Nuôi cá tra trên đất Hải Dương

18/10/2020 06:50

HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt là cơ sở đầu tiên ở miền Bắc nhân giống được cá tra và nuôi thương phẩm, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.


Mỗi năm HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt cung cấp ra thị trường từ 800 - 1.500 tấn cá tra

Từ loại cá đặc sản của miền Nam, cá tra đã được anh Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) mang về nuôi và nhân giống thành công.

Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, loại cá này đã mang lại giá trị kinh tế cao và có tiềm năng lớn để phát triển trong tỉnh.

"Ngược dòng" ra Bắc

Trước đây, người tiêu dùng vẫn quen với sản phẩm cá tra đông lạnh được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị thì nay cá tra tươi sống đã có mặt tại thị trường trong tỉnh. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm nhưng loại cá này hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển. Người có công mang cá tra "ngược dòng" ra Bắc là anh Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt. Đây cũng là cơ sở đầu tiên ở miền Bắc nhân giống được cá tra và nuôi thương phẩm.

Trước khi lập nghiệp ở quê hương, anh Việt từng làm việc cho doanh nghiệp lớn về xuất khẩu cá tra ở miền Nam. Nhận thấy đặc tính của cá tra là dễ nuôi và giàu dinh dưỡng, anh Việt quyết tâm đưa giống cá này về nuôi trên đất Bắc. Năm 2015, anh đặt mua số lượng lớn cá tra giống từ miền Nam ra để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển xa nên cá hao hụt nhiều. Số cá còn lại sau khi thả nuôi cũng bị chết hết do không phù hợp với khí hậu ở miền Bắc. Không từ bỏ, năm 2017, anh tiếp tục đưa cá tra bố mẹ từ Nam ra Bắc để thuần hóa bằng cách cho cá dần thích nghi với nhiệt độ miền Bắc. Cá bố mẹ được đưa vào bể nuôi có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ từ 10 - 30 độ C. Từ 1.000 cặp cá bố mẹ ban đầu đến nay anh Việt giữ được khoảng 300 cặp. Sau khi thuần hóa thành công, cuối năm 2018, HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt bắt đầu triển khai nuôi cá tra thương phẩm.

Ở các tỉnh phía Nam, cá tra phát triển tốt là nhờ nguồn nước thuận lợi, nhiệt độ ổn định, không giá lạnh như ở miền Bắc. Khó khăn nhất khi nuôi cá tra là nhiệt độ lạnh vào mùa đông. Sau 2 năm thử nghiệm, anh Việt nhận thấy cá tra hoàn toàn có thể nuôi được ở đây nếu biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho cá làm quen với môi trường trước khi thả. Cá tra sau khi được thuần hóa có thể chịu được nhiệt độ thấp từ 10 độ C. Một vụ cá mới thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, cá khi xuất bán trọng lượng đạt từ 1,2 - 1,5 kg/con. Ngoài nhiệt độ, cá tra đòi hỏi môi trường nước sạch, không có mùi, khoáng chất gây hại. Do vậy, cá tra được nuôi trong mô hình "sông trong ao". Mô hình này giúp loại bỏ hoàn toàn các chất thải, thức ăn dư thừa, bảo đảm môi trường nước cho cá sinh trưởng và phát triển.


HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt là đơn vị đầu tiên thuần hóa và nuôi cá tra thương phẩm ở miền Bắc

Tiềm năng phát triển

Thông thường cá tra được nuôi với mật độ lớn nên năng suất đạt tới 500 tấn/ha. Tuy nhiên, do mới trong giai đoạn thử nghiệm HTX chỉ nuôi với mật độ thưa nên năng suất thấp. Kỹ thuật nuôi cá tra cũng đơn giản như các loại cá nước ngọt khác như rô phi, điêu hồng... Tỷ lệ hao hụt chỉ chiếm khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với các loại cá truyền thống. Trong khi đó, chi phí nuôi thấp chỉ khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg cá. Một "sông trong ao" rộng 100 m2 tương đương với 2ha ao nuôi, có thể cho năng suất 40 - 50 tấn cá tra. Với giá bán từ 27.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, HTX thu lãi 200 triệu đồng/ao nuôi. Ngoài 1 mô hình "sông trong ao" nuôi cá tra trong tỉnh, HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt còn có 1 mô hình nuôi cá tra rộng 3 ha ở Hải Phòng cũng đang cho hiệu quả kinh tế.

Cá tra bắt đầu cho thu hoạch từ cuối năm 2018. Đến nay, HTX đã thu 2 vụ cá tra, mỗi vụ đưa ra thị trường từ 700 - 800 tấn cá. Do người dân vẫn chưa có thói quen ăn cá tra nên tiêu thụ chậm, thị trường chính của HTX vẫn là các bếp ăn tập thể, nhà hàng và các chợ dân sinh. Mặc dù lượng khách chưa nhiều nhưng hầu hết khách hàng khi ăn cá tra đều có phản hồi tốt như thịt mềm, thơm ngon, không có xương và phù hợp với nhiều đối tượng. Về mặt dinh dưỡng, cá tra có hàm lượng đạm, Omega 3 tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, giá cá tra so với các loại thịt, cá khác thì rẻ hơn. Do vậy, khi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng thay đổi thì cá tra hoàn toàn có chỗ đứng trên thị trường.

"Cá tra rất được ưa chuộng tại thị trường các nước châu Mỹ, EU... nên đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở miền Nam. Vì vậy, ngoài thị trường nội địa, mục tiêu chính của HTX là hướng tới xây dựng và phát triển nguồn sản xuất cá tra nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu", anh Hà Quang Huy, Giám đốc kinh doanh HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt cho biết. Để phục vụ mục tiêu này, HTX đang dần hình thành 1 nhà máy chế biến các loại cá nước ngọt ngay tại huyện Gia Lộc. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy này có thể trở thành điểm nhấn trong phát triển ngành thủy sản của tỉnh.

Hải Dương hiện có hơn 12.000 ha ao nuôi và 6.200 lồng cá trên sông, là một trong những tỉnh có phong trào nuôi thủy sản dẫn đầu miền Bắc. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào nuôi thâm canh thì trong tương lai không xa cá tra có thể trở thành một mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho Hải Dương.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi cá tra trên đất Hải Dương