Trong khi các loại gà khác thừa ế, giá cả lên xuống thất thường thì gà tây của anh Lê Hùng Hải luôn hút hàng, cung không đủ cầu, cho lợi nhuận cao.
Người đầu tiên mở trang trại gà tây ở Tây Nguyên
Hơn 20 năm trước, gia đình anh Lê Hùng Hải rời quê Hậu Giang lên TP Đà Lạt kiếm sống. Gom góp toàn bộ gia sản cũng chỉ mua được vài sào đất ruộng trong hẻm sâu đường Phạm Hồng Thái. Dựng căn nhà bằng gỗ tạm bợ làm nơi trú mưa, tránh nắng, bắt đầu những ngày tháng tất bật mưu sinh. Trồng xà lách xoong mang ra chợ bán, chẳng lãi là bao, anh Hải còn làm nghề xe ôm.
Anh Hải lùa gà tây ra vườn (ảnh lớn) Gà trống xòe đuôi ve vãn gà mái
Một lần về thăm quê, thấy gà tây to lớn, lạ mắt, anh liền mua 3 con mang về khu vườn nuôi làm cảnh. Ban ngày nhặt rau, cỏ ngoài vườn, tối đến chỉ cần ăn thêm một ít cám, lúa, ngũ cốc, gà lớn rất nhanh. Thấy chúng thích hợp với khí hậu mát mẻ, anh quyết định gây đàn lên 70 rồi 100 con.
Gà tăng đàn rất nhanh, nhưng người dân nơi đây chưa biết đến loại thịt gia cầm này. Anh Hải học hỏi cách chế biến gà tây từ một số đầu bếp và trên sách báo, tạp chí để chiêu đãi người quen rồi mang đến các nhà hàng, quán ăn để tiếp thị. Gà của anh được nuôi theo phương thức thả vườn: 70% lượng thức ăn là rau, cỏ có sẵn trên ruộng, 30% còn lại là cám, ngô, lúa nên thịt săn chắc, thơm ngon hơn nhiều nơi khác, do đó khách nước ngoài rất ưa chuộng. Dần dà khách trong nước cũng thường xuyên đặt món gà tây trong dịp Noel, Tết Nguyên đán, lễ Tạ ơn bởi chất lượng thịt ngon, tỷ lệ protein cao, tỷ lệ mỡ rất thấp. Một số nhà hàng lớn tại Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh đã đưa gà tây vào thực đơn hằng ngày cho khách lựa chọn…
“Gà tây kềnh càng, nặng nề nên rất vụng về trong việc ấp trứng khiến số lượng gà con được ấp nở không cao. Gà tây nuôi con cũng không tốt như gà ta. Khi dẫn đàn đi kiếm ăn, nhiều lúc giẫm chết con, không biết cách phát tiếng kêu gọi các con đến nơi có nhiều thức ăn. Gặp trời mưa, ít khi giang đôi cánh thật rộng để che cho con khỏi ướt… Bởi thế, tôi quyết định sáng chế ra máy ấp trứng bằng điện thay cho gà mẹ”, anh Hải cho biết.
Anh dùng nhiệt kế đo biên độ thay đổi từng phút của ổ trứng suốt thời gian từ khi gà mẹ bắt đầu ấp đến lúc gà con mổ tách vỏ làm đôi để ra ngoài. Sau đó anh sáng chế máy ấp trứng bằng cách lắp ráp đoạn dây dẫn đốt nóng với công tắc tự động điều chỉnh theo biên độ nhiệt mà anh đo được từ ổ trứng gà ấp. Đưa máy vào ấp mẻ đầu tiên với 100 trứng trong gần một tháng nhưng tỷ lệ nở gà con chưa tới 80%.
Tiếp tục theo dõi anh phát hiện tập tính giải nhiệt trứng ấp của gà: nửa tháng đầu, cách 3 - 4 ngày là gà rời khỏi ổ khoảng 10 - 15 phút; nửa tháng sau, mỗi ngày gà rời khỏi ổ một lần cũng với thời gian hơn 10 phút. Anh liền gắn thêm hai chiếc quạt gió thổi hơi nước để giải nhiệt. Chiếc lò ấp trứng dần hoàn thiện với công suất 500 trứng/28 ngày, đạt tỷ lệ gà nở 95% trở lên.
Nếu so với công suất ấp chưa tới 20 quả của một con gà với tỷ lệ ấp nở 65 - 70% thì chiếc máy này hiệu quả gấp nhiều lần. Đó là chưa kể nếu không phải ấp trứng thì số lần đẻ trong năm của gà mái tăng lên. Nhiều người tìm đến đặt mua loại lò ấp trứng này với giá từ 3 - 5 triệu đồng/chiếc.
Gần một tháng tuổi gà tây được bán làm con giống hoặc nuôi đại trà lấy thịt. Ngoài 2 tháng tuổi, gà sẽ lớn rất nhanh, hầu như không bị dịch bệnh. Sau 5 tháng, gà trống có trọng lượng từ 6 - 7kg; gà mái khoảng 4kg, có thể xuất chuồng với giá trên dưới 200 ngàn đồng/kg. Khoảng 7 tháng tuổi, gà mái bắt đầu đẻ trứng (mỗi lứa một con gà đẻ từ 20 - 40 quả trứng) và ấp nở thành gà con được bán rất chạy.
Thấy nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực khách, anh Hải cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi gà tây cho 15 cơ sở vệ tinh rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm của họ; đồng thời xúc tiến lập 3 trang trại gà tây tại một số huyện của Lâm Đồng và Đồng Nai.
Hiện anh Hải có hàng ngàn con gà thịt, gà giống, gà con; đồng thời còn nuôi chim công, gà rừng, trĩ đỏ, trĩ 7 màu quý hiếm; trị giá đất đai và các tài sản khác lên đến vài tỷ đồng. Nguồn thu của gia đình anh từ trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán… lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo Tiền phong