Xả thải trực tiếp ra môi trường đã khiến nguồn nước mặt và nước ngầm ở nông thôn bị ô nhiễm và chính những người dân nông thôn lại sử dụng nguồn nước này.
Do nuôi lợn với số lượng lớn nên hầu hết các hầm bi-ô-ga ở xã Lai Vu (Kim Thành) đều quá tải, xả nước bẩn gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống thoát nước thải tập trung cho xã
|
|
Xả thải xuống ao
Sau khi nhẩm tính, ông Trần Văn Khoát ở thôn Nhữ Thị, xã Thái Học (Bình Giang) cho biết: "Tôi mất 2 triệu đồng để xây bể nước lọc mới được dùng nước "tạm sạch". Tuy nhiên, tôi vẫn thấy tốt hơn là dùng nước ô nhiễm. Trước đây, gia đình tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt. Hiện nay, giếng đã được khoan sâu thêm gần 2 m nhưng nước vẫn tanh, không thể dùng được". Nguồn nước ô nhiễm này một phần do gia đình ông tạo nên. Hiện nay, gia đình ông nuôi gần 20 con lợn thịt. Do không có điều kiện xử lý nước thải nên nước rửa chuồng mỗi ngày đều chảy xuống ao cạnh nhà. Lâu ngày ao này bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng theo.
Xã Lai Vu (Kim Thành) có 60% số hộ chăn nuôi lợn. Hộ nuôi nhiều từ 100-200 con, nuôi ít cũng từ 10-20 con. Các hộ chăn nuôi ở đây đã được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ xây dựng hầm bi-ô-ga. Tuy nhiên, do nuôi lợn với số lượng lớn nên hầu hết các hầm đều quá tải. Toàn bộ nước thải từ chuồng trại chăn nuôi lại được đổ ra các mương nước.
Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 trang trại chăn nuôi xả thải trực tiếp ra ao, hồ, sông, ngòi và chỉ có 27% số xã xây dựng được hệ thống thoát nước thải chung. Tuy nhiên, dù có hệ thống thoát nước này thì việc xả thải chưa qua xử lý vẫn ảnh hưởng đến môi trường sống.
Ô nhiễm nguồn nướcHai bên đường vào thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) nước chảy lênh láng. Trời nắng, cống rãnh ở đây bốc mùi rất khó chịu. Ngày mưa, nước thải nhầy nhụa tràn ra khắp nơi. Nhiều ao trong làng cũng chuyển màu xanh đục, bốc mùi ngái ngái. Chỉ cho chúng tôi một ao nước đã đen ngòm và bốc mùi, ông Nguyễn Văn Hạnh ở xóm Giữa cho biết: "Ao này trước đây nhà tôi có thể thả cá, mỗi năm cũng thu được vài triệu đồng. Nhưng hiện nay nước thải của các gia đình làm bún bánh khiến ao này không thể thả cá được nữa".
Xả thải trực tiếp ra môi trường khiến việc lấy nước của các trạm cấp nước sạch cũng đáng lo ngại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 69 công trình cấp nước sạch tập trung, trong đó có 64 trạm lấy trực tiếp nguồn nước mặt để xử lý. Trạm cấp nước của xã Cẩm Chế (Thanh Hà), Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) và thị trấn Cẩm Giàng lấy nước mặt để xử lý đã có dấu hiệu ô nhiễm phải thay bằng nước ngầm. Kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tại một số ao nuôi thủy sản ở xã Minh Hòa (Kinh Môn), xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ), xã An Đức (Ninh Giang), xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng)... cho thấy hàm lượng chất hữu cơ, muối dinh dưỡng vô cơ hòa tan đều vượt giới hạn cho phép nhiều lần.
Để bảo vệ môi trường, nhất là giữ gìn cho nguồn nước trong sạch, việc cấp thiết hiện nay là người dân cần nâng cao ý thức xả thải ra môi trường. Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, xây dựng hầm bi-ô-ga đối với chăn nuôi. Các làng nghề cần được quy hoạch thành vùng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống nước thải để xử lý nguồn nước sau sản xuất.
Hiện tại, ở khu vực nông thôn tỉnh ta có khoảng 493 nghìn công trình cấp nước các loại, trong đó có 154 nghìn giếng đào, 42 nghìn giếng khoan tay dạng Unicef, 297 nghìn bể chứa nước và 69 trạm cấp nước tập trung với công suất khoảng 54 nghìn m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, mới có 45% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung, số còn lại sử dụng nguồn nước mưa, nước giếng đào, giếng khoan, dùng trực tiếp từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm. |
LAN TUẤN