Nữ bác sĩ

11/03/2014 07:10




Minh họa: VĂN HÀ

Một đêm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh im lìm trong giấc ngủ. Bỏ lại sau lưng những lo toan trên từng khuôn mặt người bệnh và thân nhân đến thăm nuôi. Tiếng chuông điện thoại bật vang phá vỡ bầu không khí yên tĩnh, Thu nhấc máy: "Bác sĩ Thu xin nghe". Tiếng nói từ đầu dây bên kia gấp gáp: "Phòng trực cấp cứu đây. Có một sản phụ bị ngôi thai ngược, vỡ ối đã hai ngày, hiện tim thai rất yếu. Chuẩn bị ca mổ gấp". Đặt ống nghe xuống, Thu vơ vội chiếc áo bờ lu khoác lên người. Chị là bác sĩ mổ ca trực đêm nay. Theo đánh giá của giới chuyên môn và bạn bè đồng nghiệp thì Thu được tôn vinh là người có "đôi bàn tay vàng". Rất mát tay, rất khéo léo và điêu luyện. Người bệnh nào trước khi đưa lên bàn phẫu thuật được biết người mổ xẻ cho mình là bác sĩ Phạm Minh Thu đều yên tâm vững dạ với niềm tin chắc chắn bệnh tật của mình sẽ khỏi. Nhưng theo Thu thì sự tin tưởng của bệnh nhân vào thầy thuốc đã giúp chính họ khỏi bệnh được một nửa. Phần còn lại là nhờ khoa học kỹ thuật tiên tiến của nhân loại. Chị chỉ là người thực thi nền khoa học ấy mà thôi.

Vừa cài xong chiếc khuy áo cuối cùng, sau lưng Thu chợt vang lên tiếng nói: "Chị Thu!". Tiếng nói rất nhỏ, gần như thầm thì, run rẩy, sợ hãi. Thu quay phắt lại. Trước mặt chị, một ông già chừng gần tám mươi tuổi, cao lòng khòng, tóc bạc gần hết, nét mặt đầy lo lắng, hoảng loạn. Thu khẽ rùng mình. Hình như gương mặt này chị đã gặp ở đâu, vào thời khắc nào đó xa lắm mà trong lúc vội chưa kịp nghĩ ra. Thu nhẹ nhàng: "Xin lỗi. Tôi rất vội. Người bệnh đang chờ. Thông cảm vậy ông nhé". Ông già lần đầu tiên ngẩng mặt lên, trong khoé mắt còn đọng lại hai giọt nước to tròn màu đỏ. Đôi chân ông như không thể đứng vững. Thu có cảm giác ông già sắp quỳ xuống chân mình. Chị đoán ông già này chắc là thân nhân của sản phụ vào xin bác sĩ nhiệt tình cứu giúp. Nhưng chị đang rất vội. Sản phụ đã được chuyển lên bàn mổ. Mọi việc cho ca đại phẫu thuật đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhiệm vụ của chị là thật khẩn trương sớm giây nào tốt giây ấy. Chỉ cần chậm một chút thôi cái thai nhi kia sẽ vĩnh viễn không bao giờ được làm người. Nào ai đoán định trước tương lai của đứa trẻ sắp sinh. Có thể nó sẽ trở thành một vị tướng tài năng xuất chúng, có thể sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia, chí ít cũng là một công dân tốt. Nhìn gương mặt quá khổ đau, quá tiều tụy của ông lão, Thu không lỡ. Chị nói: "Vậy ông cần điều gì ở tôi? Nói ngắn thôi. Mong ông hiểu công việc của tôi". Gương mặt ông lão giãn ra đôi chút, nhưng vẫn cúi gằm. Hai giọt nước từ nãy vẫn nằm trong khoé mắt, rơi xuống nền gạch bông như hai giọt máu. Giọng ông thều thào: "Tôi... tôi là Sơn... Lê Thái Sơn..."

Thu choáng váng chết lặng. Chị loạng choạng vịn tay vào mép bàn. Ba tiếng Lê Thái Sơn gợi lại cho chị một kỷ niệm không thể nào quên.

