Năm nay đã bước vào độ tuổi “chín” của nghề (36 tuổi), bác sĩ Vân mong muốn làm sao sớm có thuốc để chữa khỏi cho những bệnh nhân HIV...
Bác sĩ Vân tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV
Chúng tôi gặp bác sĩ Đinh Thị Thúy Vân, Phó Trưởng khoa Khám bệnh và tư vấn, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khi chị vừa kết thúc câu chuyện với một người phụ nữ bị nhiễm HIV. Chúng tôi gọi buổi tư vấn của chị là "câu chuyện" bởi mỗi bệnh nhân nhiễm HIV đến với chị đều chất chứa cả một nỗi đau, sự tuyệt vọng và họ kể về con đường dẫn họ đến với "căn bệnh thế kỷ". Khi đã ở phần cuối của con đường, họ tìm đến với chị và hơn ai hết, người bác sĩ ấy đã tận tình điều trị, góp phần xoa dịu nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của họ.
Sinh ra trong gia đình có tới 9 anh chị em, chị Vân là con út nhưng đã sớm phải chịu nỗi đau mất đi người cha khi chị mới 7 tuổi. Sự ra đi vì tai biến quá nhanh của người cha khiến cô con gái nhỏ nghĩ nhiều đến ước mơ "sau này con sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho cả nhà". Mẹ chị cũng mong muốn gia đình có người theo ngành y "để nhỡ nhà có ai bị bệnh cũng dễ dàng chữa trị hơn". Chị gái của chị cũng thi vào ngành y nhưng không đỗ, còn chị thi đỗ vào Trường Trung cấp Y Hải Dương. Vừa ra trường, chị đã được nhận về làm điều dưỡng tại Khoa Hồi sức cấp cứu (nay là Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Môi trường làm việc nơi đây rất vất vả do hằng ngày phải chăm sóc những bệnh nhân nặng nhất, ở trong tình trạng nguy hiểm nhất. Dù khi đó tuổi đời còn rất trẻ nhưng chị vẫn kiên trì, bền bỉ với công việc và nuôi dưỡng ước mơ tiếp tục học cao hơn nữa. Công việc vất vả, áp lực lớn nhưng chị vẫn dành thời gian để ôn luyện đợi đến ngày thi vào đại học. Sau 7 năm làm tốt công việc, chị thi đỗ vào Học viện Quân y, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Sau 4 năm vừa học, vừa làm, chị đã hoàn thành được ước mơ trở thành bác sĩ. Tháng 11-2010, biết Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh lúc đó thiếu nhiều bác sĩ, chị lại xin chuyển công tác về đây với hy vọng giúp được nhiều con người bất hạnh hơn nữa. Chị chia sẻ: “Lúc chuyển công tác về trung tâm, tôi đã xác định trước tư tưởng rằng môi trường làm việc mới này sẽ rất khó khăn, bởi vì bệnh nhân đến với mình đều là những người rất đặc biệt. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm rằng, ở ngoài xã hội họ có thể là người nghiện ma túy, gái bán dâm nhưng khi họ đến với mình thì họ đều là những bệnh nhân cần sự sẻ chia”. Làm việc tại phòng khám, công việc của chị vừa khám, điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ngoại trú và hằng ngày khám cho những bệnh nhân mới. Chị cũng từng chứng kiến rất nhiều cảnh bệnh nhân say rượu, đến khám bệnh lại chửi bới, ăn nói cộc lốc. Thậm chí có người đang được điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) nhưng vẫn dùng ma túy, đến phòng khám trong tình trạng “phê” thuốc. Nhiều bệnh nhân đã trở nên bất cần, tâm lý không ổn định nên đòi hỏi người bác sĩ phải thật sự nhẫn nại và mềm mỏng. Nhiều trường hợp, chị phải liên hệ với gia đình bệnh nhân, đề nghị họ đi cùng bệnh nhân đến trung tâm để chị tư vấn cho cả bệnh nhân và người thân của họ. Bên cạnh những bệnh nhân điều trị ngoại trú, hằng ngày vẫn có những bệnh nhân mới, nghi ngờ bị nhiễm HIV đến với chị. Ngoài những kiến thức chuyên môn, chị phải vận dụng cả vốn sống của bản thân để chia sẻ với bệnh nhân, đồng cảm với những lo lắng của họ.
Hằng ngày tiếp xúc với những bệnh nhân đặc biệt, nhiều lúc người bác sĩ ấy cũng bị chính nghề nghiệp ám ảnh. Day dứt nhất vẫn là hoàn cảnh của những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Chúng hoàn toàn vô tội nhưng lại mang nhiều nỗi đau. Theo sát điều trị cho các em nhưng nhiều khi chị cũng cảm thấy tuyệt vọng vì những nỗ lực của mình không thể cứu sống các em. Có lẽ vì đặc trưng nghề nghiệp mà đến nay, chị là 1 trong 2 bác sĩ nữ ít ỏi làm việc tại trung tâm. Chị Vân tâm sự: “Nhiều lúc cũng mệt mỏi nhưng tự mình phải sốc lại tinh thần, mình phải kiên cường hơn mới mong làm tốt được công việc”. Anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Bác sĩ Vân là người có chuyên môn vững vàng và tận tâm với công việc. Đặc biệt hơn cả, đây là một trong số ít bác sĩ nữ trụ được với áp lực công việc trong môi trường làm việc đặc biệt như Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS”.
Năm nay đã bước vào độ tuổi “chín” của nghề (36 tuổi), bác sĩ Vân mong muốn: “Làm sao sớm có thuốc để chữa khỏi cho những bệnh nhân HIV, nhất là cứu sống những đứa trẻ là nạn nhân của căn bệnh này”. Từ mong muốn đó, chị càng quyết tâm gắn bó với những bệnh nhân đặc biệt ấy, làm tốt công việc của mình hơn nữa.
MINH HẠNH