi năm.
Để bắt rắn hổ mang, anh Bình cũng dùng tay và cây gậy sắt có móc mà không cần bất cứ món đồ bảo hộ nào.
Anh Bình cho biết, anh đến với nghề nuôi rắn hổ mang cách đây khoảng 5 năm. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lượng rắn chết, hao hụt rất nhiều.
“Những năm đầu rắn chết và hao hụt rất nhiều do mình không biết cách xử lý chuồng trại, thức ăn. Năm đầu thả nuôi 70 con giống. Không biết kỹ thuật nhiều nên rắn chết 50 đến 60%", anh Bình nhớ lại.
Sau đó, bằng kinh nghiệm tích lũy cộng thêm việc tìm tòi, học hỏi trên các trang mạng, anh Bình xây dựng chuồng nuôi hợp lý và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi rắn sinh trưởng nhanh, ít bệnh.
Cũng theo anh Bình, khi nắm đúng kỹ thuật thì việc nuôi, nhân giống loài rắn độc này rất dễ dàng thậm chí có thể nói nghề nuôi rắn hổ mang rất nhàn hạ.
“Khoảng 5 ngày thì mới cho rắn ăn 1 lần. Thức ăn chủ yếu là là vịt con làm sạch lông. Rắn lớn thì cho ăn nguyên con còn rắn con thì cắt vịt nhỏ ra để cho ăn”, anh Bình nói.
Bình quân, mỗi con rắn hổ mang cái đẻ từ 20 - 30 trứng/năm, tỷ lệ trứng nở đạt từ 97%-98%.
Sau 2 tháng nuôi kể từ khi trứng nở, anh Bình sẽ xuất bán rắn hổ mang giống với giá khoảng 150.000 đồng/con.
Rắn thương phẩm (rắn thịt), anh Bình nuôi trong khoảng 15-17 tháng. Lúc này trọng lượng rắn có thể đạt từ 3kg đến 4kg với giá 650.000 - 750.000 đồng/kg.
Hiện, anh Bình có tổng cộng hơn 2.000 con rắn hổ mang bố mẹ. Gần 20.000 rắn giống và rắn thương phẩm. Anh Bình ước tính, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm anh lãi trên 1 tỷ đồng.
Theo VTC