Chăn nuôi ngựa bạch đang từng bước khẳng định là hướng đi đúng giúp bà con xã Nam Hưng phát triển kinh tế và làm giàu.
Gia đình ông Nguyễn Đăng Vụ hiện có 10 con ngựa cái và 1 con ngựa đực sinh sản
Xã Nam Hưng (Nam Sách) vốn có truyền thống chăn nuôi đại gia súc. Nhiều năm nay, ngoài trâu bò, người dân đã mạnh dạn đưa thêm ngựa bạch vào nuôi. Đây là mô hình sản xuất mới đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Về xã Nam Hưng, chúng tôi khá bất ngờ khi trên bãi và đê sông Kinh Thầy thuộc địa phương, những đàn ngựa bạch thong dong gặm cỏ. Nhìn đàn ngựa bạch ngày một đông đúc, con nào con nấy khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ông Nguyễn Đăng Vụ (60 tuổi) vô cùng phấn khởi bởi quyết định chuyển hướng sản xuất của mình đã mang lại hiệu quả hơn mong đợi. Ông Vụ là người đầu tiên trong xã đưa ngựa bạch về nuôi.
Theo lời ông Vụ, trước năm 2013, ông đã có gần 30 năm làm nghề chăn nuôi trâu bò thương phẩm. Nhưng trước tình hình dịch bệnh ở trâu bò gia tăng và người dân ở nhiều nơi chăn thả nên hiệu quả kinh tế không còn như xưa. Nhân một lần đến các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn chơi, thấy ở đây nuôi ngựa bạch mang lại hiệu quả kinh tế nên ông đã tìm hiểu và mạnh dạn nuôi thử. Năm ấy, ông Vụ mua 3 con ngựa bạch đực về nuôi thương phẩm. Đến năm 2015, ông bán mỗi con được từ 63 - 70 triệu đồng. Thấy hiệu quả rõ rệt, từ việc chỉ nuôi ngựa thịt ông kết hợp cả nuôi ngựa sinh sản. Ông đã mua 4 con ngựa cái và 1 con ngựa đực nuôi để nhân giống. Đến nay, nhà ông nuôi 10 con ngựa cái và 1 con ngựa đực sinh sản. Mỗi năm ngoài giữ 2 - 3 con để nuôi thương phẩm, ông bán từ 6 - 8 con giống cho người chăn nuôi trong xã và ở tỉnh Bắc Ninh.
Từ mô hình chăn nuôi có hiệu quả của ông Vụ, nhiều người dân địa phương cũng mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi lợn, gà sang nuôi ngựa bạch, nhất là sau khi bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi. Những năm trước đây, nguồn thu của gia đình ông Nguyễn Khắc Hậu phụ thuộc chủ yếu vào nuôi lợn. Mỗi năm, gia đình ông nuôi từ 60 - 70 con lợn thịt. Năm trước gia đình ông phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nên ông đã quyết định chuyển hướng chăn nuôi đại gia súc. Hiện ông Hậu nuôi gần 20 con ngựa bạch và trâu bò.
Ông Mạc Văn Tịch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hưng cho biết hiện toàn xã có 10 hộ nuôi ngựa bạch với gần 100 con. Gia đình ít nuôi từ 4 - 5 con, hộ nhiều hơn 10 con. Thời gian qua, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi đại gia súc như bố trí bãi chăn thả rộng gần 3 ha, quy hoạch khu vực xây dựng chuồng trại cách xa khu dân cư rộng gần 20 ha cho các hộ ở khu vực gần đê. Hội cũng tạo điều kiện để các hộ tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi. Các hộ nuôi ngựa bạch ở địa phương giúp đỡ nhau nhiệt tình, nhất là đối với những hộ mới nuôi hay có quy mô nhỏ.
Theo nhiều người dân nuôi ngựa bạch, hiện nay nhu cầu về ngựa giống và ngựa thịt của thị trường cao, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề. Ngựa bạch ngoài cung cấp thịt thì một số bộ phận như xương, phổi có thể dùng làm thuốc nên có giá trị kinh tế cao. Do đó, ngựa giống, ngựa thương phẩm bán được giá hơn so với trâu bò. Hiện nay, người chăn nuôi bán ngựa bạch giống từ 4 - 5 tháng tuổi với giá 26 triệu đồng/con đực, từ 30 - 35 triệu đồng/con cái (trong khi bê chỉ 15 triệu đồng/con), ngựa thương phẩm từ 65 - 70 triệu đồng/con (trong khi trâu chỉ bán được 50 - 60 triệu đồng/con). So với giống ngựa bình thường thì ngựa bạch thương phẩm thường bán được giá cao gấp đôi.
Người chăn nuôi ngựa bạch còn có lợi thế do ngựa bạch không kỹ tính trong việc tìm thức ăn. Chúng có thể ăn bất kỳ loại cỏ hay rau củ quả nào. Yên tâm nhất là ngựa bạch có sức đề kháng rất tốt. Từ khi nuôi đến nay, người dân chưa thấy ngựa bị các bệnh như trâu bò thường gặp, thích nghi tốt với môi trường, khí hậu của địa phương. Do chi phí thức ăn hầu như không đáng kể nên trừ tiền giống, mỗi con ngựa thương phẩm, người dân thu lãi từ 35 - 40 triệu đồng. Người dân mua ngựa giống từ 4 - 5 tháng chỉ nuôi sau hơn 1 năm sẽ sinh sản, còn ngựa thịt thì sau hơn 2 năm sẽ bán được.
Chăn nuôi ngựa bạch đang từng bước khẳng định là hướng đi đúng giúp bà con xã Nam Hưng phát triển kinh tế và làm giàu. Nhưng để mở rộng quy mô sản xuất, người dân còn gặp khó khăn trong tìm nguồn vốn vì kinh phí đầu tư ban đầu lớn. Ngựa bạch cũng là giống hiếm nên việc tìm nguồn giống gặp khó khăn, việc nhân giống tại chỗ cũng không đơn giản. Thời gian tới, người dân rất cần sự giúp đỡ của cơ quan chức năng trong việc định hướng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nhân giống loại vật nuôi này để việc chăn nuôi ngày một phát triển, hiệu quả hơn.
DANH TRUNG