Kinh tế ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi

01/07/2019 08:34

Diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi làm cho ngành chăn nuôi của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giảm mạnh.


Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019

Đó là thông tin đáng chú ý trong tờ trình của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 do đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tại Hội nghị 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI diễn ra sáng 1.7.

Tăng trưởng nông nghiệp giảm 5%

Theo tờ trình, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm (GRDP theo giá so sánh 2010) ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2018 tăng 9,04%, kế hoạch năm tăng 8,5% trở lên). Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm 5% (bằng 56,2% kế hoạch năm), công nghiệp - xây dựng tăng 11,2%, dịch vụ tăng 6,4%. Lý do chính khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm mạnh là bởi dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 254 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố với tổng số lợn phải tiêu hủy lên tới trên 357.000 con, tương đương hơn 21.500 tấn thịt. 

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 9.941 tỷ 450 triệu đồng (thu nội địa 7.523 tỷ 600 triệu đồng), bằng 66,8% dự toán năm, tăng 34% so với cùng kỳ 2018, chủ yếu tăng thu tiền sử dụng đất. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 6.421 tỷ 650 triệu đồng (bằng 53,6% dự toán năm), tăng 9,6%. 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 19.902 tỷ đồng (tăng 19,4% so với cùng kỳ). Tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 63 dự án, điều chỉnh 25 dự án, với tổng vốn gần 6.000 tỷ đồng (tăng gần 142% so với cùng kỳ 2018), chấm dứt và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 13 dự án; thu hút khoảng 409,2 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 24,2% so với cùng kỳ 2018). Thành lập 850 doanh nghiệp mới (đạt 34% kế hoạch năm). 

Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6.2019, toàn tỉnh có 173 trong tổng số 220 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 78,6%). Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện và thành phố Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

 Giảm chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. Công tác giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, đã tạo việc làm mới cho trên 18 nghìn lao động (đạt 51,5 kế hoạch), xuất khẩu 2.261 lao động (đạt 52,6% kế hoạch).  

Việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện tốt. Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện 71 cuộc thanh tra hành chính và 93 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tiếp 1.931 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh (tăng 56 lượt); xử lý 100% số đơn tiếp nhận. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục được giữ vững. 

Trên lĩnh vực cải cách hành chính, Hải Dương đã triển khai hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Trên 90% thủ tục hành chính được xử lý đúng hạn và trước hạn. Đã triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, tiếp tục mở rộng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa; triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, khu dân cư. Tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. 

Giải quyết dứt điểm các “điểm nghẽn”

Tờ trình cũng chỉ rõ các hạn chế, trong đó nêu rõ công tác điều hành, thực hiện cải cách hành chính của một số sở, ngành và cấp huyện chưa thực sự quyết liệt; chưa nghiêm túc thực hiện các chế độ báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định. Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính có lúc, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao và thời gian kéo dài so với quy định. Việc nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện chưa chủ động, kịp thời và sâu sát. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa cung cấp được nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chỉ chiếm 6,5%). Chưa kết nối được phần mềm dùng chung của tỉnh. Một số địa phương chưa quyết liệt giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài.

BTV Tỉnh ủy đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có giải pháp tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án, công trình trọng điểm. Các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp, công khai kết quả theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp và nhân dân.

Tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, đồng thời, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đối với những trang trại, hộ chăn nuôi lớn bị thiệt hại phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. 

Tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, các khoản thu từ đất; kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tích cực rà soát nguồn thu, bảo đảm thu kịp thời ngân sách nhà nước. Thực hiện điều hành chi ngân sách linh hoạt, tiết kiệm; tăng cường thanh tra tài chính, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng ngân sách sai chế độ chính sách. 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường; nhất là lĩnh vực môi trường tại các cụm công nghiệp được dư luận và nhân dân quan tâm. 


Các đại biểu dự Hội nghị

Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo từ cơ sở. Chủ động giải quyết ngay và dứt điểm các vụ việc mới phát sinh. Bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là các khu vực đông người, khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối... Chuẩn bị tốt các điều kiện cho diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh.

Tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Hoàn thành và tổng kết việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối, kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế của các các cơ quan, đơn vị theo các kế hoạch và Đề án của Tỉnh ủy đã ban hành. Triển khai thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập các thôn, khu dân cư theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh; sáp nhập các cơ sở giáo dục công lập gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Đề án được duyệt. 

Tập trung tuyên truyền, thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại 1, gắn với việc tổ chức Lễ hội đường phố 2019 và tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh Hải Dương….

TM - TC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi