Cá rô phi đơn tính (CRPĐT) là thủy sản chủ lực của tỉnh ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc nuôi CRPĐT gặp nhiều khó khăn.
Trong đợt thu hoạch vừa qua, gia đình ông Nguyễn Công Dư ở thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ)
bị thiệt hại do cá rô phi đơn tính chết nhiều
Xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) hiện có trên 100 ha mặt nước với hơn 200 hộ nuôi thủy sản, trong đó 70% số hộ nuôi CRPĐT. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng người dân nuôi loại cá này đang giảm hoặc chỉ nuôi cầm chừng do đầu tư lớn mà hiệu quả kinh tế không cao, cá bị chết nhiều do dịch bệnh. Thời gian qua đã có gần 80% số hộ nuôi bị lỗ vốn; số hộ nuôi còn lại chủ yếu là lấy công làm lãi. Ông Nguyễn Công Dư ở thôn Ngọc Lâm có 6 mẫu ao ở vùng chuyển đổi. Mỗi năm, gia đình ông đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua cá giống, tiền thức ăn, tiền thuốc… Tuy nhiên, việc nuôi CRPĐT đang gặp nhiều khó khăn vì loại cá này dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi, nguồn nước bị ô nhiễm. Những đợt nắng nóng hoặc thời tiết chuyển mùa, lượng cá chết có thể chiếm đến 40% số lượng cá nuôi. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông Dư thu hoạch 2 lứa cá rô phi, sản lượng đạt gần 50 tấn cá. Nhưng 2 năm nay, tỷ lệ cá rô phi chết chiếm từ 20-40% nên việc nuôi cá không có lãi, có thời điểm còn lỗ lớn.
Tình trạng cá chết do nhiễm bệnh không chỉ xảy ra ở xã Tân Kỳ mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Huyện Gia Lộc có hơn 1.230 ha nuôi thủy sản tập trung, trong đó đa số các hộ dân nuôi CRPĐT. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Từ năm 2011 trở lại đây, hiện tượng CRPĐT chết thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt khi gặp thời tiết nắng nóng gay gắt hoặc sau những ngày mưa bão… gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Phòng đã cử cán bộ chuyên môn xuống tận nơi hướng dẫn người dân vệ sinh ao nuôi, phòng tránh dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại".
Khi nuôi cá truyền thống, người dân có thể tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như rau, cỏ làm thức ăn nhưng nuôi CRPĐT tốn kém hơn nhiều vì phải nuôi bằng cám công nghiệp. Vì thế nếu cá bị chết thì thiệt hại cũng lớn hơn so với nuôi cá truyền thống.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ bấp bênh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc nuôi CRPĐT. Cách đây 3 năm, CRPĐT bán tại ao có giá bình quân từ 35.000-40.000 đồng/kg thì nay chỉ còn còn từ 28.000-30.000 đồng/kg. Nhiều gia đình lao đao do giá bán cá giảm mạnh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.900 ha nuôi thủy sản, trong đó nguồn cung cấp giống CRPĐT đạt trên 25 triệu con/năm. Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản nói chung và nuôi CRPĐT nói riêng còn một số hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 HTX thủy sản, nhiều tổ liên gia, hội nuôi thủy sản nhưng hoạt động chưa hiệu quả...
Để giải quyết những khó khăn trong nuôi CRPĐT, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường ao nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh hoạt động liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để kịp thời hỗ trợ về giống, kỹ thuật, cũng như tạo thị trường tiêu thụ cho con cá. Người nông dân cần trang bị những kiến thức về phòng chống dịch bệnh trên đàn cá, quan tâm vệ sinh môi trường ao nuôi, sử dụng nguồn nước bảo đảm khi nuôi CRPĐT...
ĐỨC TÂM