Nước Nga sẽ có gì thay đổi?

06/03/2012 09:43

Ông Vladimir Putin đã chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc bầu cử hôm 4-3, song nhiều thách thức đang chờ đợi ông trong chuyến trở lại điện Kremlin.

>>Ông Putin chính thức đắc cử Tổng thống Nga



Bộ đôi quyền lực Vladimir Putin (trái) và Dmitry Medvedev sẽ lãnh đạo
 nước Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới?


Trưa 5-3, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) Vladimir Churov (Vla-đi-mia Chu-rốp) tuyên bố, đương kim Thủ tướng Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin), ứng cử viên Tổng thống, đã đắc cử ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga diễn ra ngày 4-3.

Chiến thắng áp đảo

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra tại Moscow (Mát-xcơ-va) lúc 13 giờ (giờ Việt Nam), ông Churov cho biết, theo kết quả trên 99,3% số phiếu được kiểm, ông Putin giành chiến thắng với 63,75% số phiếu ủng hộ. Về thứ hai là Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Ghennady Zyuganov (Gen-na-đi Diu-ga-nốp) với 17,19% số phiếu. Tỷ phú Mikhail Prokhorov (Mi-kha-in Prô-khô-rốp) giành 7,82% số phiếu. Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDPR) Vladimir Ghirinovsky (Vla-đi-mia Gi-ri-nốp-xki) 6,23% số phiếu. Thủ lĩnh Đảng Nước Nga công bằng (SR) Sergey Mironov (Xéc-gây Mi-rô-nốp) 3,84% số phiếu. Có 65,3% trong tổng số gần 109 triệu cử tri Nga đã đi bỏ phiếu trong ngày 4-3, thấp hơn so với mức 69,8% của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, nhưng cao hơn mức trên 60% của cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 4-12-2011.

Theo đánh giá của đông đảo quan sát viên quốc tế, trước hết từ Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) và các quan sát viên trong nước, cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 4-3 diễn ra trung thực, dân chủ và tự do. Mặc dù đã xảy ra một số hành động vi phạm trong ngày bỏ phiếu 4-3, nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Rạng sáng 5-3, hai ứng cử viên Ghirinovsky và Mironov đã gọi điện thoại chúc mừng ông Putin, coi thắng lợi của ông là "xứng đáng và không thể bàn cãi". Tổng thống Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la), ông Hugo Chavez (Hu-gô Cha-vét) là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đã chúc mừng ông Putin, coi thắng lợi của nhà lãnh đạo Nga là yếu tố quan trọng để góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Venezuela/Nga.

Ông Vladimir Putin sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Nga vào ngày 7-5 tới với nhiệm kỳ 6 năm.

Chính sách của Nga dưới thời Tổng thống Putin?


Phát biểu sau khi biết rõ kết quả kiểm phiếu sơ bộ, ông Putin cam kết sẽ tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước, đồng thời khẳng định toàn bộ chương trình tranh cử của ông liên quan đến 4 lĩnh vực chủ yếu gồm: Cải cách hệ thống chính trị và phát huy dân chủ; Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quốc phòng và củng cố an ninh quốc gia; thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, sẽ được đưa vào cuộc sống một cách nhất quán trong 6 năm ông đảm đương cương vị nguyên thủ quốc gia Liên bang Nga sắp tới.

Thực tế 10 năm qua, cuộc sống của người dân Nga ít nhiều cũng đã được cải thiện và cử tri Nga ca ngợi ông Putin về sự ổn định chính trị mà ông đã gây dựng được từ sau tình trạng rối loạn khi Liên Xô sụp đổ. Kinh tế Nga trong năm 2011 tăng trưởng 4,3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất còn 6,3%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 4,2% - mức thấp nhất trong lịch sử nước Nga. Andrei Kolesnikov (An-đrây Cô-lét-ni-cốp), phóng viên chuyên đưa tin về Putin của báo Kommersant cho rằng, sứ mệnh mới lớn nhất của ông Putin khi trở lại Điện Kremlin (Crem-li) là tìm một người đáng tin cậy để chuyển giao quyền lực khi ông hết nhiệm kỳ, giống như những gì Boris Yelsin (Bô-rít En-xin) đã làm với Vladirmir Putin cách đây 12 năm.

Về quan hệ với Mỹ, Hãng truyền hình Fox News (Mỹ) nhận định, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) rất có thể phải "cài đặt lại mối quan hệ vốn đã được cài đặt lại" với Nga dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev (Đi-mi-tri Mét-vê-đép). Trong thời gian vận động tranh cử, ông Putin luôn có những bài phát biểu chống Mỹ, từ vấn đề Syria (Xi-ri), Iran (I-ran) tới kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Với tình hình này, 6 năm tới, thậm chí 12 năm tới, nước Mỹ sẽ phải quan hệ với một chính phủ Nga cứng rắn hơn. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nước Nga dưới sự lãnh đạo sắp tới của ông Putin với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ trở thành một trở ngại lớn cho Mỹ. Nga sẽ tiếp tục chống các nỗ lực của Mỹ muốn thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu. Tiến trình cài đặt lại quan hệ Mỹ-Nga trên thực tế đã xấu đi với việc vào tháng 12-2011, ông Putin cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) kích động và cổ súy cho các cuộc biểu tình gây rối tại Nga. Trước đó, bà Hillary chỉ trích cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga là “không bình đẳng và không tự do". Do đoán trước những khó khăn trong quan hệ với Nga khi ông Putin tái cử Tổng thống, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney (Giay Ca-nây) khẳng định: "Chúng tôi có mối quan hệ rất quan trọng với Nga và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ quan trọng này".

Gennady Zyuganov về nhì

Đúng như dự đoán, người về thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 4-3 là Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Gennady Zyuganov với hơn 17% số phiếu bầu. Đây là lần thứ 4, ông Zyuganov chạy đua vào Điện Kremlin, trong đó 2 lần về nhì.

Ông Zyuganov dẫn dắt KPRF, tiền thân của Đảng Cộng sản thời kỳ Liên Xô từ năm 1993 và giành được sự ủng hộ của các cử tri lớn tuổi, những người nhớ Liên bang Xô Viết lừng lẫy một thời. Cương lĩnh tranh cử của ông Zyuganov gồm cam kết khôi phục những ngành công nghiệp bị khủng hoảng nặng nề, như đóng tàu, quốc phòng, nông nghiệp... Mục tiêu kinh tế chính của ông Zyuganov là quốc hữu hóa tài nguyên thiên nhiên, trong khi chính sách đối ngoại của ông bao gồm “tăng vai trò của Liên hợp quốc và hạn chế ảnh hưởng của NATO”.



PHƯƠNG LINH (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Nga sẽ có gì thay đổi?