Được mệnh danh là hoàng tử lãng du của thi đàn Việt Nam, Hoàng Cầm sở hữu một gia tài thơ phong phú song tất cả thống nhất trong một phong cách chung.
Được mệnh danh là hoàng tử lãng du của thi đàn Việt Nam, Hoàng Cầm sở hữu một gia tài thơ phong phú song tất cả thống nhất trong một phong cách chung. Đó là những bài thơ đẹp đẽ về hình ảnh, ngôn từ, phiêu du về cảm xúc, nhưng vẫn đọng lại những suy ngẫm, triết lý về thế thái, nhân sinh. "Anh đi và em đi" là bài thơ kết tinh những đặc điểm ấy của phong cách thơ Hoàng Cầm.
Bài thơ khá đặc biệt về hình thức, kết cấu. Chỉ có 8 câu thơ nhưng được chia làm 4 khổ, mỗi khổ là một cặp lục bát đứng kết đôi. Ngay từ tiêu đề "Anh đi và em đi" người đọc đã hình dung ra sự sánh đôi của hai nhân vật trữ tình. Cái thế đứng song song ấy tiếp tục được duy trì trong toàn bộ bài thơ, thể hiện trong từng khổ thơ siêu ngắn nhưng không hề cộc, cụt mà vẫn rất duyên dáng, ý nghĩa đủ đầy. So với phần lớn các bài thơ của Hoàng Cầm khá dài thì "Anh đi và em đi" là một điểm nhấn khác biệt song vẫn để lại cho người đọc nhiều nỗi niềm lưu luyến.
Toát lên từ bài thơ là cảm hứng về sự hư vô, chủ đề khá quen thuộc trong thi ca. Các nhà thơ thường bị ám ảnh bởi thời gian, không gian nên thơ của họ thường đong đầy xúc cảm về hai chủ thể rộng lớn, đầy sức mạnh này. Hai khổ thơ đầu của bài thơ "Anh đi và em đi" thoạt nghe như miêu tả một trò cút bắt của hai người giữa không gian mênh mông ấy: "Anh đi về phía không em/Em đi về phía dài thêm bão bùng/Anh đi sắp đến vô cùng/Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi". Mỗi một câu thơ miêu tả về hành động của một người. Cả "anh" và "em" đều đang "đi" nhưng mỗi người hướng tới một đích đến khác nhau. Hướng anh đi là hướng "không em", phía em đi lại là phía "dài thêm bão bùng" cho dù sự thử thách, khắc nghiệt của hai phương trời ấy dường như chẳng khác gì nhau. Và kết quả của hành trình ấy là anh "sắp đến vô cùng", còn em "sắp đến cánh hồng đang rơi". Đó là hành trình của cả một kiếp người chứ không hẳn là một chuyến đi nào đó. Hai từ "sắp" ẩn chứa phập phồng lo lắng về chặng cuối của hành trình đời người đang đến. Dù hành trình của anh và em giống như một cặp thơ lục bát, như hai đường thẳng song song chỉ có thể gặp nhau ở vô cực nhưng anh vẫn thấy đích đến của em thật đẹp trong hình ảnh "cánh hồng đang rơi".
Chuyến đi hữu hạn của đời người trong sự vô cùng của thời gian thường gợi cho con người cảm giác xót xa bất lực trước sự đối lập ấy mà không thể nào chống lại được. Song trong bài thơ này của Hoàng Cầm vẫn toát lên tâm thế an nhiên, phảng phất nỗi niềm hy vọng. Khổ thơ thứ ba dung chứa những hình ảnh đắt giá miêu tả tâm thế ấy của nhân vật trữ tình: "Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười/Tám mươi đứng khóc nẻo đời chưa khô". "Bảy mươi", "tám mươi" là những con số cụ thể về tuổi tác của con người đồng thời cũng mang tính ước lệ, tượng trưng cho tuổi già, cho chặng cuối trong hành trình đời người. Hai hình ảnh "ngoẹn cười", "đứng khóc" đối lập với nhau về mặt hình thức nhưng thực chất cùng để làm nổi bật lên tâm hồn vẫn tràn đầy xúc cảm và sức sống dù cho quỹ thời gian đang cạn dần. Cái hữu hạn của đời người không thể nào trói buộc được hồn thơ mà càng thôi thúc con người tìm cách vượt lên trên nó. Xuân Diệu dùng tình yêu để chiến thắng thời gian. Còn Hoàng Cầm dường như lại "đồng lõa" với hư vô, nhập vào trong nó để tìm ra vẻ đẹp, chiến thắng nỗi sợ hãi sự phù du. Niềm hy vọng ông gieo vào giữa chốn hư vô ấy kết tinh trong hình ảnh "em vẫn lửng lơ hát buồn". Hai chữ "biết đâu" chuyển từ phập phồng lo lắng sang trạng thái khấp khởi hy vọng. Dù cho cả cuộc hành trình "anh" và "em" không gặp được nhau nhưng đến cuối cùng, có thể anh vẫn sẽ thấy "em", ta vẫn hội ngộ với nhau. Niềm hy vọng ấy khiến "trăm năm nhào quyện hư vô" không còn gì đáng sợ, khiến người ta có thể đối mặt với nó trong trạng thái nhẹ nhàng, tự tại.
"Anh đi và em đi" là một bài thơ ngắn nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm, triết lý nhân sinh. Bài thơ mang vẻ đẹp về cả hình thức lẫn nội dung khiến những câu thơ lục bát cứ vướng vít, vấn vương trong hồn người yêu thơ nhiều thế hệ.
LAM ANH
Anh đi và em đi Anh đi về phía không em |