"Từ ngày chia tay người vợ thứ hai, sức khoẻ tôi có dấu hiệu giảm sút nhanh hơn. Trước đó, tôi được bà ấy chăm sóc kỹ lưỡng nên béo khoẻ…”, NSND Trần Nhượng chia sẻ.
Nghệ sĩ Trần Nhượng cảm thấy sức khoẻ sa sút nhiều từ khi chia tay người vợ thứ 2
- Trần Nhượng - Bước vào tuổi 70 nhưng ông vẫn tham gia đóng phim, hoạt động sân khấu và điều hành Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm. Ông lấy đâu ra nguồn năng lượng để làm được nhiều việc đến thế?
Tôi có một kỷ niệm không thể nào quên vì nó gắn bó với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Trong câu chuyện này có cả câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao tôi đam mê sân khấu nhiều đến vậy?”.
Mấy chục năm về trước, khi tôi đang đi diễn cách nhà 70 km thì nhận được tin bố đang hấp hối. Thời đó, đất nước còn khó khăn nên đường xá đi lại rất vất vả, phương tiện di chuyển khan hiếm lắm. Đoàn kịch đã quyết định dùng chiếc xe tải vẫn thường dùng để chở đạo cụ sân khấu và anh chị em văn công đưa tôi về trước lúc bố mất.
Vừa về đến nhà, nghe tiếng tôi gọi, bố tôi ứa hai hàng nước mắt, nấc lên ba cái rồi trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù rất đau đớn nhưng tôi chỉ kịp vuốt mặt cho bố tôi rồi phải leo lên xe quay trở lại điểm diễn để kịp giờ diễn buổi tối. Vì hôm đó tôi đóng vai chính trong vở “Chị Nhàn” nên không thể thay thế được.
Bước ra sân khấu, tôi buộc phải quên chuyện bố mình vừa qua đời để hoá thân vào vai diễn. Nhưng khi bước vào trong cánh gà hai hàng nước mắt lại ứa ra, ướt đẫm cả mặt. Cả buổi diễn hôm đó, tôi cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế.
Sau này, có nhiều hôm tôi ho rũ rượi nhưng khi bước ra sân khấu diễn thì cơn ho tự nhiên tan biến. Hoặc có những hôm người sốt 39 độ mà khi bước ra sân khấu vẫn diễn như mình đang rất khoẻ mạnh.
Sân khấu có gì đó lạ lắm! Nó có một ma lực như thể lên đồng vậy. Tức là khi bước lên sân khấu, người nghệ sĩ sẽ không còn biết mình là ai nữa, chỉ biết là nhân vật đang “nhập” vào mình thôi. Chính vì thế, sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung mới gắn với tôi cho đến tận bây giờ. Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ sống với nghề này chứ không có một nghề tay trái nào khác. Từ sự đam mê và tình yêu với nghệ thuật mà tôi có được nguồn năng lượng bền bỉ để theo nghề tới tận tuổi này.
Tôi từng học nghề đạo diễn truyền hình nhưng chỉ làm khoảng chục phim rồi trở lại với sân khấu vì tôi mê sân khấu quá. Tôi thấy sân khấu chỉ rộng có vài chục mét vuông nhưng cả thế giới nằm trên đó. Người nghệ sĩ ngoài đời chỉ là một con người bình thường nhưng bước lên đó lại biến hoá thành nhiều dạng người khán nhau. Dù đó chỉ là giả nhưng khán giả lại bị cuốn hút không dứt ra được.
Ở tầm tuổi này, đáng ra tôi đã được nghỉ ngơi. Nhưng cũng chính vì “ma lực” của sân khấu mà tôi vẫn lăn lộn, trăn trở… để điều hành Câu lạc bộ Sân khấu Thử nghiệm và đang có ý định nâng cấp câu lạc bộ lên thành Nhà hát Thử nghiệm. Nhiều khi thấy mình đúng là đang “ôm rơm” nhưng vì tình yêu quá mãnh liệt mà tôi không thấy “nặng bụng” gì cả.
Ngược lại, sân khấu cũng giúp tôi trẻ ra, sống yêu đời hơn và nhìn đời bằng con mắt lãng mạn hơn. Ngày 25.9 này, tôi cũng được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao quà tri ân, dành cho các nghệ sĩ 70, 80, 90 tuổi. Mặc dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tôi vẫn thấy mình trẻ trung lắm. Tôi thích chơi với những người trẻ và thích sống trẻ.
- Bên cạnh sự trẻ trung do nghề nghiệp mang lại thì hẳn ông cũng không tránh được những quy luật của tuổi tác. Có khi nào ông thấy sức khoẻ mình xuống cấp nhưng vẫn phải gồng lên để làm nghề?
Chính là thời điểm này tôi đang thấy mình xuống cấp về sức khoẻ đây. Nếu mọi người gặp tôi mấy tháng trước sẽ thấy tôi rất khác. Da vẫn cặng mọng, hồng hào và người rắn chắc hơn. Mấy hôm nay, tắm xong soi vào gương tôi thấy da mình sạm đi, nhăn nheo và gầy ốm hơn.
Tôi cũng đang bị thoát vị đĩa đệm và thoái hoá đốt sống cổ. Nhiều hôm chỉ cần đứng lâu một chút là hai chân tê cứng không bước nổi. Ngoài ra, mỗi khi trái gió trở trời, xương khớp của tôi cũng nhức mỏi khó chịu lắm.
Đó là chưa kể tôi đã phải sống chung với tiểu đường, trào ngược dạ dày, tiền liệt tuyến, trĩ… nhiều năm nay. Năm ngoái, tôi cũng vừa phải mổ sỏi mật. Nói chung, so với mọi năm, sức khoẻ của tôi kém đi rất nhiều.
Bây giờ, mỗi ngày tôi vẫn phải uống thuốc và thỉnh thoảng có ai mách cho thuốc gì tốt thì vẫn cố tìm mua. Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện được nhiều. Dẫu vậy, tôi vẫn đam mê sân khấu và vẫn muốn cống hiến hết mình. Nói như các cụ là “cái nghiệp đã vận vào thân” thì chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay mới hết được.
- Sau khi chia tay người vợ thứ hai, ông đang sống một mình. Cuộc sống của người đàn ông một mình hẳn cũng có nhiều điều đáng kể?
Đúng là sau khi chia tay người vợ thứ hai tôi đang sống một mình. Mới đầu thì cũng có nhiều vất vả nhưng bây giờ cũng đã quen dần. Hàng ngày, tôi ăn cơm bình dân ở ngoài quán. Chỉ mấy tháng dịch bệnh vừa rồi là tôi phải tự nấu ăn ở nhà. Cứ ra siêu thị mua một đống đồ về để trong tủ lạnh rồi đến bữa thì tự nấu tự ăn. Nhưng nói chung là sống một mình nên ăn uống cũng thất chừng thất bữa lắm.
Có lẽ, từ ngày chia tay người vợ thứ hai, sức khoẻ tôi có dấu hiệu giảm sút nhanh hơn. Trước đó, tôi được bà ấy chăm sóc kỹ lưỡng nên béo khoẻ, da dẻ căng mọng… Phải thừa nhận là bà ấy chăm sóc chồng con rất tốt. Đúng mẫu người phụ nữ của gia đình.
Nếu bà ấy không có tính “điên”, không nóng tính… thì sống với bà ấy rất tốt. Bà ấy cũng hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong sự nghiệp.
- Vậy lý do thực sự khiến ông và bà xã chia tay là gì?
Nói theo kiểu của các cụ thì vợ chồng là cái duyên cái nợ, hết duyên hết nợ thì chia tay nhau. Còn nói theo kiểu của người hiện đại thì không còn tình cảm, không còn tình yêu nữa thì tự khắc rời bỏ nhau thôi. Tôi cũng không thể lí giải được tại sao tình yêu ngày cứ nhạt dần rồi mất đi. Có thể do tính cách, công việc hoặc tuổi tác.
Tôi là nghệ sĩ nên phải quan hệ nhiều, khán giả hâm mộ cũng nhiều; còn bạn ấy làm kinh doanh nên đối tượng của bạn ấy cũng khác. Chính vì đặc thù công việc khác nhau nên đôi khi quan điểm sống cũng có những cái không hoà hợp được.
Nhưng có một cái mà tôi rất muốn chia sẻ đó là có nhiều cặp chia tay nhau thì không muốn nhìn mặt nhau nữa. Nhưng giữa chúng tôi bây giờ như hai người bạn thân. Bà ấy vẫn gọi điện thăm hỏi tôi thường xuyên. Thậm chí, thỉnh thoảng bà ấy còn đến dọn nhà cửa cho tôi. Bà ấy cũng dặn lúc nào có ốm đau gì thì phải nhắn để bà ấy đến chăm sóc.
Và thỉnh thoảng tôi cùng bà ấy với hai đứa con riêng của bà ấy vẫn đi ăn uống, đi xem phim với nhau. Bản thân hai đứa con riêng của bà ấy vẫn rất quý tôi và tôi cũng quý hai đứa lắm. Có chuyện gì chúng nó cũng gọi điện trò chuyện rất tình cảm.
Bảo quay lại với nhau thì không ai nghĩ sẽ quay lại nhưng sự quan tâm thì vẫn luôn dành cho nhau. Tôi nghĩ rằng, vợ chồng là duyên nợ, nếu hết duyên nợ thì có thể chia tay. Nhưng cái tình, cái nghĩa thì không nên cố giữ vì đó là thứ sẽ theo mình suốt cả cuộc đời.
Theo Dân trí