Việc tiêu thoát nước từ kênh T2 sang hồ Bình Minh mỗi khi mưa to đang khiến hồ này có nguy cơ ô nhiễm trở lại.
Việc xả nước từ kênh T2 sang hồ Bình Minh là một trong những nguyên nhân khiến cá chết sau đợt nắng nóng cao điểm vừa qua
Tiến độ cải tạo, nạo vét kênh T2 (TP Hải Dương) chậm chạp làm cho việc tiêu thoát nước mỗi khi mưa lớn gặp nhiều khó khăn. Để tiêu nước nhanh, một phần nước từ kênh T2 đã được xả sang hồ Bình Minh.
Nguy cơ nhãn tiền
Trong và sau trận mưa ngày 7.7 vừa qua, việc tiêu thoát nước cho một số khu vực của thành phố gặp nhiều khó khăn do kênh T2 vẫn đang thi công, bị chặn nhiều đoạn. Để thoát nước nhanh, tránh tình trạng ngập úng lâu dài, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương (gọi tắt là Công ty Quản lý đô thị) đã phải mở cống Bà Đụp để thoát nước sang hồ Bình Minh. Ông Nguyễn Văn Bách, một người dân sống gần hồ Bình Minh cho biết từ khi được cải tạo, nước hồ Bình Minh khá sạch, có nhiều cá. Tuần trước, trời nắng nóng gay gắt kéo dài, sau đó lại mưa ngay nên cá bị chết nhiều. Ngoài cá chết vì thời tiết bất thường, theo ông Bách còn nguyên nhân do nước kênh T2 ô nhiễm đã được xả vào hồ.
TP Hải Dương đã cải tạo, hồ Bình Minh trở thành hồ điều hòa, phục vụ việc tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng cho khu vực các đường Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền. Theo ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đô thị, hồ Bình Minh được đầu tư hàng tỷ đồng để thoát nước mưa và trở thành hồ sinh thái giúp làm đẹp cảnh quan thành phố chứ không thể biến thành túi chứa nước thải của kênh T2.
Nhiều năm trước đây, toàn bộ nước của kênh T2 được tiêu thoát qua trạm bơm Bình Lâu ra sông Sặt. Nhưng thời gian gần đây, nhà thầu phải đắp chặn 2 đầu đoạn nút cổ chai để bơm nước phục vụ thi công hạng mục cống hộp. Mỗi khi mưa lớn, đơn vị thi công phải dùng máy xúc khơi thông hai đầu đã đắp để thoát nước nhưng vẫn không tiêu thoát kịp. Để bảo đảm cho đường Nguyễn Lương Bằng và Ngô Quyền không bị úng ngập lâu, việc mở cống Bà Đụp để nước từ kênh T2 thoát sang hồ Bình Minh được lựa chọn. “Nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ làm cho hồ Bình Minh ô nhiễm, thành phố lại phải mất công khắc phục. Về lâu dài, nguồn nước ô nhiễm từ hồ Bình Minh có thể lan ra cả sông Bạch Đằng”, ông Sáu lo lắng nói.
Khắc phục
Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã đề nghị nhà thầu thi công dự án nạo vét, cải tạo kênh T2 khơi thông xong chảy ngay cả khi đang thi công công trình
Ngày 10.7, Công ty Quản lý đô thị đã làm việc với nhà thầu thi công kênh T2 đề nghị khơi dòng chảy để trạm bơm Bình Lâu cũ có thể bơm tiêu thoát nước mỗi khi mưa lớn. Đồng thời đề xuất sử dụng máy bơm dã chiến để bơm hỗ trợ nước từ kênh T2 ra bể chứa trạm bơm Bình Lâu. Theo đại diện Công ty Quản lý đô thị, giải pháp tạm thời lúc này là nhà thầu vừa thi công vừa phải khơi dòng để thoát nước nhanh ra trạm bơm Bình Lâu. Ngay cả trong những ngày trời không mưa cũng phải làm việc này vì nếu để nước ùn ứ ở kênh T2 sẽ rất khó tiêu thoát nước nhanh khi mưa lớn ập đến.
Việc xả nước sang hồ Bình Minh chỉ là giải pháp tạm thời, không thể kéo dài nên các đơn vị liên quan của thành phố đang tích cực đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công dự án nạo vét, cải tạo kênh T2. Theo ông Phạm Công Quân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương, biện pháp lâu dài nhưng cần thiết là phải xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở kênh T2. Chỉ cần nước kênh này không ô nhiễm thì việc xả nước sang hồ Bình Minh để tiêu thoát nước nhanh có thể thực hiện được.
Hiện nay, kênh T2 chỉ còn đoạn hở từ ngã tư Máy Sứ đến trạm bơm Bình Lâu và đoạn từ đường sắt đến đê sông Thái Bình. Riêng đoạn kênh T2 từ ngã tư Máy Sứ đến trạm bơm Bình Lâu bị ô nhiễm nặng do nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xả thẳng ra kênh. Công ty Quản lý đô thị thường xuyên nạo vét bùn, thu gom rác thải của tuyến kênh này nhưng vẫn không giảm được tình trạng ô nhiễm. Theo ông Sáu, cần nâng cao ý thức của người dân vì kênh được khơi thông, nạo vét thường xuyên nhưng người dân cứ vô tư xả rác thì không bao giờ khắc phục được ô nhiễm. Không nên duy trì lâu dài việc xả trực tiếp nguồn nước ô nhiễm từ kênh T2 ra sông Sặt bởi nước của tuyến sông này để phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ không phải chứa nước và rác thải.
Để làm được điều này, TP Hải Dương đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số ngân hàng quốc tế xem xét duyệt hồ sơ vay vốn nhằm thực hiện dự án tổng thể cải tạo, xử lý môi trường bền vững. Thực hiện dự án không chỉ giải quyết tình trạng ngập úng và ô nhiễm nguồn nước cho khu vực phía tây thành phố, trong đó có kênh T2 mà còn đáp ứng yêu cầu xây dựng TP Hải Dương xanh, khỏe và thông minh trong tương lai.
HẢI MINH