NSND Trọng Khôi: Ký ức và những khát vọng

16/03/2012 18:10

Ông làngười códuyên nghệ sỹ bẩm sinh,đã tạo được ấn tượng qua những vai diễn để đời vàđang còn rất nhiều tâm nguyệndở dang…


Trọng Khôi và duyên nghệ sỹ bẩm sinh

NSND Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943. Ông yêu thích nghề diễn viên từ nhỏ và nghiệp diễn đã gắn với ông như cái duyên trời định.

Suốt thời niên thiếu, Trọng Khôi đã không bỏ lỡ các cơ hội tham gia sinh hoạt kịch nghiệp dư trong các buổi liên hoan tổng kết ở trường từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Ngay từ những năm đầu cắp sách đến trường, cậu bé Khôi ngày nào đã được thầy giáo chọn vào vai Lê Lai liều mình cứu chúa.

Đến tuổi thi Đại học, vốn sẵn máu “nghệ thuật” trong người, cậu thanh niên Trọng Khôi đã giấu gia đình để thi vào trường Sân khấu. Sợ bố biết, cả tháng liền cậu trốn ở nhà người bạn nối khố NSND Doãn Hoàng Giang. Cho đến khi gia đình nhận được giấy báo đỗ thì cậu mới dám về nhà.

Sau khi thi đỗ Đại học Sân khấu, Trọng Khôi được cử đi học ở Liên Xô. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi, ưa thích sáng tạo mà Trọng Khôi đã luôn đạt điểm cao trong diễn xuất và dàn dựng.

NSND Trọng Khôi

Ông là diễn viên nhà hát kịch Việt Nam, đã từng trải qua các chức phó đoàn, trưởng đoàn biểu diễn, Phó giám đốc rồi Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1989 và NSND năm 2000.

Sau khi nghỉ hưu, ông chuyển sang công tác tại Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Hội và làm Giám đốc Trung tâm ITI Việt Nam (Thành viên Viện nghiên cứu Quốc tế). Ông thôi giữ chức Chủ tịch Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam từ năm 2009 sau hai nhiệm kỳ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị này.

Công lao của NSND Trọng Khôi được ghi nhận qua việc tổ chức thành công hai mùa Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế, quy tụ nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các nước, tạo nên những sự kiện sân khấu lớn mang tính giao lưu quốc tế giữa Việt Nam và các nước trong thời kỳ hội nhập.

Ông được mời biểu diễn giao lưu quốc tế ở nhiều nước như Philippines, Nga, Mỹ và được trao bằng khen “Nghệ sỹ xuất sắc nhất Liên hoan Sân khấu quốc tế Moscow” năm 1990.

Trọng Khôi và những vai diễn để đời

Sinh thời, NSND Trọng Khôi đã có rất nhiều vai diễn để đời nhưng nổi bật hơn cả là vai Trương Ba trong “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” (1990) và vai Nghị Hách trong “Giông tố” (1991).

Trong vở diễn “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt”, Trọng Khôi là nghệ sỹ đã gánh vác toàn bộ sức nặng của tấn bi kịch mà Lưu Qung Vũ đặt ra trong kịch bản sắc sảo nhất của mình dưới sự xử lý đạo diễn hay nhất của Nguyễn Đình Nghi.

Với bản lĩnh nghề ngiệp cao cường, Trọng Khôi đã đi cùng nhân vật của mình qua những chặng đường cam go nhất của cuộc sống “lưỡng phân”. Vào vai một người làm vườn Trương Ba, do bị quan Nam Tào Bắc Đẩu xóa nhầm tên mà chết, đã được sống lại trong xác anh hàng thịt và từ đó phải sống cuộc sống hai mang “hồn nọ xác kia”.

Cái khó của vai diễn này chính là một diễn viên phải đóng cả hai vai. Giây phút con người và giây phút thần thánh nhập nhoạng vào nhau, giằng xé lẫn nhau tạo nên sự hấp dẫn của nhân vật. Và Trọng Khôi đủ năng lực để thực hiện yêu cầu kỹ thuật cao của hình tượng nhân vật.

“Đây là vai diễn rực rỡ nhất trong cuộc đời sân khấu của Trọng Khôi”- NSƯT Lê Chức chia sẻ.

NSND Trọng Khôi trong vai Trương Ba của "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Với lĩnh vực điện ảnh, Trọng Khôi nổi tiếng với vai Nghị Hách trong phim “Giông tố”.

Trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Trọng Khôi đã hóa thân thành gã trọc phú dâm ô, khả ố và gian manh, cưỡng hiếp cô thôn nữ xinh đẹp.

Trọng Khôi từng chia sẻ trên báo chí: “Nghị Hách là tên ít học thức, láu cá lại có máu dê. Lúc đầu tôi nghĩ mãi không ra cách thể hiện nhân vật, bỗng một hôm chợt nghĩ Nghị Hách rất giống con dê. Thế là Nghị Hách có kiểu cười nửa của người, nửa giống tiếng dê kêu”.

NSND Trọng Khôi với vai Nghị Hách trong phim "Giông tố"

“Có rất nhiều diễn viên đóng vai phản diện nhưng Trọng Khôi đã làm được một điều là xây dựng thành một hình tượng nhân vật điển hình. Sau này ai ác, ai đểu người ta thường ví với Nghị Hách. Anh ấy diễn không giống ai nhưng tạo được hiệu quả lớn nhất với khán giả. Chính vì việc khán giả ghét Trọng Khôi khi anh đóng vai Nghị Hách là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của anh”- Nhà biên kịch Đăng Chương, Cục nghệ thuật biểu diễn nhận xét.

Trọng Khôi và những tâm nguyện còn dang dở…

Đóng phim khá đều nhưng ông vẫn nặng lòng với sân khấu, “thánh đường” thực sự của mình từ năm 20 tuổi. Rồi mấy chục năm cuối đời, Trọng Khôi ít bước ra sàn diễn kể từ khi làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

“Tớ sẽ có chuyến độc diễn xuyên Việt, sẽ diễn lại đủ các trích đoạn mà mình “sướng” nhất. Sẽ thử hai vai Macbeth và Khuất Nguyên. Sẽ hát nữa, như một ca sỹ “xịn” chứ không phải chỉ để bạn bè nghe…”. Hơn một lần NSND Trọng Khôi đã nói ra những mơ ước như thế.

Nhưng những mơ ước đó sẽ mãi mãi nằm lại bởi cơn đau tim đã mang Trọng Khôi rời xa vòng tay gia đình và bè bạn. 

NSND Trọng Khôi với những tâm niệm còn dang dở...

Ngay từ những lúc còn bận bịu trong vai trò của Chủ tịch Hội, người ta đã thấy Trọng Khôi nói về những kế hoạch cũng như những dự định mà ông mong muốn được thực hiện. “Tớ sẽ diễn dăm bảy trích đoạn, nhất định phải có Hồn Trương Ba, Vua Lia. Hồi dựng Ông già đánh cá (kịch ngắn độc diễn 90 phút dựa trên truyện ngắn của Hemingway) chưa thành công thì giờ cũng phải làm lại. Lúc nghỉ giải lao thì chiếu các trích đoạn phim như Giông tố,…”.

Như một cơ duyên, NSND Trọng Khôi luôn yêu thích tờ báo TT&VH. Ông vốn cuồng nhiệt với bóng đá, và được coi là “á quân” trong giới sân khấu (sau NSND Doãn Hoàng Giang). Nhưng hơn hết, trang báo sân khấu chính là sự quan tâm bất tận của ông.

NSND Nguyễn Trọng Khôi còn là một “tay bút” có nghề bởi các bài viết gửi tới tòa soạn của ông thường là những ý kiến được rút ra từ thực tế đang diễn ra của đời sống sân khấu.

Bài viết cuối cùng gửi tới TT&VH là ý tưởng của ông về việc thành lập Trung tâm Kịch nghệ Việt Nam. Khi ấy Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đang trình Chính phủ một đề án “động trời”: Xây cụm nhà hát hiện đại với tổng diện tích 40.000 m2  .

Ông đã đưa ra cái lý, rất nhiều đoàn kịch Hà Nội đang “thiếu nhà để hát”, rồi những nghệ sỹ già về hưu cũng rất cần có những CLB riêng để tham gia biểu diễn. Và ông cũng đã gặp gỡ và thuyết trình cùng báo chí về những đề xuất của mình, cho dù dự án đó gần như mới chỉ là ý tưởng.

Đó chính là những tâm nguyện dang dở của NSND Trọng Khôi cho tới cuối đời.

NSND Trọng Khôi đã qua đời rạng sáng ngày 14-3 tại Hà Nội vì bệnh tim, hưởng thọ 69 tuổi.

Kim Dung (VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSND Trọng Khôi: Ký ức và những khát vọng