Nước và biến đổi khí hậu

21/03/2020 16:01

Tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước ở Hải Dương đã có những dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại.


Cá lồng ở xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) bị chết do nguồn nước ô nhiễm

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh tới nguồn nước. Nếu khí hậu biến đổi theo chiều hướng xấu, chất lượng nguồn nước sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng. Điều này trở thành mối đe dọa đối với an ninh lương thực, đòi hỏi các quốc gia trong đó có Việt Nam cần đưa ra những giải pháp đa dạng, hiệu quả để khắc phục.

Vấn đề cấp bách toàn cầu

Ngày Nước thế giới được tổ chức định kỳ vào ngày 22.3 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trên toàn thế giới. Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay là "Nước và biến đổi khí hậu".

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dân số toàn cầu tăng dẫn đến nhu cầu về nước tăng làm cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi.

Theo đó, giải pháp về bảo vệ các nguồn tài nguyên nước, bảo vệ vùng đất ngập nước cũng như áp dụng các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thông minh, tăng cường tái sử dụng nước thải an toàn để ứng phó với biến đổi khí hậu là những giải pháp mà chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 hướng tới.

Nhu cầu về nước ngọt ngày càng tăng trong khi nguồn tài nguyên quý giá này ngày một khan hiếm. Ước tính, khoảng 40% số dân thế giới sống trong các khu vực khan hiếm nước và khoảng ¼ GDP thế giới được sử dụng để giải quyết thách thức này. An ninh nước trở thành vấn đề lớn mà mỗi quốc gia phải đối mặt hàng ngày.

“Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn. Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn bảo đảm những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau” là thông điệp mà Ủy ban Nước Liên hiệp quốc (UN-Water) công bố nhân Ngày Nước thế giới năm nay.

Chúng ta không ngoài cuộc

Ở Hải Dương, mặc dù những tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước chưa thực sự rõ ràng nhưng đã có những dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại. Ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết những năm gần đây, đỉnh lũ thấp xuất hiện ngày càng nhiều.

Mùa lũ kết thúc sớm khiến lượng nước trữ trên các sông ít nên mực nước trung bình các tháng mùa đông thấp hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ thấp ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Mực nước các sông khu vực hạ lưu của tỉnh dao động theo ảnh hưởng của thủy triều.

Dòng chảy ngược thường xuyên xuất hiện với lưu tốc khá lớn đưa mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng. Độ mặn đo được tại cống Cầu Xe (Tứ Kỳ) vào ngày 15.3.2019 đạt 1,1 phần nghìn, vượt ngưỡng cho phép và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số liệu đo ngày 12.1.2020 cho thấy độ mặn đạt mức 0,3 phần nghìn, cao hơn rất nhiều so với độ mặn trung bình cao nhất nhiều năm qua (0,05 phần nghìn).

Lũ muộn, đỉnh lũ thấp, xâm nhập mặn vào sâu kết hợp ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước của Hải Dương. Chất lượng nước sông ngoài bị ô nhiễm ở một số thời điểm và một số chỉ tiêu dù mức độ chưa cao do đặc tính dòng chảy thay đổi liên tục.

Tuy nhiên, có những thời điểm mức độ ô nhiễm trở nên đáng báo động, gây thiệt hại nặng cho người nuôi cá lồng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động lấy nước nguyên liệu sản xuất nước sạch.

Sự việc hàng trăm lồng cá ở xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) với trên 120 tấn cá bị chết đầu tháng 3 vừa qua là minh chứng rõ nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường nước.

Trên các tuyến sông nội đồng như sông Hương, Bắc Hưng Hải, An Kim Hải… ô nhiễm nguồn nước thực sự đã nghiêm trọng. Kết quả quan trắc 17 tuyến kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thấy nguồn nước đã bị ô nhiễm, trong đó nhiều thông số vượt quy chuẩn nhiều lần.

Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 - 840 tỷ m3. Trong đó, hơn 60% được sản sinh từ nước ngoài.

Lượng nước bình quân đầu người trên 9.000 m3/năm. Việt Nam cũng có lượng nước ngầm tương đối dồi dào. Nhìn vào các số liệu có thể thấy, tài nguyên nước của Việt Nam khá phong phú. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên nước đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân như xâm nhập mặn, lũ muộn ở đồng bằng sông Cửu Long; mùa khô kéo dài, ít mưa ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; lũ lụt ở miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Những ngày này, hình ảnh những mảnh ruộng khô khát, những con kênh trơ đáy, từng hàng người rồng rắn xếp hàng lấy nước sinh hoạt ở đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ nhất về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước ở Việt Nam.

Duy trì và phát triển bền vững nguồn nước là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay với những chính sách, cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích cộng đồng sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

  VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước và biến đổi khí hậu