Vùng bãi rươi An Thanh (Tứ Kỳ) vừa được chứng nhận các sản phẩm sản xuất phù hợp với Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Đây là vùng đầu tiên và duy nhất trong tỉnh đạt chứng nhận này.
Với hơn 1 ha sản xuất hữu cơ, mỗi năm, gia đình ông Phạm Xuân Thưởng thu hơn 500 triệu đồng từ rươi cáy, lúa và các loại cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ
Canh tác xanh
Từ nhiều năm nay, ông Phạm Xuân Thưởng ở thôn An Định, xã An Thanh vẫn cần mẫn chăm sóc bãi rươi rộng hơn 1 ha nằm ngoài bãi sông của gia đình. Ông Thưởng cho biết: “Hết vụ lúa lại tới vụ rươi. Tôi phải thuê thêm người để cải tạo ruộng rươi, mấy hôm nữa sẽ làm đất, trộn thêm phân chuồng để đất được tơi xốp hơn nữa". Theo ông Thưởng, làm nông nghiệp hữu cơ chi phí sản xuất thấp nhưng công sức phải bỏ ra nhiều. Nông dân ở đây làm quanh năm không hết việc, dưới ruộng là rươi cáy, trên bờ là vườn cây ăn quả trĩu cành. Trồng hữu cơ nên quả thu được không to, mẫu mã không đẹp nhưng lại thơm và ngọt đậm nên tiêu thụ tốt. Chỉ riêng khu vực này mỗi năm gia đình ông cũng thu được hơn 500 triệu đồng.
Nông nghiệp không hóa chất là cách làm mà nhiều nông dân ở An Thanh đang thực hiện. Tại khu vực này, khai thác rươi cáy là chính nên mỗi năm nông dân chỉ cấy 1 vụ lúa. Nông dân tận dụng nguồn nước thủy triều xả vào đồng ruộng để lấy phù sa, vừa tiêu diệt mầm bệnh và cỏ dại. Lúa được cấy cùng giống, cùng thời gian nên chất lượng gạo thơm ngon, an toàn. Sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi đã được nhiều doanh nghiệp bao tiêu với giá cao và được người tiêu dùng đón nhận. Ngoài rươi cáy, gạo hữu cơ, nông dân tận dụng diện tích đất trên bờ để trồng các loại cây ăn quả như thanh long, chuối, mít, rau ăn lá và rau gia vị. Mặc dù diện tích ít, sản lượng không nhiều nhưng nông sản này có chất lượng vượt trội, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn với người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh, tháng 5 vừa qua, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi cáy quy mô 137 ha ngoài bãi đê sông Thái Bình đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Các sản phẩm được chứng nhận gồm: 104,5 ha lúa với sản lượng khoảng 450 tấn/năm, 25 ha chuối với sản lượng 415 tấn/năm, 5 ha mít, 1,5 ha rau ăn lá và 1 ha rau gia vị. Giá trị sản xuất ước đạt 500-700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh.
Mở rộng quy mô vùng
Huyện Tứ Kỳ hiện có 257 ha sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy tự nhiên, lớn nhất tỉnh. Trong đó, xã An Thanh có 137 ha đã đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Địa phương cũng có 5 sản phẩm gồm gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi, niêu rươi được xếp hạng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 và 4 sao. Tại vùng sản xuất hữu cơ này, nông dân đã xây dựng mô hình luân canh hiệu quả, bền vững với nhiều tầng khai thác. Dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả. Tất cả hòa quyện và tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Điều này khẳng định nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng cho nông dân nơi đây.
Không chỉ dừng lại ở 137 ha, An Thanh đang tiếp tục khai thác và mở rộng vùng rươi cáy ở cả diện tích đồng bên trong qua cống Sồi. Cống Sồi được khôi phục lại sẽ góp phần mở rộng diện tích khai thác rươi cáy của xã An Thanh thêm 214 ha về phía trong đồng, nâng tổng diện tích lên 350 ha. Nông dân ở đây đã bắt tay vào cải tạo lại ruộng để khai thác rươi cáy, thay vì chỉ cấy lúa như trước. Dự kiến chỉ từ 3-5 năm nữa, vùng sản xuất này sẽ tiếp tục trở thành một trong những vùng nông nghiệp hữu cơ của xã.
Ông Hoàng Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch nông nghiệp trải nghiệm là mục tiêu mà địa phương hướng tới. Những diện tích chưa đạt tiêu chuẩn thì hướng dẫn nông dân cải tạo theo quy trình sản xuất. Cùng với duy trì và mở rộng vùng sản xuất hữu cơ, địa phương sẽ đầu tư công trình kết nối giao thông, chỉnh trang hệ thống mương máng thủy lợi để tạo thuận lợi cho người dân sản xuất.
TRẦN HIỀN