Thế giới đến nay đã ghi nhận hơn 12,3 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 550.000 ca tử vong. Nữ Tổng thống Bolivia là một trong những bệnh nhân mới nhất.
Tổng thống Bolivia mắc COVID-19
Bà Jeanine Anez xác nhận bà xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 9.7, Tổng thống Bolivia cho biết bà vẫn "ổn" và sẽ bị cách ly trong 14 ngày trước khi xét nghiệm lại.
"Tôi xét nghiệm dương tính với COVID-19, tôi ổn. Tôi sẽ làm việc trong khi bị cách ly", bà viết.
Trước bà Anez, Bộ trưởng Y tế María Eidy Roca cũng thông báo mắc COVID-19 vào tuần trước. Quốc gia 11,5 triệu dân này có tỷ lệ mắc COVID-19 trên đầu người thuộc loại cao nhất trên thế giới, đến nay ghi nhận 42.000 ca mắc COVID-19 với hơn 1.500 ca tử vong.
Hàng trăm bệnh nhân COVID-19 tự xuất viện ở Romania
Trong khi Quốc hội Romania chuẩn bị thông qua luật cách ly bắt buộc để ngăn làn sóng lây nhiễm COVID-19, hàng trăm bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này đã tự xuất viện.
Theo Bộ trưởng Y tế Nelu Tataru, tổng cộng 624 bệnh nhân yêu cầu được xuất viện và đang là nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới trong cộng đồng.
Ngoài ra, hơn một nửa trong số 50.000 người đang được yêu cầu tự cách ly sau khi từ nước ngoài trở về đã không tuân thủ và tự rời khỏi nhà.
Romania, một trong những nước nghèo nhất châu Âu, ghi nhận 614 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 9.7, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Với khoảng 20 triệu dân, nước này đã có 30.789 ca bệnh và 1.834 ca tử vong.
36% dân số Mỹ Latinh sẽ rơi vào nghèo đói
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc cảnh báo 230 triệu người, chiếm 36,5% dân số Mỹ Latinh, sẽ rơi vào tình trạng nghèo trong năm 2020, tăng hơn 45 triệu người so với năm 2019. Trong khi đó, số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 96 triệu người, tăng 28 triệu người.
Thư ký điều hành của CEPAL, bà Alicia Bárcena dự báo nền kinh tế của khu vực sẽ suy giảm 9,1% và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nghèo đói, nghèo cùng cực và bất bình đẳng. Phụ nữ, người bản địa và người gốc Phi là những người dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, CEPAL dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 13,5% vào cuối năm nay, tương đương 44 triệu người không có việc làm trên toàn bộ dân số lao động 313 triệu người của khu vực.
Theo bà Bárcena, khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ tất cả các mặt yếu kém của khu vực như hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ, y tế, tỷ lệ việc làm phi chính thức và sự bất bình đẳng.
Theo Tuổi trẻ