Nuôi cháu ngoại

30/04/2023 20:32

Dù cái Trâm là cháu ngoại nhưng bà Xuân thương yêu và chăm chút con bé rất chu đáo. Bà luôn nghĩ nó thiệt thòi vì phải xa bố mẹ từ nhỏ nên có gì bà cũng chắt chiu cho con bé.



Mấy hôm nay, bà Xuân thấy cái Trâm cứ khang khác. Nó có vẻ không được vui, ăn uống thì thất thường. Không biết có phải ở trường, ở lớp có chuyện gì nên nó mới biểu hiện như vậy? Bà dò hỏi thì nó chỉ lắc đầu: “Con vẫn bình thường, kết quả học tập của con vẫn tốt”. Nhưng bà nuôi nó từ bé, chăm nó từ lúc nó chập chững tập đi, rồi tập nói, hiểu từng sở thích và tính nết của nó nên bà vẫn băn khoăn không biết con bé có chuyện gì. Nó mới bước vào tuổi dậy thì nên nhạy cảm, dễ vui, dễ buồn.

Dù cái Trâm là cháu ngoại nhưng bà Xuân thương yêu và chăm chút con bé rất chu đáo. Bà luôn nghĩ nó thiệt thòi vì phải xa bố mẹ từ nhỏ nên có gì bà cũng chắt chiu cho con bé. Bà nghĩ trong ký ức tuổi thơ của nó, có lẽ bóng dáng cha mẹ rất mờ nhạt vì con gái bà sinh cái Trâm được gần một năm là quyết định cai sữa để hai vợ chồng sang Nhật Bản làm ăn, gửi con bé cho ông bà nuôi nấng giúp. Vì ông bà nội già yếu nên bà Xuân và chồng vui vẻ nhận lời nuôi cháu ngoại, mặc cho hàng xóm cứ trêu đùa, khích bác: “Ôi dào! Bà nuôi cháu ngoại ăn hại cơm bà”. Bà Xuân bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu vì bà nghĩ con nào chẳng là con, cháu nào chẳng là cháu yêu. Bà cũng thông cảm với con gái, con rể bởi kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh, vì muốn đổi đời mà các con phải đi làm ăn ở xứ người. 

Lúc nhỏ, cái Trâm không nhận ra sự thiếu vắng của bố mẹ. Nó lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà ngoại. Cho đến một hôm đi học về, nó chạy vào bếp thủ thỉ hỏi bà, giọng phụng phịu: “Bao giờ bố mẹ con mới về với con hả ngoại?”. Bà Xuân sững lại trước câu hỏi của cháu rồi ôm nó vào lòng. Bà nghĩ một lát rồi dỗ dành: “Con phải ngoan, phải chịu khó học giỏi thì đến Tết bố mẹ con sẽ về”. Nhưng bao cái Tết đã trôi qua, bố mẹ nó vẫn không về hẳn. Tết nào về nước ăn Tết được thì bố mẹ cũng chỉ ở cùng nó khoảng chục ngày là đưa em trai nó bay sang Nhật. Nó cũng không tự nhiên sà vào lòng bố, lòng mẹ mà nó chỉ thích ôm lưng bà ngoại để tâm sự. Khi bố mẹ đi, nó lại lủi thủi, không có chị em chơi cùng. Bà Xuân thương cháu, giục nó sang chơi với cái Na, cái Hà, cái Thủy bên hàng xóm thì nó không chịu. Nó nói giọng ghen tị: “Các bạn ấy ngày nào cũng được bố mẹ đưa đón đi học, cuối tuần thì được đi chơi công viên. Con ứ chơi với các bạn ấy đâu. Con chẳng giống các bạn gì cả”. Bà Xuân dỗ thế nào cũng không được. Cái Trâm càng thu mình nhiều hơn. Nó chỉ thích chơi với con mèo mướp và coi mấy quyển sách là bạn. Nó rất thích đọc sách nên bà Xuân thường nhờ cô giáo mua hộ sách. Ông bà còn đóng cho nó một tủ đựng sách thật to để mỗi khi có tiền thưởng, tiền mừng tuổi là nó lại mua sách.

Mặc dù được ông bà chăm chút, yêu thương nhưng bà Xuân hiểu được trong lòng cháu gái vẫn có khoảng trống vô hình, khó lấy gì bù đắp được. Hôm trước con gái gọi điện về cho bà nói rằng sẽ về nước hẳn. Bà mừng lắm vì bao năm các con lăn lộn ở xứ người, giờ đã có chút vốn liếng, về xây nhà, kinh doanh, gần gũi cái Trâm cho nó đỡ tủi thân. 

Thế mà khi bố mẹ cái Trâm trở về, quyết định xây nhà mới ba tầng khang trang, tiện nghi ở trên phố, mỗi người một phòng riêng thì nó bỗng hoang mang, lo lắng. Nó chỉ sợ xa ông bà ngoại nên mấy ngày nay nó ăn uống không ngon, giấc ngủ cũng chập chờn. Hỏi thì cái Trâm không nói lý do nên bà Xuân gặng hỏi con gái thì được biết vợ chồng con gái muốn đón cái Trâm về ở cùng. Bà cứ nghĩ con bé sẽ mừng lắm, sẽ chọn về ở với bố mẹ nhưng hóa ra không phải. Nó vẫn chọn ở với ông bà ngoại. Nó lo ông bà già có lúc ốm lúc đau...

Không ngờ con bé biết suy nghĩ và hiếu thảo như vậy khiến bà Xuân xúc động. Bà dỗ dành nó về ở cùng bố mẹ nhưng nó không chịu. Nó bảo: “Con ngủ với ngoại quen hơi rồi ạ! Con không xa ngoại đâu”. Được bố mẹ mua cho rất nhiều quần áo, giày dép đẹp nhưng nó vẫn không vui. Mỗi lần rẽ về nhà, nó thường bắt gặp cảnh bố mẹ tíu tít nhập hàng, xuất hàng. 

Đợt này bố nó mở thêm cửa hàng kinh doanh đồ điện tử thì mẹ nó thành bà chủ, chỉ mải mê kiếm tiền nên cũng không mấy quan tâm đến nó. Mẹ muốn nó về nhà phụ mẹ trông coi cửa hàng nên nó càng lo lắng. Khi biết chuyện, bà Xuân hứa sẽ thuyết phục bố mẹ cho nó ở cùng ông bà đến khi nó đỗ đại học. Bà biết cái nó cần không phải là vật chất mà là tình cảm yêu thương, sự quan tâm của người thân.

TRẦN THỊ LÀNH 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi cháu ngoại