Dược Sơn vốn là địa danh núi thuốc nổi tiếng trong lịch sử từ thời Đức Thánh Trần. Trải qua hơn 700 năm, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều loài dược liệu quý.
Núi Dược Sơn chỗ nào cũng có cây thuốc nhưng hiện chỉ còn vài chục loài có thể sử dụng
để chữa một số bệnh thông thường
Di sản hơn 7 thế kỷ
Dược Sơn là nhánh phía nam của dãy núi Rồng tiến thẳng ra sông Thương. Quanh chân núi người dân quần tụ sinh sống từ nhiều đời lập nên ngôi làng cổ cũng lấy tên gọi Dược Sơn. Sử chép, từ thế kỷ 13, Trần Quốc Tuấn và Thái y viện nhà Trần đã coi trọng việc sử dụng lá cây thuốc trong nước để chữa bệnh cho nhân dân và vết thương cho quân lính. Tại Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn gây dựng được một khu vực trồng cây thuốc khá rộng. Bắt nguồn từ việc Trần Quốc Tuấn cho trồng vườn thuốc trên núi Dược Sơn hình thành vườn thuốc quý, phong cảnh đẹp, đời sau gọi là Dược Lĩnh cổ viên. Vườn cây thuốc này rộng tới hơn 10 ha, với khoảng hơn 200 loài cây thuốc. Thời Lê, Dược Lĩnh cổ viên đã được xếp vào một trong Chí Linh bát cổ (8 cảnh đẹp của đất Chí Linh).
Ở Dược Sơn hiện còn khá nhiều cây thuốc và một số người biết nghề thuốc. Dẫn chúng tôi lên núi lấy cây thuốc, ông Đinh Văn Mậu, 73 tuổi, một thầy lang ở làng Dược Sơn bảo, ngày trước núi Dược Sơn rộng và bạt ngàn cây thuốc. Sau này do người dân khai khẩn nên mật độ cây thuốc đã giảm nhưng vẫn còn gặp.
Bắt nguồn từ việc Trần Quốc Tuấn cho trồng vườn thuốc trên núi Dược Sơn hình thành vườn thuốc quý, phong cảnh đẹp, đời sau gọi là Dược Lĩnh cổ viên.
|
Quả vậy, chỉ lên núi độ vài chục mét, ông Mậu chỉ cho tôi một khóm cây có lá giống hình trái tim, hoa màu tím. Theo ông Mậu, đây là cây kim tiền thảo trắng, một loại cây thuốc phổ biến ở núi Dược Sơn. Kim tiền thảo không chỉ làm mát mật mà còn có công dụng xổ sỏi. Ông Mậu lại dừng bên một bụi cây có tên là rút đất. Rút đất có lá giống hệt cây xấu hổ, khi chạm tay vào các lá cây đang xòe lập tức khép lại. Theo ông Mậu, đây là một trong các vị hàng đầu của bài thuốc chữa đau thần kinh tọa. Tới lưng chừng núi, ông Mậu bảo chúng tôi dừng lại ở khu vực có nhiều loại cây dại mọc đan xen. Ngắt một chiếc lá ở cây có nụ hoa như nụ sen dán vào áo tôi, ông Mậu bảo đây là cây móng hổ bởi lá của nó có các lông nhám. Trong nam dược, thân cây móng hổ được dùng để chữa bệnh suy thận. Chỉ những thân dây leo có hoa trắng bò đầy trên mặt đất, ông Mậu cho biết đó là cây ruột gà, một loại dược liệu hiện còn khá nhiều tại núi Dược Sơn. Ông Mậu cho biết, núi Dược Sơn còn khoảng trên dưới 200 loài cây thuốc. Nhiều loại nay hiếm song cũng có những loại hiện còn rất nhiều như cỏ cứt lợn, cỏ xước, quýt rừng… Có nhiều loại cây thuốc quý đặc trị được nhiều bệnh chỉ Dược Sơn mới có như cây bòn bọt nổi tiếng trị bệnh đi ngoài, cây đơn gân đứng hàng đầu về trị các bệnh đau thần kinh tọa, đau lưng, cây đơn hồng chữa bệnh viêm sưng…
Cần được khôi phục, bảo tồnDược Sơn nay đã hoang sơ, cây thuốc nam ngày càng ít dần, nhiều loại cây thuốc đã trở nên hiếm. Nguyên nhân do cây thuốc nam bị người dân chặt phá để trồng vải, nhãn... Ngoài ra, người làm nghề thuốc hoặc người dân thường thu hái tận gốc hoặc đào đem về trồng vườn nhà, khiến công thức mất dần.
Theo thống kê của Viện Y học dân tộc Trung ương thì trong thập kỷ 70 Dược Sơn còn khoảng 600 cây trồng là cây thuốc nam như lạc tiên, móng hổ, cỏ chỉ thiên, ruột già, mặt quỷ, chó đẻ, hà thủ ô, mặt trời, lá tiết dê, bồ giác, ruột tía, mắm tôm... Qua đề tài điều tra, khảo sát vườn thuốc Dược Sơn năm 1997-1998 của tỉnh ta, Dược Sơn chỉ còn 158 loài cây thuốc có thể sử dụng để chữa một số bệnh thông thường như bong gân, gẫy xương, vết thương phần mềm, đáng chú ý có cây dược linh, mỏ quạ; chữa bệnh đau dạ dày, ỉa chảy, nhuận tràng, lỵ, táo bón, chậm tiêu; cây bầu giác, sự cẩu, hàm ếch, cỏ Lào; chữa bệnh thần kinh, cơ, xương, khớp... Về trữ lượng, số lượng cá thể ít, trữ lượng nhỏ, phân bố không đồng đều, sinh sống phát triển tự nhiên, hoang dại, mật độ tập trung chủ yếu xung quanh vườn đồi.
Giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được khẳng định. Sự hiện diện của vườn thuốc Dược Sơn chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử cũng như tổng quan di tích Kiếp Bạc cần phải khôi phục. Tỉnh ta từng tiến hành điều tra thực trạng của Dược Sơn về lịch sử, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn, cây thuốc để xây dựng đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển Dược Sơn. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên chưa thể thực hiện. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh. Trong đó, vườn thuốc Dược Sơn nằm trong phân vùng bảo vệ đặc biệt, thuộc nhóm dự án tôn tạo, bảo quản, khôi phục với tổng diện tích 20 nghìn m2. Anh Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Phục hồi được vườn thuốc Dược Sơn sẽ làm cảnh quan khu di tích Kiếp Bạc thêm đẹp, không chỉ khôi phục được một trong "bát cổ" của Chí Linh mà còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về mảnh đất quê hương mình đang sinh sống.
Vườn Dược Sơn gồm 2 quả đồi áp sát nhau, cách Kiếp Bạc 500 m về phía tây nam. Hiện nay, dân đã khai phá lấn vào sâu chân đồi, chỉ còn lại quả đồi chính rộng 1,9 ha, chiều dài 270 m, rộng 65 m, mặt đồi bằng phẳng, dốc nghiêng theo chiều dọc từ tây nam về đông bắc.
Kết quả phân tích thổ nhưỡng các mẫu đất đá ở các độ sâu khác nhau do Trường Đại học Nông nghiệp I thực hiện cho thấy, đất đồi núi Dược Sơn là đất pha cát sỏi, cuội đỏ, đá vàng; thành phần cơ giới là đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất hơi chua hoặc trung tính, hơi nghèo, độ mùn trung bình; lượng lân và ka-li trung bình, có tầng đất dầy nên tổng dinh dưỡng cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
|
|
NGỌC HÙNG