Nghề nấu rượu đã trở thành nét văn hóa, hồn cốt của quê hương Văn Giang (Ninh Giang) mỗi khi nhắc đến.
Rượu Văn Giang nổi tiếng với hương vị đặc trưng
Vào những tháng cuối năm, lượng rượu tiêu thụ của làng Văn Giang, xã Văn Hội (Ninh Giang) gấp 4-5 lần ngày thường. Hằng tháng làng nghề cung cấp ra thị trường từ 5.000-5.500 lít, nhưng vào dịp này tăng lên khoảng 20.000-30.000 lít rượu, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động có tuổi.
Ông Nguyễn Tất Thủ, cán bộ xã cho biết, hiện toàn xã Văn Hội có khoảng 152 hộ làm nghề nấu rượu, chiếm khoảng 7% tổng số gia đình trong xã. Năm nay, doanh thu từ nghề nấu rượu của làng ước đạt gần 2 tỷ đồng, chiếm 15,2% doanh thu cả xã.
Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, phương pháp nấu đến bí quyết truyền đời của người làm rượu Văn Giang đều mang đặc trưng riêng. Nguyên liệu được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, gạo nếp phải ngon, hạt mẩy, đều; men phải dùng men quả 42 vị thuốc bắc quý. Gạo nếp được nấu chín để nguội, rắc men đủ nồng độ lý tưởng, ủ theo quy trình 5 - 7 ngày tùy thời tiết, sau đó ngâm đúng đủ 12 ngày thì tiến hành chưng cất qua một hệ thống lọc và xử lý độc tố đa tầng, do vậy rượu luôn có hương vị riêng.
Là hộ nấu rượu 3 đời cha truyền con nối, anh Vũ Xuân Quyền ở xóm 5, thôn 3 cho biết: "Điểm đặc biệt của nấu rượu thủ công là nấu bằng bếp củi, công đoạn ngâm phải chín, nếu ngâm không kỹ thì men sẽ sống dẫn đến rượu uống sẽ nhức đầu. Khi tiến hành chưng cất, rượu được trữ trong đồ sành để bảo đảm chất lượng”. Cũng theo anh Quyền, nấu rượu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không thể cắt bớt công đoạn, vì nếu cắt bớt rượu sẽ bị giảm độ ngọt, thơm vốn có.
“Nghề nấu rượu đã trở thành nét văn hóa, hồn cốt của quê hương Văn Hội mỗi khi nhắc đến. Cũng là men, cùng một loại gạo, quy trình nấu đó nhưng sang vùng đất khác, rượu uống không được êm, thơm nồng và đậm đà như rượu nấu ở đây", anh Quyền tự hào nói.
Đại dịch kéo dài, hàng quán đóng cửa, các đám hiếu hỉ, hội nghị cũng hạn chế rất nhiều. Đầu ra khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới làng nghề nấu rượu Văn Giang. Chị Trần Thị Hải cách nhà anh Quyền vài xóm cho hay: "Trước đây, bốn tháng cuối năm nhà tôi nấu rượu liên tục, mỗi tháng cung cấp 1.000 lít rượu bán ra thị trường. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng bán ra giảm đi một nửa”.
Hiện số hộ dân nấu rượu trong xã đã giảm đi một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiêu thụ của rượu Văn Giang cũng thu hẹp lại, được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố ngoài Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Được UBND tỉnh công nhận là làng nghề nấu rượu nếp năm 2007, đây là niềm tự hào, động lực thúc đẩy làng nghề nấu rượu Văn Giang, xã Văn Hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do địa phương chưa xây dựng được thương hiệu nên nghề nấu rượu chưa phát huy được thế mạnh. Hiện các gia đình nấu rượu thường bán cho các mối quen. Quy trình sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt không có sự liên doanh liên kết giữa các hộ nấu rượu với nhau trong sản xuất, tiêu thụ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Bá Đông, Chủ tịch UBND xã Văn Hội cho biết: “Gần đây thị trường tiêu thụ của làng nghề bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh, nhưng ở đây chất lượng luôn được ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, xã sẽ tích cực động viên một số cơ sở sản xuất rượu đại diện cho làng nghề xây dựng thương hiệu”. Từ năm 2020 đến nay, 3,7 km đường quanh làng nghề đã được trải nhựa. Hy vọng, thời gian tới rượu truyền thống Văn Giang sẽ ngày càng phát triển.
QUỲNH MAI