Tôi đến Phù Lai vào một ngày nắng xô nghiêng bóng. Gió phả vào tôi mùi ngai ngái của cảnh vật, con người. Như tất cả vừa sau một cơn mưa, một cơn mưa dài ẩm ướt. Nắng lên, nhưng nắng không thể hong khô những ngày qua. Gió lên, nhưng gió vẫn không thể thổi tan những luồng tư tưởng ăn sâu vào nếp nghĩ. Suốt chặng đường dài từ Hà Nội vào tôi cứ day dứt bởi những điều đã được nghe về một xã gần hai mươi năm qua bị bao trùm bởi những cơn “bão trắng”. Những nhức nhối ấy thúc đẩy đôi chân tôi phải bước đi. Mẹ thở dài suốt đêm than trời “con gái theo chi nghề báo”. Lời nói của mẹ khiến lòng tôi như bị giăng mắc trong mớ ý nghĩ lộn xộn về cuộc đời làm báo mình.
Tôi mới ra trường, suốt đợt thử việc dài đã vắt kiệt sức lực. Không phải tôi không biết trước những khó khăn của nghề cầm bút mà sao vẫn thấy từng ngày đi qua là từng ngày phải đấu tranh với chính mình. Bố tôi mất sớm trong một cuộc truy lùng tội phạm ma tuý. Mẹ ở vậy nuôi tôi trong những tháng năm dài trằn trọc với những hoài niệm, những mảnh khuyết cuộc đời.
Tôi chuyên viết mảng pháp luật. Những tuần dài luồn rừng cùng bộ đội biên phòng hay biền biệt trong nhiều chuyến đi xuyên các tỉnh phía bắc khiến lòng mẹ bất an. Từ đó đêm nào mẹ cũng thức rất khuya, ngồi bất động, bóng hắt lên tường. Tôi cứ ngỡ như cha tôi cũng đang về nhìn mẹ mà xót xa. Tôi đâm buồn lòng nhưng vẫn không thể sống ngược hành trình tâm tưởng. Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng Biên tập bảo tôi:
- Khanh này! Chú muốn cháu vào Nghệ An một chuyến, viết phóng sự về ma túy. Chú tin cháu sẽ làm tốt. Nhớ chuẩn bị để tác nghiệp tốt, con gái mà đi xa vào tận bản Phù Lai cũng không phải đơn giản đâu.
Tôi chưa kịp phản ứng gì, đầu óc còn đang ám ảnh bởi những số liệu đã làm nên số phận của cả một làng, của biết bao con người bán đời mình cho sự mạo hiểm, thì đã phải gấp rút lên đường. Cán bộ xã Phù Lai đón tôi với vẻ mặt không thể phân biệt được cảm xúc. Nhiều chồng sổ sách dầy cộp, phải mất hơn một tiếng đồng hồ tôi mới đọc hết. Những con số cứ quay cuồng trong đầu, xã có hơn một trăm sáu mươi con nghiện, tám mươi lăm người đi tù không kể tử hình hoặc chết tù, năm mươi người hiện tại đang cai nghiện… Tôi hoảng hốt tưởng tượng ra một thế giới tiều tụy, kiệt cùng, xơ xác. Tai tôi nghe thấy chuỗi những tiếng thở dài của mẹ, những nén nhang đốt cho cha cứ lụi dần. Cha tôi ngày xưa đã hy sinh vì phải chống chọi với tệ nạn ma tuý này. Tôi thấy ám ảnh về sự hủy diệt của cái chết trắng, tôi tưởng như mình đang bỏ chạy khỏi đây, chân vấp ngã, mồ hôi túa ra, miệng không ngơi gào thét. Nhưng rõ ràng tôi vẫn ngồi chôn chân trên chiếc ghế tồi tàn của xã Phù Lai. Anh chủ tịch xã nhìn tôi với vẻ mặt lo lắng:
- Chị làm sao thế? Những con số không làm chị quá hốt hoảng đấy chứ?
- Ồ không sao ạ. Tôi chỉ hơi mệt thôi. Thế tình hình kinh tế, dân trí ở đây thế nào anh?
- Ôi dào! Lẽ ra cứ buôn thuốc phiện thì giàu nhưng ở đây lại vừa buôn vừa hút thì sức tàn lực kiệt chứ sao. Dân thì chỉ biết đến thuốc phiện, chẳng biết sợ trời đất là gì thì làm sao mà nói đến dân trí hả cô?
Tôi không đáp lời bước ra khỏi cửa mới nhận ra cỏ mọc ngông nghênh vào tận rìa sân uỷ ban xã. Phù Lai mùa này nhiều gió. Đêm đầu tiên tôi ngủ lại nhà chị phụ trách Hội Phụ nữ trên đỉnh núi, nơi mà một chiếc hang thông với dòng Nậm Nơn bốn mùa gió thúc, hun hút lạnh. Nhưng nghe kể chẳng hiểu tại sao cửa hang bị lấp, gió mất nơi đùa vui trú ẩn, gào lên những cơn điên cuồng đỏ mắt người. Đêm nằm không ngủ, nghe chị chủ nhà thủ thỉ kể hàng ngàn vạn câu chuyện về cái xã nhỏ bé đầy tội lỗi này. Chị kể mà tôi nghe như chị đang than, như đang hờ người chết:
- Bản Xốp Mạn mỗi chiều tôi ghé thăm là một lần thấy nó tiều tuỵ đi. Heo hắt những ngôi nhà chỉ còn bà già và trẻ nhỏ. Đi từ xa nghe chúng khóc kêu cha đòi mẹ mà ai oán quá.
