Ta nuôi từ ít rồi lên nhiều. Chuồng trại thì không tốn. Còn rất nhiều vùng có thể đưa cừu vào chăn thả. Hãy thử một phen!
Tôi lên thăm Trung tâm Nghiên cứu dê - thỏ ở Ba Vì, Hà Nội và ngạc nhiên khi thấy ở đây họ còn nuôi cả cừu. Đàn cừu phát triển bình thường và còn tỏ ra thích ứng với khí hậu nơi đây...
Cừu là loài vật nuôi không có nguồn gốc từ Việt Nam. Ngày xưa - thời Pháp thuộc, các giáo sĩ đi truyền đạo đã đưa các chú cừu từ Ấn Độ và Pakistan vào Ninh Thuận để nuôi. Nó thích ứng dần rồi trở thành loài vật nuôi riêng cho vùng đó. Vì vậy, người ta gọi chúng là cừu Phan Rang. Bọn này chịu được điều kiện khô, nóng khốc liệt ở đây. Nó hơn hẳn cả dê và bò.
Năm 1906, người Pháp còn nhập các giống cừu của Malasca, của Pháp và của Trung Quốc và nuôi thử nghiệm ở Suối Dầu (tại cơ sở thực nghiệm của Viện Pasuter Nha Trang). Các loài này cũng được thuần hóa dần và đều là những giống chịu được nóng.
Vào những năm 1960-1970, ở phía Bắc cùng nhập ồ ạt hàng loạt cừu của Mông Cổ và Trung Quốc để nuôi thử nghiệm ở Mộc Châu và Cao Bằng. Kết quả thất bại, không còn một con nào. Người ta cho rằng, khí hậu ẩm của miền Bắc không thích ứng với việc nuôi cừu.
Tôi vào Ninh Thuận, đây đúng là xứ cừu. Đâu cũng có cừu. Con cừu có một đặc tính hơn hẳn các loài khác, đó là sự chịu khó. Giữa cái nắng như đổ lửa, các loài khác đều tìm chỗ có bóng mát để trú thì đàn cừu vẫn tha thẩn trên đồng, trên những gò cát trơ trụi, nóng bỏng. Chúng cần mẫn gặm từng ngọn cỏ mới lún phún nhô lên. Vào mùa khô, khi không còn một loại cỏ nào có thể nhú lên được, cừu đành phải nhai cả các lá xương rồng to bằng bàn tay và chi chít gai. Khả năng này, muôn loài phải kính phục cừu!
Nhiều gia đình ở đây nuôi tới hàng trăm con cừu. Có nhà nuôi tới cả nghìn con. Cừu dễ nuôi, chuồng rại lại đơn giản nên bà con phát triển mạnh. Cừu đực trưởng thành cũng phải đạt 39-45kg, còn cừu cái cũng đạt 34-38kg. Cừu đẻ khoảng 1 lứa rưỡi/năm. Mỗi lứa cho ra 1-2 con. Vì vậy, chúng tăng đàn cũng nhanh.
Đặc biệt, thịt cừu có hương vị rất đặc sắc. Có người không quen nhưng nhiều người lại “nghiện” thịt cừu. Khách châu Âu, khách Ả Rập sang Việt Nam mà được đĩa thịt cừu thì khác gì quân Việt Nam ta sang Paris được một bữa thịt chó! Cừu có thể chế biến ra nhiều món như: Nướng, luộc, xào, xông khói, làm chả, nấu cari hoặc nấu lẩu. Vì vậy, tại sao ta không phát triển đàn cừu.
Để nuôi cừu, trước hết phải đọc sách. Chúng tôi đã viết cuốn “Kỹ thuật chăn nuôi cừu” do NXB Nông nghiệp phát hành. Sau đó, nên đi thăm: Miền Nam ra Phan Rang, miền Bắc lên Ba Vì. Đầu tư lớn nhất có lẽ là giống.
Phải thực hiện phương châm: “Tốt nái thì tốt ổ, nhưng tốt đực thì tốt cả đàn”. Do đó, khi chọn cừu giống, cần hết sức lưu ý tới việc lựa chọn cừu đực. Ta nuôi từ ít rồi lên nhiều. Chuồng trại thì không tốn mấy. Còn rất nhiều vùng có thể đưa cừu vào chăn thả. Hãy thử một phen!
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng