Đã có một thời, nghề nung vôi ở Kinh Môn phát triển rầm rộ, đem lại sự giàu có cho nhiều ông chủ cùng sự no đủ cho những người làm công...
Lò vôi của ông Nguyễn Đức Văn bị sạt đã cướp đi sinh mạng của 5 người. Ảnh tư liệu
"Bạc như vôi"Ba năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để nỗi đau của chị Nguyễn Thị Tươi ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) vơi bớt phần nào. Trong câu chuyện với tôi, chị tránh nhắc lại những kỷ niệm buồn về người chồng bạc phận. Bây giờ, niềm vui của chị là nhìn sự trưởng thành của 3 người con và dự định khôi phục lại lò vôi đã dừng sản xuất gần 1 năm nay.
Nhưng rồi chính dự định khôi phục hoạt động của lò vôi buộc chị phải nhắc lại một thời vất vả, cực nhọc và đẫm nước mắt khi gắn bó với nghề này. Bao nhiêu năm làm thuê làm mướn, năm 2001 vợ chồng chị tích cóp xây một lò vôi thủ công. Đến năm 2013, vợ chồng chị dồn sức xây một lò thủ công liên tục với công nghệ mới. Cứ tưởng xây lò mới thì công việc thuận lợi, phát đạt hơn nhưng lò xây xong chưa lâu thì chồng chị bị tai nạn chết. Câu "sinh nghề tử nghiệp" mà dân gian đúc kết đã ứng vào chồng chị. "Lúc bấy giờ lò đang gặp sự cố, chồng tôi lên mặt lò để kiểm tra nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào anh ấy lại bước chân vào lò. Lớp đá vôi trên mặt thụt xuống kéo anh ấy theo…", chị Tươi đau đớn nhớ lại. Nhiều khi chị cứ tự an ủi mình: "Bao nhiêu năm làm lò thủ công thì chẳng sao. Đến khi xây được cái lò kiên cố, hiện đại thì lại xảy ra chuyện đau lòng này. Có lẽ cũng tại cái số của anh ấy chẳng ra gì".
Trong suốt câu chuyện của mình, tôi không hề thấy chị Tươi có bất cứ lời nào kêu ca về cái nghề mà người ta thường ví "bạc như vôi", nhưng tiếp xúc với các chủ lò, tôi thấy sự bạc bẽo của nghề khiến nhiều người tán gia bại sản, thậm chí mất mạng.
Nhắc đến sự "bạc" của nghề nung vôi, ông Nguyễn Văn Bài ở khu 6, thị trấn Phú Thứ không khỏi chua xót khi nhớ lại vụ tai nạn kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 5 người hàng xóm. Hôm tôi xuống, nhà ông Nguyễn Đức Văn, hàng xóm của ông Bài chuẩn bị làm lễ cúng trăm ngày cho con trai - một trong số 5 nạn nhân trong vụ tai nạn đau lòng mấy tháng trước. Hai nhà chung ngõ nên muốn vào nhà ông Bài phải qua cửa nhà ông Văn. Con ngõ nhỏ vẫn ngập trong bụi. Trong vườn nhà ông Văn, lò vôi bị sập đã bị phá bỏ, chỉ còn lại đống gạch đá ngổn ngang. Nhiều lần đắn đo nhưng tôi vẫn không vào nhà ông Văn vì không muốn khơi lại nỗi đau quá lớn của gia đình ông.
Nghề này bạc lắm chú ơi! Chỉ sơ sểnh một chút là mất nghiệp như chơi. |
|
Bên nhà ông Bài, quanh chiếc bàn đá nhỏ bám đầy bụi, tranh thủ giờ nghỉ, những người công nhân đang ngồi chuyện phiếm về những buồn, vui của nghề và về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vài tháng trước. Theo lời kể của ông Bài, sau một thời gian phiêu bạt làm nhiều nghề để kiếm sống, năm 2008 ông Văn bắt đầu xây lò nung vôi. Sau một thời gian làm ăn thua lỗ, ông bỏ lò vôi đi làm than. Tuy nhiên, phận nghèo khó như trêu ngươi, nó cứ mãi bám theo ông. Trong một lần vận chuyển than, ông vô ý gây tai nạn giao thông làm chết người. Rồi bản thân lại bị bệnh hiểm nghèo khiến cuộc sống ngày càng túng quẫn. Năm ngoái, nghe lời hai con, ông vay mượn gần 1 tỷ đồng mở lại lò vôi với hy vọng thoát nghèo. Nhưng trong quá trình sửa chữa thì tai nạn ập đến. "Chỉ vì muốn thoát nghèo mà phải quay lại làm nghề. Ông ấy muốn cố vài mẻ để trả nợ. Nhưng nghề này bạc quá, nó đã lấy đi của ông ấy tất cả mọi thứ", một người trong nhóm công nhân than thở. Chỉ trong vài giây, 5 mạng người bị cướp đi, một nỗi đau quá lớn cho những người ở lại.
Đối với ông Bài, nghề nung vôi cũng đem đến nhiều nước mắt hơn là niềm vui. Quần quật với lò suốt từ sáng đến tối, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ duy trì cuộc sống của gia đình và nuôi các con ăn học. Trong mảnh vườn nhỏ trước nhà, lò vôi thủ công gần 20 năm tuổi đã xập xệ. Vỏ lò xây bằng gạch xỉ đã nứt toác được gia cố lại bằng mấy tấm gỗ và vài sợi dây thép. Trong sân nhà, bụi bốc lên mịt mù. Bụi than, bụi đá, bụi vôi quyện lại thành một thứ bụi đặc trưng, phủ trắng trên mái nhà, ghế ngồi, cốc chén và cây cối trong vườn. Ngồi nói chuyện với mọi người khá lâu nhưng tôi cũng không thể phân biệt nổi tóc và râu của cả chủ và thợ ở đây bạc do tuổi tác hay bạc do bụi vôi. Vậy mà mọi người vẫn vô tư làm việc. "Làm gì còn lựa chọn nào khác. Chú có thấy ai ở đây dưới 40 tuổi không? Toàn những người không biết làm gì khác mới phải chấp nhận làm nghề này. Vất vả, cực nhọc một tí, nhưng có thu nhập ổn định để lo cho con cái", ông Bài chia sẻ.
Được tiếng là ông chủ, nhưng có khi những ông chủ lò vôi còn vất vả hơn cả công nhân bởi hàng trăm mối lo: lo tìm nguyên liệu, tìm chỗ bán hàng, lo tiền trả lương công nhân, trả nợ ngân hàng. Rồi họ cũng phải trực tiếp làm nghề, cũng động tay, động chân như bất kỳ người công nhân nào. "Nghề này bạc lắm chú ơi! Chỉ sơ sểnh một chút là mất nghiệp như chơi. Vớ phải mẻ than chất lượng thấp là vôi sống, vôi khê ngay. Mà chỉ cần hỏng vài lần là nợ chồng nợ, mất nhà lúc nào không biết. Chẳng nói đâu xa, ngay trong xóm này đã có người bán nhà trốn đi miền Nam vì vỡ nợ khi xây lò nung vôi rồi đấy. Bạc như vôi mà!", ông Bài than thở. Giá vôi ngày càng xuống thấp, khó khăn ngày càng chồng chất, bủa vây những chủ lò vôi. Vốn phải đi vay, lương công nhân vẫn phải trả đủ, vôi thì mẻ được mẻ không, khách hàng thì chẳng mấy khi thanh toán đúng hạn, thậm chí còn quỵt tiền hàng.
Cố sống chết với nghề
Công nhân làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại
Nằm khuất phía trong mỏ đá của Công ty CP Khai thác và chế biến khoáng sản Hải Dương, hai lò vôi của ông Nguyễn Văn Chá vẫn bền bỉ hoạt động bất chấp những khó khăn. Trời đang nắng to, nhưng không khí ở đây đục mờ bởi bụi. Bụi từ lò vôi, bụi từ mỏ đá hòa lẫn vào nhau bao phủ toàn bộ khu vực. Trong sân, gần chục công nhân bịt kín khăn, khẩu trang đang cần mẫn phân loại vôi trước khi đóng vào container. Quần áo của ai cũng bạc trắng vì bụi. Đây là hai lò ông Chá mới xây sau lần sạt lò thủ công truyền thống vào năm 2012. Thời điểm đó, do làm ăn khó khăn, lò vôi bị bỏ một phần. Mưa to cộng với rung chấn do mìn phá đá, phần lò đó bị sạt. Trong cái rủi lại có cái may vì không có công nhân làm việc bên trong. Ngay sau thời điểm đó, vợ chồng ông Chá quyết định phá lò cũ, vay tiền đầu tư xây 2 lò vôi kiểu đứng theo công nghệ mới do những người thợ bên Thái Bình chuyển giao. Theo ông Chá, khó khăn nhất đối với người nung vôi thời điểm này là nguyên liệu vận chuyển xa, giá bán thất thường và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Hiện tại, tất cả lò vôi ở Kinh Môn đều phải nhập đá từ Ninh Bình khiến chi phí nguyên liệu tăng gấp đôi so với trước kia, trong khi giá bán lại giảm gần 100.000 đồng/tấn khiến các chủ lò vôi lúc nào cũng lo lắng, thấp thỏm. Ông Chá nói: "Khó khăn là vậy, nhưng tôi không thể bỏ nghề được. Gặp khó thì phải cố gắng vượt qua thôi vì cả gia đình tôi cùng mấy chục con người đều trông vào 2 lò vôi này".
Biết là nghề bạc, nhưng những chủ lò vôi như ông Chá, ông Bài, chị Tươi vẫn cố sống chết với nghề, bởi đây là kế sinh nhai duy nhất phù hợp với họ.
Sau một thời gian cho thuê, từ giữa tháng 5-2016, chị Tươi vay tiền sửa chữa lại lò chuẩn bị sản xuất vôi trở lại. "Mình phải làm lại thôi, bởi không làm nghề này tôi cũng không biết làm gì nữa. Sau cái chết đau đớn của chồng, tôi tự nhủ phải cố gắng duy trì lò vì đây là công sức cả đời của vợ chồng tôi. Khi mở lò trở lại, tôi sẽ sâu sát hơn, yêu cầu công nhân tuân thủ đúng quy trình vận hành lò, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc như thế", chị Tươi nói. Đối với ông Nguyễn Văn Bài, làm lò vôi trở thành kế mưu sinh duy nhất phù hợp vào lúc này. "Ở đây ruộng đất không có, tôi cũng đã già, không thể chuyển sang nghề khác. Tôi đã gắn bó với nghề này mấy chục năm nay, chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề. Không chỉ vì cuộc sống của gia đình mà còn là công ăn việc làm cho mấy chục con người, trong đó có những người gắn bó với tôi từ lúc mới làm nghề. Khó khăn, vất vả và bạc bẽo nhưng nếu cứ cố gắng, cứ tâm huyết chắc chắn sẽ được nghề đền đáp. Làm vôi thời điểm này có thể khó giàu nhưng cũng đủ sống nếu thực sự chịu khó, cố gắng", ông Bài chia sẻ.
Mấy chục năm gắn bó với nghề, người mất tiền, người mất mạng nhưng nung vôi dường như đã trở thành cái nghiệp đeo bám, ám ảnh những người chủ lò. Vì mưu sinh, họ chấp nhận sự "bạc bẽo" của nghề với hy vọng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
VỊ THỦY
Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 quy định rõ lộ trình xóa bỏ các lò vôi thủ công gián đoạn và lò vôi thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành lộ trình đến năm 2015 xóa bỏ tối thiểu 50% số lò thủ công gián đoạn, đến năm 2020 xóa bỏ toàn bộ các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn.
Theo báo cáo thực trạng và tình hình quản lý sản xuất vôi thủ công trên địa bàn huyện Kinh Môn, đến tháng 9-2016, toàn huyện có 38 lò hoạt động sản xuất vôi ở 7 xã, thị trấn. Trong đó có 2 lò vôi sản xuất theo mô hình công nghiệp hiện đại, 36 lò thủ công liên hoàn. Trong số 36 lò vôi thủ công liên hoàn, duy nhất lò vôi của Công ty TNHH Xuân Lộc ở khu 2, thị trấn Phú Thứ có quy hoạch. Những lò còn lại đều không nằm trong quy hoạch sản xuất vôi đã được phê duyệt.
|