- Có chuyện gì vậy chị?
Chị Thuỳ xoay người trằn trọc mãi, rồi vắt tay lên trán bảo:
- Thì bên đó công an mới bắt hai vụ đó thôi. Mà cô không biết đấy chứ ở đây người ta buôn thuốc phiện cả gia đình, dòng họ đấy.
- Thật sao?
- Thì rẫy bỏ không, cỏ mọc bốn bề đẻ nheo nhóc một lũ con không buôn thuốc phiện thì lấy cái gì mà nuôi cái miệng. Vợ buôn, chồng buôn, bị bắt thì con buôn. Cả dòng họ là một đường dây lớn. Không tin cô cứ hỏi xem có phải bản Xốp Mạn có ba nhăm hộ chỉ có bốn hộ không liên quan đến ma tuý.
Chị bỏ dở câu nói, thở dài thườn thượt. Tôi nằm não nề chờ sáng, phải đến tận khi tiếng trống trường văng vẳng mới đánh thức tôi trở về với cuộc sống heo hắt, tàn lụi nơi này. Tiếng chuông điện thoại chợt reo:
- Tình hình thế nào rồi cháu gái?
- Một vài thông tin thôi ạ, hôm nay cháu sẽ chính thức nhập cuộc.
- Tốt! Cố lên nhé, khó khăn gì cứ nói.
Đúng lúc ấy thì tiếng chị Thuỳ hớt hải cầm nón vẫy từ cuối con dốc.
- Cô nhà báo ơi! Đi thôi nào.
- Đi đâu trước đây chị?
- Đi đến trường mà xem, còn vài mống đi học. Hôm nay khai giảng nhưng chúng nó trốn hết rồi.
Trong ngôi trường đất đã bục, thầy hiệu trưởng buồn bã tiếp chuyện tôi. Bằng giọng buồn rầu ông bảo:
- Dạo này may lắm cũng chỉ có vài cháu đến trường. Bình thường đã thưa thớt rồi, nay đa số không còn bố mẹ nên chẳng đứa nào chịu đi học. Không phải vì xấu hổ đâu, mà còn phải lo miếng ăn đấy mà.
Nói rồi ông hiệu trưởng thở dài, giở cuốn sổ tay chi chít những cái tên học trò bị gạch chéo, thầy bảo:
- Thằng Lò Văn Vi, Lô Văn Báu còn bị HIV. Hôm nọ tôi đến nhà tội lắm. Vừa giận mà vừa thương cô ạ!
- Thế các em có tham gia buôn bán thuốc phiện không thầy?
- Có chứ cô, ở đây mà không buôn bán lấy gì mà ăn. Chúng phụ bố mẹ một tay coi như là việc nhà.
- Đất đai ở đây ngoài chọn những bãi đất tốt trồng thuốc phiện, còn lại thì bỏ hoang đúng không thầy?
- Thì thế, đứng lên cao một chút cô sẽ nhìn thấy những quả đồi thuốc phiện. Tàn nhẫn lắm.
- Vậy chính quyền xã không có phản ứng gì sao?
- Cứ bắt thằng cha thì thằng con kế nghiệp. Đốt nương thuốc phiện này để nguội tro lại trồng nương khác. Vừa là không có tiền thì không sống nổi vừa là không có thuốc thì cơn nghiện lại giết dần mòn. Một người nghiện đã mệt, đây lại cả bản, cả xã nghiện thì tránh sao loạn.
Tôi ghi chép lại tất cả để rồi những nỗi buồn cứ len lỏi, gặm nhấm tôi. Lại một ngày nữa trên Phù Lôm núi gió. Tôi rất muốn bí mật xâm nhập vào địa điểm lập lán của những ông Mẹo cầm đầu mỗi khu vực, nhưng như thế thì rất mạo hiểm. Tôi rất muốn có đủ lòng dũng cảm, nhưng những ý nghĩ đó vừa hiện ra đã bị ngay hình ảnh về người mẹ và những nén hương thắp cho cha ngăn tôi lại. Mẹ ngồi với chiếc bóng leo lét trên tường như màn kịch câm và biết đâu phía sau lưng mẹ là tôi và cha cùng ở một thế giới khác ngóng về.
Nỗi bất an khiến tôi không vào sâu trong núi nữa, toàn bộ những dữ liệu mà tôi khai thác ở đồn công an và các cấp chính quyền đã đầy đủ cho tôi hoàn thành một chuyến công tác xa. Nhưng tôi không muốn cầm bút viết. Tôi thấy mình hèn yếu và vô dụng. Tôi khóc, giọt nước mắt chảy xuống những yêu thương, tôi muốn chạy trốn nỗi sợ hãi trong mình mà không được. Ngày cuối cùng ở lại Phù Lôm, tôi cùng thầy hiệu trưởng và mấy cô giáo đi vận động lũ trẻ đến trường. Đi đến đâu cũng thấy chúng lấm lét chạy sau nhà. Đứa khóc, đứa nhìn chúng tôi trân trân như những người thuộc về thế giới khác, thế giới của no đủ và niềm vui, thế giới của những điều tốt đẹp. Toàn xã có tám bản, đi đường rừng không quen nên tôi rã rời hai khớp gối. Tôi lại nghĩ thương cha tôi trong những cuộc rượt đuổi đường dài, cha tôi đi biền biệt chẳng mấy khi về. Về chưa được bao lâu cha lại đi bỏ lại mẹ tôi héo hắt chờ. Tôi đã giận và ghét cha tôi lắm, tôi nghĩ ông vô tâm. Mẹ tôi bệnh nặng, cha không về, tôi nghĩ ông độc ác...
Bản Đứa trước mặt rồi, một căn nhà lá chênh vênh thấy một cụ già tóc đã bạc hết cả, tay bà run run vẫn đang chẻ nan đan phên, thấy chúng tôi bà bảo:
- Nhà còn ai đâu mà đến bắt.
Bỗng có tiếng động từ phía sau, tôi quay lại, một đứa trẻ teo tóp liệt cả hai chân bò ra bậu cửa.
- Bà ơi! Mẹ cháu về phải không, hay là bố cháu?
- Không! Người ta đến xem nhà còn ai không để bắt. Chứ bố mẹ mày thì làm sao về được.
Đứa bé cụp mắt, nó không buồn nhìn chúng tôi cứ bám bậu cửa và nhìn xa xôi lắm, mắt nó mòng mọng như lúc nào cũng chực vỡ òa. Mãi đến khi nhận ra chúng tôi, bà cụ mới mếu máo kể:
- Mẹ nó bị bắt hai năm rồi, chung thân thì làm sao mà về được. Cha nó nghiện rồi bắn chết người chốn biệt tăm, biệt tích. Bảy đứa con của chúng nó một mình thân già này nuôi, bây giờ cũng không biết sống ra sao. Thằng Pu bò lê, ai đưa đi học được buổi nào thì được còn không thì đành chịu. Ở đất này đã sinh ra ắt sẽ sống. Cùng cực quá thì lại theo cha mẹ. Già không kham nổi nữa rồi.
Thầy hiệu trưởng buồn lắm, ông cứ sờ mãi đôi bàn chân tật nguyền của Pu mà bảo:
- Đi học nhé! Thầy sẽ bảo bạn đưa đến lớp.
Nó không trả lời, hết nhìn bà lại dõi mắt phía xa. Nó bảo phía dưới là đồng bằng, ở phía ấy giàu lắm, trẻ con được học những ngôi trường đẹp, được đi chơi, được chiều chuộng. Nó còn bảo bố mẹ nó ở dưới đó kiếm được nhiều tiền, sẽ về chữa bàn chân cho nó. Khi ấy nó sẽ đến trường, còn bây giờ nó còn đợi mẹ, đợi cha.
* * *
Đêm cuối cùng ở lại Phù Lai. Tôi ngồi viết. Những hình ảnh cứ méo mó hiện về. Tôi còn quá trẻ để có thể dễ dàng nhìn nhận những nỗi đau ở đời. Nên thấy ma lực đồng tiền cuốn riết con người ta trong vòng quay cơm áo mà không khỏi xót xa. Ánh mắt của lũ trẻ như một dấu hỏi lớn còn khắc khoải trong tôi. Tôi không biết công việc mình đang làm có thật sự mang lại một điều gì đó tốt đẹp cho mảnh đất này hay không nhưng tôi tha thiết được viết lên tiếng kêu cứu. Tôi sợ đến một ngày nào đó, cùng với sự hủy diệt của ma túy và đói nghèo thì nơi đây chỉ còn là mảnh đất tàn lụi không sự sống.
Tôi từ biệt Phù Lai, nghe như có viên sỏi nào từ phía ngôi trường chênh vênh trên núi lăn vào tim tôi. Dòng sông Nậm Nơn vẫn hiền hòa, tựa lưng vào đại ngàn hùng vĩ. Nơi những cơn bão “trắng” vẫn thổi liên hồi. Tôi quay lại chỉ thấy ngôi trường liêu xiêu trong gió. Gió lại thổi, thổi tạt liên hồi vào tôi những hình ảnh méo mó, vẫn còn đang khuyết lắm. Ở phía dưới kia là một thế giới khác. Thế giới đó trẻ con được đến trường, thế giới ấy có những đôi chân khuyết tật được nâng đỡ cưu mang. Ở nơi đó những tâm hồn trẻ thơ không bị làm tàn tật.
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG