Là người đa năng, từ năm 2019, nhà văn Kiều Bích Hậu đã tập trung kết nối với biên tập viên nhiều tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản nước ngoài để dịch và giới thiệu tác phẩm văn học trong nước.
Xuất phát từ niềm say mê văn chương
Kiều Bích Hậu bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn viết cho thiếu nhi từ thập niên 80 khi còn là học sinh bậc Trung học cơ sở. Điển hình là truyện nhiều kỳ Đồi ấy có ma, đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, thu hút rất nhiều bạn đọc trẻ.
Khi trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chị đã đoạt Giải thưởng văn học đầu tiên Tác phẩm tuổi xanh năm 1992 của báo Tiền Phong với Huyền thoại về người đẹp. Kể từ năm 2007, sau giải Nhì cuộc thi truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức với tác phẩm Đợi đò, Kiều Bích Hậu đạt đến thời kỳ đỉnh cao khi xuất bản liên tiếp 22 tựa sách, hầu hết là các tập truyện ngắn, 5 cuốn tiểu thuyết, 1 tập thơ song ngữ Anh - Ý (xuất bản tại Ý), 1 tập tản văn, 1 tập thơ tiếng Anh, 1 tập truyện ngắn tiếng Anh, 1 tập truyện dịch…
Kiều Bích Hậu được đánh giá là một trong những cây bút nữ có phong cách lãng mạn, sâu cay, hóm hỉnh Chị cũng là cây bút nữ thể hiện những đề tài mới mẻ, bao quát rộng do đi thực tế nhiều ở trong nước và quốc tế; đồng thời là một trong số rất hiếm nhà văn Việt Nam có thể sáng tác song ngữ.
Nhà văn Kiều Bích Hậu nhận giải thưởng và quà tặng từ Ban tổ chức Liên hoan thơ châu Âu
“Bà đỡ” mát tay đưa văn học Việt Nam ra thế giới
Là người đa năng, từ năm 2019, Kiều Bích Hậu đã tập trung kết nối với biên tập viên nhiều tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản nước ngoài để dịch và giới thiệu tác phẩm văn học trong nước. Chị dấn thân vào công việc mới mẻ làm đại diện văn học, thay mặt cho các nhà văn Việt Nam đưa những sản phẩm tâm huyết của đồng nghiệp ra ngoài biên giới.
Chị cùng nhóm Nữ dịch giả Hà Nội (còn gọi là nhóm Hồng Hà nữ sĩ) tổ chức dịch và đưa hàng chục tựa sách văn học Việt Nam xuất bản ở nước ngoài. Với nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả, nữ nhà văn đã được Hội văn học nghệ thuật Danube và Nhà xuất bản AB ART của Hungary trao tặng Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2022.
Kiều Bích Hậu tâm sự: “Xuất phát từ nhu cầu tự thân, khi xuất bản đến cuốn sách thứ tư năm 2012, tôi muốn thử nghiệm đưa sách của mình ra nước ngoài xem sao, nhưng lúc đó không tìm thấy con đường nào. Cho đến năm 2019, cánh cửa kỳ diệu đã mở ra khi báo chí và nhà xuất bản ở châu Âu đề nghị in tác phẩm của tôi tại Romania, Italia. Niềm vui ngập tràn khi ngắm nhìn những “đứa con” tinh thần được in bằng ngôn ngữ khác, tượng hình theo một cách nhìn khác với sự đón chào của đồng nghiệp phương Tây. Và tôi cũng muốn các nhà văn Việt Nam cùng được trải nghiệm niềm vui như mình nên miệt mài kết nối thêm với một số đơn vị xuất bản khác”.
Với mỗi đầu cầu, chị lại trao đổi về phương thức hai bên sẽ hợp tác, nội dung cần chuyển ngữ, vướng mắc của dịch giả và lựa chọn những tác phẩm phù hợp để “xuất khẩu”. Quyền lợi lớn nhất của các tác giả có tác phẩm “xuất ngoại” là tiếng nói, tư tưởng vượt khỏi ranh giới quốc gia, kết nối với những tâm hồn đồng điệu phương xa. “Tên tuổi của họ cũng được bạn đọc quốc tế biết đến và hai tiếng Việt Nam được xướng lên bên cạnh tên và tác phẩm của những cây bút nước ngoài. Điều đó thật hạnh phúc”, chị tâm sự.
Nỗ lực tham gia các sự kiện văn học quốc tế
Có lẽ trong số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, ít ai nỗ lực tham gia nhiều sự kiện văn học quốc tế như Kiều Bích Hậu. Chị đã giới thiệu không ít nhà thơ, nhà văn Việt Nam đến các chương trình giao lưu, trao đổi văn học quốc tế trực tuyến, dự án văn học đa quốc gia, thực hiện các hợp tuyển thơ văn song phương và đa phương.
Nữ nhà văn khá có duyên với các giải thưởng văn học cả trong nước và quốc tế. Gần đây nhất là Giải thưởng đặc biệt của Liên hoan thơ châu Âu lần thứ 13 diễn ra tại Como (Ý) từ ngày 19-21.5.2023 với chủ đề Hạnh phúc thơ ca.
Kiều Bích Hậu là khách mời chính thức tham dự sự kiện, chị gửi tới Ban tổ chức 4 tác phẩm thơ song ngữ Việt - Anh gồm: Sự trống rỗng thiêng liêng, Bài ca sông Hồng, Sự sụp đổ của nhân tính, Cuộc đời tôi là một bài thơ. Cả 4 tác phẩm được các nghệ sĩ, sinh viên nghệ thuật của Ý phân tích và dàn dựng thành phim ngắn, kịch, sản phẩm âm nhạc.
Tại Liên hoan, các tác giả khách mời đã đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ trước công chúng, gặp gỡ nghệ sĩ, đối thoại với sinh viên và thưởng thức tác phẩm của chính mình dưới hình thức phim ngắn, kịch ngắn, âm nhạc và phiên bản tiếng Ý. Nhà văn Kiều Bích Hậu nhận Giải thưởng đặc biệt của Liên hoan thơ châu Âu cho công lao phổ biến, đưa thơ văn Việt Nam lên tầm quốc tế.
Trước đó, tập thơ Ẩn số của chị đã được xuất bản song ngữ Anh - Ý. Chị cũng có đóng góp trong việc đưa tập thơ Sông núi trên vai của 60 tác giả Việt Nam xuất bản bằng ba ngôn ngữ Anh - Ý - Việt tại nước Ý năm 2020.
Theo Vetnamnet