Ngày ấy, cuối năm 1973, mùa đông, nửa nước vẫn còn trong khói lửa chiến tranh. Trung tá Lê Thái Sơn được cấp trên bổ nhiệm về làm quận trưởng khu Hoà Nam. Theo nhận xét của mọi người, Sơn là một nhân vật nham hiểm và xảo quyệt. Hắn biết giấu sự dã man tàn bạo của mình trong cái mã bề ngoài rất trí thức, cái bắt tay nồng nhiệt, hồ hởi và lời nói uyển chuyển nhẹ nhàng thủ thỉ như cha đạo giảng kinh. Hắn biết vờ cúi mình trước những mái đầu tóc bạc, biết chia kẹo cho trẻ nhỏ, biết nói về luân thường đạo lý, về tình bằng hữu, về tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn. Điều đó khiến những người nhẹ dạ dễ bị lừa gạt. Đằng sau cặp kính màu nước biển hiền lành kia là đôi mắt của một con rắn độc. Lại nghe nói có lần hắn khuyên các chiến hữu của mình cần phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê, chủ nghĩa xã hội. Cấp trên của hắn giật mình gọi hắn lên hỏi cho rõ. Hắn thản nhiên nói: "Nếu không hiểu thật rõ về chủ nghĩa cộng sản thì mọi sự chống lại chỉ là mù quáng". Câu nói của hắn được truyền tụng trong sư đoàn như một lời tuyên ngôn. Vài ngày sau khi nhậm chức, Sơn triệu tập dân làng quanh khu đồn trú nghe hắn nói chuyện, gọi là buổi lễ ra mắt của ngài quận trưởng. Giọng hắn êm ru, mượt như nhung: "Hiệp định Pa-ri đã và đang được thực thi hữu hiệu trên toàn cõi Việt Nam cộng hoà. Các chính khách cấp cao của hai miền đang bàn soạn phương thức hiệp thương. Hoà bình trong tầm tay, đổ máu lúc này vô cùng uổng phí. Trước đây người cộng sản nói đánh Mỹ, giờ Mỹ đã rút về nước, còn lại toàn người mình với nhau. Chẳng lẽ anh em một nhà không thể nói chuyện nhẹ nhàng được sao? Vậy tôi thay mặt chánh phủ, tuyên bố nếu quân đội hoặc nhân viên công lực Việt Nam cộng hoà làm điều gì sai trái, yêu cầu những người có trách nhiệm phía giải phóng, cụ thể là chi bộ đảng, lên đồn phản ảnh. Mọi sự vi phạm pháp luật đều bị trừng phạt". Buổi ra mắt của quận trưởng kết thúc. Dân làng lặng lẽ ra về. Một lần làm như tình cờ, hắn rẽ vào nhà Hai Nghĩa, người Bí thư kiêm Xã đội trưởng. Hắn nói: "Chị Tư Ngàn ạ, với Hai Nghĩa, chồng chị, ngoài tình bạn thủa học trò, tôi còn rất kính trọng anh ấy về bản lĩnh và lòng dũng cảm. Hôm qua anh em chúng tôi còn ở hai trận tuyến. Nhưng hôm nay là anh em một nhà. Chẳng lẽ tôi không bảo lãnh được cho anh ấy sao?". Ba Ngàn cười nhạt: "Mỗi người một chí hướng, gia đình ông đấy. Ông đã bảo được người anh ruột ông về với chánh phủ quốc gia chưa?". Đuối lý, Sơn ra về sau khi ném lại câu chẳng rõ dọa ai: "Quân pháp bất vị thân". Ngay sau đó tên Sơn tung mật thám, chỉ điểm đóng giả thường dân len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, lùng sục cán bộ của ta. Ban đêm, hắn tổ chức những cuộc phục kích, đón lõng mọi con đường vào xã. Và một lần như thế, hắn bắt được Hai Nghĩa. Những lời hứa hoa mỹ, những bổng lộc, địa vị chức tước cùng bao trận đòn tra khảo cực kỳ dã man cũng không lung lạc được ý chí người Bí thư chi bộ. Để răn đe dân làng, tên Sơn quyết định đưa Hai Nghĩa về Hoà Nam xử bắn. Cái chết lẫm liệt của chồng thúc đẩy người đàn bà yếu đuối Ba Ngàn thành nữ du kích kiên cường. Đã có lần Ba Ngàn rượt đuổi tên Sơn, xả đạn, nhưng không trúng. Để thuận lợi cho công tác, Ba Ngàn gửi Thu ra Bắc học tập. Hôm chia tay, Ba Ngàn dặn con: "Con phải tạc mối thù này vào xương tuỷ. Đời má chưa trả xong, đời con phải trả". Câu dặn dò như lời trăn trối của má khiến bé Thu cảm nhận được gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của mình. Ba Ngàn đã hy sinh vào những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Mấy chục năm trôi qua, vết thương tưởng đã liền da, giờ đây như có bàn tay vô hình xé tung, nhức nhối. Trái đất tưởng mênh mông hoá ra chỉ là mảnh ruộng, khoảnh sân, ra đụng vào chạm. Lời dặn cuối cùng của má ngân lên dữ dội, giục giã. Cơ hội trả thù là đây. Tiếng van xin của ông Sơn đứt quãng, Thu nghe tiếng được tiếng mất: "Thằng ...con trai tôi đã ...chết vì tai nạn... Nó để lại cho tôi giọt máu này...Cháu là con trai...Niềm hy vọng...của tôi. Cầu xin chị ra tay cứu vớt".
Ông Sơn quỳ xuống, mặt áp đất. Hình như ông ta khóc. Tiếng má ngày nào lại vang lên: "Con phải tạc mối thù này vào xương tuỷ...". Thu nhủ thầm: "Má ơi! Con không bao giờ quên được hình ảnh ba bị xử bắn trước mặt má con mình". Cơ hội chỉ đến với người ta một lần trong đời. Con dao mổ trong tay chị chỉ cần lách nhẹ lệch sang bên tí chút, đứa bé sẽ vĩnh viễn ra đi. Hoặc Thu chỉ chùng chình làm chậm thời gian mổ cũng dư sức khiến thai nhi chết ngạt trong chính cái nơi sinh ra nó. Thu biết trong y học người ta không thiếu lời bào chữa cho việc làm của mình. Không ai ghép tội chị được. Tất cả sẽ đổ lên đầu người mẹ trẻ tội nghiệp. Nào là cô ta không chịu đi khám định kỳ thai nghén. Nào là cô ta đến bệnh viện quá muộn... Thế thôi. Chuyện chết một thai nhi sẽ chìm vào vô vàn chuyện khác ở đời. Còn sản phụ, cô ta sẽ lại lấy chồng và sinh con. Cô ta còn trẻ đẹp thiếu gì người say mê. Nhưng đứa con sau này của cô ta dứt khoát không mang dòng máu kẻ thù.

Thu bước ra khỏi phòng trực dứt khoát, bỏ lại sau lưng lời cầu xin của ông Sơn. Dường như đọc được ý nghĩ trong đầu Thu, ông Sơn ngẩng mặt lên: "Tôi là kẻ có tội với gia đình chị. Và tôi đã phải trả món nợ ấy bằng mấy chục năm sống trong day dứt, ân hận...".Lòng Thu lạnh tanh. Ngọn lửa căm hờn đang rực cháy. Hình như má chị đang mỉm cười, khen: "Má tin bao giờ con cũng là đứa trẻ biết nghe lời". Tiếng ông Sơn thét lên trong tuyệt vọng: "Mẹ con cháu bé không có tội". Tiếng thét như ngọn roi quất ngang mặt Thu. Chị sững lại.

Một cơn gió ào tới buốt giá. Cây bàng trong sân bệnh viện khẳng khiu, mốc meo. Trên cành còn sót lại dăm ba cái lá đỏ mầu máu lay lắt như bàn tay chấp chới, kêu cứu. Từng giọt mưa theo gió táp vào mặt chị, lạnh lẽo. Ngọn lửa trong lòng Thu chùng xuống.

Thu bước vào phòng mổ. Người sản phụ trẻ đang quằn quại trên bàn mổ.Mặt cô ta nhăn lại vì đau, vì lo âu và cả sợ hãi nữa. Hẳn cô ta cũng biết mối ân oán giữa bố chồng khổ đau của mình với người bác sĩ đứng trước mặt. Người bác sĩ này sẽ quyết định số mệnh của mẹ con cô. Cô muốn nói điều gì đó nhưng có lẽ do quá yếu nên Thu chỉ thấy đôi môi cô mấp máy. Thu tiến gần lại bàn mổ. Người phụ tá choàng lên miệng chị cái khẩu trang, đeo vào tay chị đôi găng tay mổ. Chị giơ tay ra hiệu cho bộ phận gây mê bắt đầu. Bàn tay Thu thoăn thoắt và chuẩn xác lắp lưỡi dao mổ vào cán. Dưới ngọn đèn không hắt bóng, lưỡi dao lấp loáng, Thu thấy gương mặt mình in trong ánh thép. Nhưng kỳ lạ thay, đôi mắt kia lại là của ba chị. Ai cũng bảo Thu giống cha nhiều hơn. Nhất là đôi mắt. "Gái giống cha, giầu ba đụn...".Thu chưa giầu tiền bạc như trong câu ca, nhưng chị cảm nhận được mình rất "giầu" lời cảm ơn của mọi người sau ca mổ thành công. Kìa, đôi mắt của người cha thân yêu đang nhìn chị nghiêm khắc: "Dừng tay, con gái. Con hãy từ bỏ mọi ý định đen tối không đúng với bản chất của người thầy thuốc. Con không thể lấy cái ác trả thù một cái ác. Ông Sơn là người có tội với đồng bào ta, với gia đình ta. Và ông đã phải trả giá cho tội ác của mình. Dân tộc ta, nhân dân ta đã khoan dung tha thứ. Sao con cũng không một lần tha thứ cho ông ta?". Lưỡi dao mổ được Thu đặt lệch sang bên đúng vị trí của tim thai. Chỉ cần ấn mạnh một chút thôi. "Ba ơi! còn lời trăn trối của má con?". Tiếng cha chị lại vang lên: "Con hãy nhắc lại lời thề Hippocrate trước khi vào nghề. Đó là lời thề vô cùng thiêng liêng hơn tất cả mọi lời thề. Ba hỏi con câu cuối, con có còn là một người mẹ nữa không?". Vâng, chị vẫn là người mẹ của hai đứa con. Nó là báu vật của đời chị. Chị có thể hy sinh vì con. Chị cũng cảm thông chia sẻ nỗi đau vượt cạn vô cùng nguy hiểm của những người mẹ. Lưỡi dao mổ trong tay Thu cứ nhích dần, nhích dần trên làn da bụng người sản phụ. Và nó dừng lại đúng nơi cần thiết. Thu thầm thì: "Má ơi! con không thể...". Chị ấn nhẹ lưỡi dao chính xác như một phương trình toán học.

Ngoài hành lang, ông Sơn đứng tựa lưng vào tường, nét mặt căng thẳng lo âu, sợ hãi. Không gian như bị kéo giãn ra, mỏng dính. Ông đang chờ cái hệ quả "gieo gió gặt bão" đổ xuống đầu ông. Gió bấc lồng lộn ngoài sân. Bão tố sám hối gào thét trong lòng ông. Thần kinh ông căng lên. Bất chợt tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên trong phòng mổ. Không gian vỡ oà ào ạt. Ông Sơn khuỵu xuống nền gạch bông. Mặt ông cúi rất thấp, nước mắt nhạt nhoà. Miệng ông thầm thì rất khẽ. Hẳn ông đang tạ ơn với linh hồn vợ chồng Hai Nghĩa.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nữ bác sĩ